Vợ chồng già rong ruổi khắp Việt Nam chụp ảnh nghệ thuật

17:20, Thứ ba 20/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Có lẽ sự viên mãn trong cuộc sống gia đình và thành công trong công việc làm ông bà khỏe khoắn hơn, dẻo dai hơn so với độ tuổi.

Và đến tận bây giờ, khi nhịp sống hiện đại hối hả, ông bà vẫn duy trì bữa cơm sum họp gia đình với các con vào mỗi tối. Đặc biệt, ông bà rất coi trọng những bữa cơm sinh nhật. Đó là lúc cả gia đình đông đủ, gắn kết và thể hiện tình yêu thương nhau nhiều nhất.
[links()]
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông bà vẫn rong ruổi cùng nhau trên khắp các cung đường của vùng cao, say sưa thu vào trong ống kính từng khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Hơn 50 năm chung sống cũng chính là ngần ấy thời gian ông bà chia sẻ với nhau niềm đam mê nhiếp ảnh.

Trong giới nghệ thuật, có lẽ không thiếu những mối tình nghệ sĩ nhưng thật hiếm có cặp vợ chồng nghệ sĩ nào vừa chung thủy trong cuộc đời lại vừa đồng cảm trong nghệ thuật như Phạm Tuệ - Đan Quế.

Nên duyên nhờ khoảnh khắc bấm máy tình cờ

Ông là Phạm Tuệ, sinh năm 1929. Năm 16 tuổi, chàng thanh niên gốc Hà Nội sớm gia nhập đội ngũ cách mạng. Trong kháng chiến, ông đã tự mày mò học cách chụp ảnh và dần trở thành tay máy có nghề.

Thế nên sau khi kháng chiến thắng lợi, Phạm Tuệ được phân công về làm phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Thời gian ấy, Phạm Tuệ nhận nhiệm vụ đào tạo, xây dựng lực lượng phóng viên nhiếp ảnh tại địa phương nên ông thường xuyên có những chuyến đi về các tỉnh.

Lần đó, trong chuyến công tác về Nam Định, ông có đi xem một buổi biểu diễn văn nghệ và tình cờ thu vào trong ống kính hình ảnh một người con gái “rất duyên dáng với chiếc áo lụa màu mỡ gà có thêu hoa đang biểu diễn trên sân khấu.

Vợ chồng nghệ sĩ Phạm Tuệ - Đan Quế
Vợ chồng nghệ sĩ Phạm Tuệ - Đan Quế

Cô có nụ cười tươi cùng đôi mắt sắc ngọt". Hình ảnh người con gái thùy mị, nết na ấy đã khiến trái tim của chàng trai 27 tuổi rung lên những nhịp thổn thức. Hồi ấy, Phạm Tuệ có 1 cô em gái lấy chồng ở Nam Định nên đã nhanh chóng giúp ông dò hỏi danh tính của người con gái đó.

Cô gái trong bức ảnh không ai khác chính là Đan Quế. Vốn là người con gái gốc Hải Phòng, trong kháng chiến Đan Quế theo gia đình tản cư về Cổ Lễ, Nam Định.

Ngày ấy, Đan Quế được coi như hoa khôi của vùng Cổ Lễ không chỉ bởi vẻ bề ngoài xinh xắn, dễ thương mà còn là cô gái rất năng nổ tham gia các phong trào thanh niên, gây dựng đội văn nghệ, đội kịch, đội múa tại địa phương.

Cảm mến người con gái duyên dáng, nết na, lại biết Đan Quế trưởng thành trong một gia đình cách mạng, các cụ thân sinh đều là những thầy thuốc có công trong kháng chiến, rất tương đồng với gia cảnh nhà Phạm Tuệ nên ông tìm cách làm quen.

Thế nhưng, người con gái tỉnh thành đang tuổi đôi mươi phơi phới, có nhiều người thầm yêu thương, ngưỡng mộ nên gặp mặt Phạm Tuệ không phải là đã ưng ý luôn.

Phạm Tuệ đã phải nhờ đến ngón đàn guitar mới có thể chinh phục được trái tim người đẹp. Ông kể rằng:

“Ngày ấy, tôi có anh bạn quen ở Nam Định lại ở gần sát nhà Đan Quế. Thế nên, mỗi lần về nhà anh ấy chơi, biết cụ thân sinh ra Quế có cây đàn nên anh em thường sang mượn về yêu cầu tôi đàn hát. Vậy là tôi cứ ở nhà bạn, ôm đàn hát nhưng lòng thì lại hướng về cô láng giềng.

Hồi ấy, trai gái yêu nhau không tự do như bây giờ, cũng chẳng có cái gọi là hẹn hò riêng tư vì gia đình bà Quế rất gia giáo.

Chỉ là mỗi lần về công tác, tôi đều sang nhà nói chuyện và chào hỏi cụ thân sinh ra bà Quế, tôi ngồi nói chuyện hai cụ ưng lắm, nhất là được tiếng phóng viên ảnh lúc nào cũng kè kè cái máy bên người nên khá oai”.

Còn với Đan Quế, ở tuổi 20 có lẽ quá non nớt nên bà cũng chưa ý thức nhiều đó là tình yêu. Trong thâm tâm, bà chỉ thấy chàng trai Hà thành hào hoa, nhiều tài lẻ thì đem lòng cảm mến. Dần dần, dưới sự vun vén của gia đình thì sau gần 1 năm đi “công tác” Nam Định, Phạm Tuệ đã rước được người con gái ấy về dinh.

Đến bây giờ sau hơn 50 năm chung sống, Đan Quế vẫn thầm cảm ơn khoảnh khắc định mệnh ấy vì nhờ nó mà bà gặp được ông – một người chồng, một người đồng nghiệp lí tưởng. Và điều hạnh phúc hơn, ông bà là mối tình đầu tiên và duy nhất của nhau cho đến tận bây giờ.

Lấy nhau mới biết vợ cũng chung đam mê nhiếp ảnh

Ngày còn trẻ, Đan Quế cũng thích chụp ảnh nhưng do không có điều kiện lại là con gái nên bà chỉ tự mày mò và biết một chút kiến thức về ảnh. Hồi yêu nhau, vì không có những khoảng hẹn hò riêng tư nên Phạm Tuệ không hay biết người yêu cũng đam mê chụp ảnh.

Ban đầu khi lấy nhau, Phạm Tuệ định cho vợ đi học ngành Y để nối tiếp truyền thống của hai bên gia đình và cũng để lo kinh tế vì lương phóng viên của ông quá ít ỏi.

Thế nhưng, mỗi lần thấy Đan Quế say sưa tự chụp và chăm chú theo dõi công việc rửa ảnh, in ảnh của chồng, ông nhận ra vợ mình cũng có xu hướng nghệ thuật. Vậy là từ bỏ ý định cho vợ học nghề Y, mỗi lần đi chụp ảnh ông lại kéo bà đi cùng để bà học hỏi.

Hồi mới cưới còn khó khăn, 2 vợ chồng chỉ sống bằng đồng lương phóng viên còm cõi của ông nhưng không bao giờ ông kêu ca mà chỉ động viên bà cố gắng.

Dần dần, những bức ảnh của Đan Quế tự chụp có một số báo, tạp chí xin về đăng. Nhưng nhuận bút từ những bức ảnh đó quá khiêm tốn so với chi tiêu cuộc sống gia đình.

Năm 1960, Đan Quế nộp đơn xin học lớp phóng viên nhiếp ảnh tại Thông tấn xã để có chứng chỉ nghề nghiệp sẽ thuận tiện hơn khi xin việc. Thế nhưng ngày ấy, bà bị từ chối thẳng thừng với lí do: “Phụ nữ thì làm sao làm được ảnh”.

Phạm Tuệ kể rằng: “Ngày đó, khi nghe như vậy tôi thấy thất vọng lắm nhưng biết làm sao được vì quan niệm của người ta lúc ấy chỉ có vậy. Tôi đã tự hứa với mình nhất định sẽ dạy vợ thành nghề và vợ tôi sẽ trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh thực thụ”.

Được sự động viên của chồng, Đan Quế cũng không nản chí, bà đi nhiều hơn, chụp nhiều hơn và cũng trưởng thành nhiều hơn. Cuộc sống tuy chật vật nhưng ông bà vẫn động viên nhau dù nghèo vẫn phải giữ lấy lửa với nghề.

Năm 1965, Phạm Tuệ được phân công chụp ảnh chủ đề: “Công nghiệp nhẹ Việt Nam” để sang triển lãm tại Ấn Độ. Phạm Tuệ đã để bà đi cùng và có nhiều tác phẩm cùng ông tham dự triển lãm. Chuyến đi này mới thực sự mang lại dấu ấn cho Đan Quế trong làng nhiếp ảnh.

Bà đã được nhận vào làm phóng viên ảnh của báo Văn nghệ. Sau đó chuyển sang phụ trách công tác sáng tác, triển lãm của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Có đầy đủ điều kiện để phát triển, hai vợ chồng Phạm Tuệ - Đan Quế say sưa với những chuyến đi thực tế để khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Ông bà đã cùng nhau sáng tạo nên phương thức in ảnh trên giấy dó với chung suy nghĩ là giữ gìn nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Giữa 2 người bạn đời ấy như có sự “giao kèo” thi đua ngầm với nhau.

Thế nên, năm 1975, khi bức ảnh “Hang Bồ nâu” của Phạm Tuệ đạt HCĐ cúp triển lãm FIFA tại Rumani thì cùng năm đó ảnh “Được mùa” của Đan Quế đạt giải Nhất cuộc thi ảnh Quốc tế báo Thời Mới do Liên Xô tổ chức.

Công việc của người nghệ sĩ nhiếp ảnh thường là những chuyến đi xa, nay đây mai đó thế nhưng nhờ có tài nội tướng của Đan Quế nên mọi việc gia đình đều được thu xếp chu đáo.

