Trẻ nguy kịch vì cha mẹ nhầm viêm não Nhật Bản với cảm cúm

13:00, Thứ tư 11/06/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tính từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận 208 trường hợp măc viêm màng não, trong đó có 4 trường hợp tử vong do viêm não Nhật Bản.

Bị viêm màng não Nhật Bản vì chưa được tiêm phòng

Ca bệnh viêm màng não Nhật Bản hiện đang được điều trị tại khoa Cấp cứu (BV Nhi Trung Ương) là cháu Phạm Thị Linh, 8 tuổi (Lý Nhân, Hà Nam). Được biết, bệnh nhân này nhập viện từ sáng 7/9 trong tình trạng sốt cao, co giật, chân đi không vững…

Chị Lê Thị Đào (mẹ cháu Linh) cho biết: “Sáng thứ bảy thấy con bị sốt, em có cặp nhiệt độ cho cháu thì phát hiện cháu bị sốt 40 độ. Vì thế em cho cháu uống thuốc hạ sốt, thì giảm xuống còn 38 độ C, nhưng con lại bắt đầu mê man. Thế là vợ chồng đưa cháu đến bệnh viện gần nhà, nhưng chỉ phát hiện là bị cảm cúm thông thường nên các bác sỹ lại cho cháu về.

viem nao nhat ban
Bệnh nhi Phạm Thị Linh đang điều trị viêm não Nhật Bản tại BV Nhi Trung Ương

Về nhà em cho cháu ăn rồi uống thuốc nhưng vẫn không đỡ, nên đưa cháu đi truyền nước. Nhưng càng truyền cháu càng mệt, hai chân đi liêu xiêu nên vợ chồng phải gọi xe cấp cứu đưa con lên đây”.

Tại đây, con chị Đào được chẩn đoán là viêm màng não Nhật Bản. Theo các bác sỹ điều trị tại đây, cháu Linh chưa được tiêm phòng vacxin viêm não Nhật Bản B. Khi đưa đến bệnh viện lại quá muộn, vì vậy sẽ có nguy cơ cao là sẽ để lại di chứng về tinh thần vận động.

Chị Đào rơm rớm nước mắt: “Sáng thứ 2, em có cảm giác cháu bị cứng hết chân tay nên vợ chồng em phải thay nhau xoa bóp, rồi gọi tên con liên tục để con không bị mất thính giác. Hôm nay thấy chân tay con mềm mềm thì mới đỡ lo”.

Cách phân biệt viêm não Nhật Bản với cảm cúm

Theo Ths.BS Trần Văn Học (Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Nhi Trung Ương), ngoài 1 ca viêm màng não Nhật Bản kể trên, bệnh viện hiện đang điều trị cho 18 ca bệnh viêm màng não khác.

“Bây giờ tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ nhỏ ở nước ta khá cao. Vì thế những năm gần đây, số ca bệnh bị viêm não Nhật Bản ở nước ta giảm nhiều so với những năm trước. Chỉ có những trẻ nào chưa tiêm vacxin viêm não Nhật Bản B mới có khả năng mắc phải thôi” – Ths.BS Trần Văn Học nói.

tran van hoc bv nhi tw
Ths.BS Trần Văn Học cho biết, viêm màng não Nhật Bản không đáng lo ngại.

“Những triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản thường là: Sốt cao, co giật, cứng cổ, buồn nôn… Vì vậy, nhiều người thường nhẫm lẫn với cảm cúm thông thường. Do vậy, khi nhập viện thì đã quá muộn, dẫn đến để lại nhiều di chứng sau này”.

Cũng theo Ths.BS Trần Văn Học, viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường xuất hiện nhiều vào từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt. Hiện viêm não Nhật Bản B vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể phòng ngừa.

“Để phòng ngừa viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm phòng vacxin viêm não Nhật Bản B. Khi đi ngủ cần mắc màn cẩn thận. Nếu thấy trẻ bị sốt cao, co giật, cứng cổ, buồn nôn…thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm, chứ tuyệt đối không được tự ý cho con uống các loại thuốc linh tinh” – Ths.BS Trần Văn Học tư vấn.

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt