Vị vua nào trong sử Việt sét đánh không chết, cuối đời bi thảm vô cùng?

( PHUNUTODAY ) - Từng bị sét đánh nhưng may mắn thoát chết, cuối đời, ông vua này bị truy đuổi, phải bỏ kinh thành chạy thoát thân.

Vị vua cuối cùng của triều đại nhà Mạc

Mạc Mậu Hợp là ông vua cuối cùng của triều đại nhà Mạc (giai đoạn đóng đô ở Thăng Long). Nắm quyền trong giai đoạn nhà Mạc suy yếu, Mạc Mậu Hợp trải qua nhiều biến cố đau thương. Theo sách "Lịch triều hiến chương loại chí", năm 1578, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh, may mắn thoát chết nhưng bị liệt nửa người.

Empty

Mạc Mậu Hợp (1560-1592) lên ngôi khi mới 2 tuổi, khi cha là Mạc Tuyên Tông chẳng may mất sớm. Cùng Lê Nhân Tông, ông là vua lên ngôi trẻ nhất trong lịch sử.

Lên ngôi khi còn rất nhỏ, Mạc Mậu Hợp may mắn được chú họ Mạc Kính Điển (con thứ ba của vua Mạc Thái Tông) nhiếp chính, nhờ đó chính sự ổn định. Sau khi Mạc Kính Điển mất năm 1580, triều Mạc cũng suy yếu hẳn.

Sau khi bị sét đánh, năm 1581, Mậu Hợp bị chứng “thong manh”, mắt mờ không trông rõ. Sau khi các thầy thuốc giỏi chữa trị trong vài năm, mắt của ông bình phục.

Cuộc đời làm vua của Mạc Mậu Hợp là những tháng năm đánh nhau liên miên với quân Lê - Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy. Sau khi Mạc Kính Điển qua đời, Mạc Mậu Hợp liên tiếp bị quân Trịnh đánh bại, phải bỏ chạy.

Sau nhiều năm đánh nhau với nhà Trịnh, quân Mạc ngày càng thất thế, liên tiếp thất bại. Cuối năm 1592, Mạc Mậu Hợp đích thân dẫn quân đánh giặc nhưng thất bại. Bị truy lùng, ông phải cải trang thành nhà sư trốn ở chùa, nhưng cuối cùng vẫn bị quân Trịnh bắt được.

Sau khi rơi vào tay quân Trịnh, Mạc Mậu Hợp bị treo 3 ngày. Trịnh Tùng ra lệnh cho quân lính chém đầu Mạc Mậu Hợp ở bãi cát Bồ Đề, rồi đem thủ cấp dâng lên vua Lê Thế Tông ở Vạn Lại - Thanh Hóa. Con trai của ông là Mạc Toàn kế nghiệp nhưng cũng nhanh chóng bị quân Trịnh đánh bại.

Điều chưa biết về Mạc Mậu Hợp

Âm mưu cướp đoạt vợ bề tôi

Dù trị vì nhà Mạc tới 31 năm, nhưng Mạc Mậu Hợp lại siêng chơi bời hơn là năng chính sự. Thế nên, cơ nghiệp nhà Mạc ngày một lụn bại. Vị vua nhà Mạc này trong những năm cuối đời, được Đại Việt sử ký tục biên nhận xét là: “Ngày càng buông tuồng du đãng, tửu sắc bừa bãi”. Còn Đại Việt thông sử thì bình: “Ngoài thì họ ngoại chuyên chính, trong thì hoạn quan chuyên quyền”. 

Thậm chí, đến cả vợ của quan viên mà thấy dung nhan đẹp đẽ, Mậu Hợp cũng có ý định cướp lấy cho mình, như việc định mưu giết Sơn quận công Bùi Văn Khuê để cướp vợ ông này là Nguyễn Thị Niên không thành, đến nỗi viên quan to ấy phải theo về nhà Lê mà chống lại. Làm thế, hẳn không mất ngôi sao được. Vậy, sự thể thế nào? Ta lại xem qua nơi “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” để thêm đôi phần tỏ tường vậy. 

Empty

Vốn Mạc Mậu Hợp trước đó lập Nguyễn Thị lên ngôi chính cung. Nguyễn Thị lại có chị là Nguyễn Thị Niên, se duyên tơ tóc cùng Sơn quận công Bùi Văn Khuê. Xét ra như dân gian ta về mặt ngôi thứ, thì Mậu Hợp và Văn Khuê là anh em cột chèo đấy. Ấy thế mà… khi Thị Niên thỉnh thoảng ra vào hậu cung để thăm em gái, thì vua Mạc, vốn đam mê sắc dục, thấy chị gái của vợ xinh đẹp thì “Mậu Hợp ưng ý Nguyễn Thị (Niên) vì nàng có nhan sắc, nên muốn giết Văn Khuê để chiếm lấy nàng”. Năm ấy, nhằm năm Nhâm Thìn (1592). 

Bùi Văn Khuê biết dã tâm của gã anh em cột chèo, cũng là chúa của mình, nên tỏ ra đề phòng, liền đem quân dưới quyền rút về đóng nơi đất Gia Viễn, Ninh Bình, không chịu vào chầu. Thấy thế, Mạc Mậu Hợp không chột dạ mà dừng việc phi nghĩa thì thôi, lại sai quân vào Gia Viễn, bức bách buộc Văn Khuê phải vào Thăng Long chầu thiên tử.

Biết thế đã cùng không thể phò tên chúa muốn cướp vợ mình, thế là “Văn Khuê sai con trai là Văn Nguyên chạy vào Thanh Hoa, dâng lễ đầu hàng và xin cứu viện. Trịnh Tùng ưng thuận cho hàng và mừng rỡ nói: “Văn Khuê đầu hàng, thế là trời giúp cho ta được chóng thành công”. Nói thế, bởi Văn Khuê là một vị tướng tài của Bắc triều (Mạc) lúc bấy giờ. 

Vậy là Bùi Văn Khuê theo về với vua Lê, chúa Trịnh chống Mạc, còn vua Mạc Mậu Hợp, chỉ vì một người đàn bà, mà tự chặt đứt cánh tay phải đắc lực của mình trong cuộc đối địch với Nam triều. Không những thế, lại giúp cho Trịnh Tùng có thêm một tên kiệt tướng, chính là kẻ dưới trướng bấy lâu của mình. Thế thì, cái thế thua, đã rõ như ban ngày. Sắc không có được, mà cơ đồ nơi đất Thăng Long, đã báo hiệu sự gãy đổ nhãn tiền rồi. 

Tụng kinh sám hối khi quá muộn

Chính sự bỏ bê, ăn chơi quá sức, kết cục là đến cuối năm Nhâm Thìn (1592), quân Mạc bị quân Lê - Trịnh đuổi đánh, Mạc Mậu Hợp phải chạy khỏi kinh thành, để rồi sau đó đối mặt với đao phủ nhà Lê nơi pháp trường.

Ấy nhưng trước đó, khi rời Thăng Long chạy loạn tránh thế mạnh của quân Lê - Trịnh, lúc ấy, quan tướng, quân lính lìa bỏ hết, Mậu Hợp thế cùng phải giả vào chùa làm nhà sư hòng qua mắt sự truy sát của quân lính nhà Lê, nhưng tiếc nỗi, mưu sự không thành. Sự thể được Lê Quý Đôn ghi lại trong Đại Việt thông sử. Theo đó khi Tiết chế Trịnh Tùng từ sông Tranh về kinh thành, nghe có người báo: - Mậu Hợp ẩn ở chùa Mô Khuê huyện Phượng Nhãn.

Trịnh Tùng được tin mừng lắm, bèn sai Trà quận công Nguyễn Đình Luân và Liêm quận công Lưu Chản, dẫn quân đi bắt. Đến vùng ấy, được dân địa phương cho biết: - Hôm nọ Mậu Hợp giả làm sư ông, đến ẩn ở đây, đến nay đã 11 ngày. 

Empty

Theo “Đại Nam quốc lược sử”, thì lúc ẩn trong chùa, Mạc Mậu Hợp xưng hiệu là Võ An. Quân sĩ được người dân chỉ, bèn đến chùa, thấy Mậu Hợp nghiễm nhiên ngồi xếp bằng, gạn hỏi, thì Mậu Hợp ấm ớ đáp rằng: - Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am mây này, chén muối đĩa rau, hằng ngày trai dưỡng; thắp hương thờ Phật, công đức chuyên làm.

Quân sĩ thấy nhà sư nói hoạt bát khiêm tốn, biết là Mậu Hợp, bèn bắt giữ. Mậu Hợp tự liệu không thể thoát được, bèn thú thực và nói rằng: - Mấy ngày trước đây, tôi chạy trốn ẩn núp ở trong rừng rậm, đã quá đói khát, dám xin cho một bình rượu uống cho đã.

Thế mới thấy, sống trong nhung lụa, được thụ hưởng đã thành quen, thế nên vị vua thất thế dẫu biết mình không qua được cơn đại nạn, vẫn nhớ đến những thói thường phàm trần. Quân sĩ nghe vậy, bèn cho bình rượu. Sau khi Mậu Hợp uống thỏa thích, mới ngậm ngùi than rằng: - Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường, cũng không thể được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi, đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vậy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước hoàng đế, để bày tỏ thực tình. Đó là lòng tôi rất mong muốn. 

Lời lẽ ấy, chính là lời chiêm nghiệm của vua Mạc sau bao mê muội vậy. Các tướng bèn sai dùng voi chở Mậu Hợp và hai kỹ nữ giải về Thăng Long. Khi giải Mậu Hợp đến trước hành doanh, phủ tiết chế sai dàn binh mã cực kỳ uy nghiêm, rồi mới cho dẫn Mậu Hợp vào yết kiến. Mạc Mậu Hợp lễ dập đầu phủ phục ở ngoài sân, phủ tiết chế truyền hỏi tới 3 lần, mà Mậu Hợp vì quá sợ, cứ ấm ớ không thể đáp được, phủ tiết chế bèn sai dẫn ra ngoài cửa quân, giam tù tại đây.

Tất cả các quan văn võ đều bàn: “Chiếu điều luật, những kẻ phạm tội thoán thí (giết vua cướp ngôi), thì xử theo luật “lăng trì” (tùng xẻo), để làm gương cho mọi người và đúng phép nước; lại đem thủ cấp tế cáo nhà tôn miếu, để rửa sự sỉ nhục của tiên vương và bớt cơn giận của thần nhân”.

Trịnh Tùng thấy kẻ đối địch với mình giờ đã sa cơ lỡ vận, lấy làm thương xót, không nỡ gia cực hình, bèn sai đem treo sống Mậu Hợp 3 ngày, rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, đem thủ cấp hiến Hoàng đế ở hành tại Vạn Lại xứ Thanh Hoa, đóng đinh vào 2 con mắt, rồi bêu ra ngoài chợ. Vậy là đến lúc này, như lời “Việt sử diễn nghĩa”, bàn cờ chính trị đã đổi chủ:

“Đông Đô thu phục tức thì,

Cơ đồ họ Mạc suy vi mất liền”.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link