Bà bảo rằng vì ông tin tưởng bà tuyệt đối nên mọi việc khi bà đã quyết định là ông đều đồng lòng nhất trí, nhất là trong việc nuôi dạy con cái. Do tính chất công việc, nên từ nhỏ Đan Quế đã rèn luyện cho các con tính tự lập rất sớm.

Khi con được 2 - 3 tháng tuổi, bà thôi không bế ẵm mà rèn luyện cho con tự nằm chơi để bà có thời gian in, rửa ảnh. Là người phụ nữ, bà hiểu rằng gia đình mới là thứ quý giá nhất. Thế nên, khi cần bà sẵn sàng hi sinh niềm đam mê của mình để chăm lo cho tổ ấm, để chồng bà có thời gian sáng tác.

Khi các con còn nhỏ, ông bà chỉ thu xếp những chuyến đi gần, ngắn ngày cùng nhau còn những chuyến đi xa thì bà đành hi sinh để ông đi một mình. Bởi bà hiểu những chuyến đi mới khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho người nghệ sĩ.

Thấu hiểu tấm lòng của vợ, nên mỗi chuyến đi công tác xa, đi đến đâu ông cũng tìm những đồ vật lạ để mang về làm quà cho bà. Đến nay, bà đã có cả gia tài là những món quà từ khắp các chuyến đi của ông. Với bà đó là minh chứng cho tình yêu không ngừng nghỉ của ông đối với bà.

Mãi sau này khi một người chị gái của Đan Quế không lập gia đình, đã lên ở cùng ông bà giúp chăm sóc các cháu, cặp vợ chồng nghệ sĩ mới có thời gian sáng tác nhiều hơn. Nhất là từ khi nghỉ hưu, ông bà thường đầu tư hết lương hưu vào kinh phí những chuyến đi.

Hai tay máy, hai người bạn đời cùng chung một tâm hồn đồng điệu đi để khám phá, để cảm nhận khung cảnh tươi đẹp của thiên nhiên, con người quê hương.

55 năm chung sống chưa từng một lần cãi vã, ghen tuông

Trong đời sống gia đình, sẽ chẳng tránh được những lúc vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Thế nhưng, với cặp vợ chồng nghệ sĩ Phạm Tuệ - Đan Quế thì ngần ấy năm chung sống chưa từng một lần ông bà cãi vã, to tiếng với nhau.

Ông bà thừa nhận có lẽ là do ảnh hưởng tính cách của các cụ thân sinh là những thầy thuốc nên trước bất cứ sự việc gì ông bà cũng điềm tĩnh tiếp nhận mà không hề cáu gắt, nóng nảy. Hơn nữa, ông bà luôn tôn trọng, tin tưởng nhau trong cuộc sống và công việc nên không bao giờ xảy ra bất hòa.

Ngay cả một chút ghen tuông, đôi khi là gia vị cho cuộc sống gia đình cũng chưa từng góp mặt trong thực đơn của cặp nghệ sĩ này. Nghệ sĩ Phạm Tuệ bảo rằng: “Vì bà ấy hiểu hết con người tôi quá nên có lẽ cũng chẳng ghen tuông làm gì.

Vì bản thân là nghệ sĩ rung động trước cái đẹp là công việc nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ tơ tưởng, bà ấy là người phụ nữ duy nhất của tôi. Tình yêu của Quế dành cho tôi phẳng lặng lắm nhưng chân thực và tin tưởng”.

Thật khó có thể tìm được cặp vợ chồng nghệ sĩ nào, sau từng ấy năm chung sống đến tuổi “gần đất xa trời” vẫn nghĩ về nhau nồng nàn và nói về nhau bằng những lời có cánh như cặp vợ chồng Phạm Tuệ - Đan Quế.

Bí quyết để giữ gìn hạnh phúc của ông bà chính là bởi cả 2 biết chia sẻ đam mê cùng nhau và còn một điều mà nghệ sĩ Phạm Tuệ luôn tâm niệm là “hạnh phúc của một gia đình chính là 2 bữa cơm. Đó mới là hương vị của tình yêu”.

Với ông, bữa cơm là khoảng thời gian gắn kết các thành viên trong gia đình, để mọi người chia sẻ và thấu hiểu nhau. Thế nên, sau mỗi chuyến đi công tác trở về, ông luôn luôn dành thời gian để thưởng thức những món ăn ngon từ tài nội trợ tuyệt hảo của bà.

Và đến tận bây giờ, khi nhịp sống hiện đại hối hả, ông bà vẫn duy trì bữa cơm sum họp gia đình với các con vào mỗi tối. Đặc biệt, ông bà rất coi trọng những bữa cơm sinh nhật. Đó là lúc cả gia đình đông đủ, gắn kết và thể hiện tình yêu thương nhau nhiều nhất.

Có lẽ, đó là lí do mà từ ngày mới lấy nhau, dù kinh tế có khó khăn, eo hẹp nhưng vào sinh nhật của 2 người, ông bà vẫn làm bữa cơm thân mật để luôn có cảm giác được quan tâm trong không khí ấm cúng, hạnh phúc của một gia đình.

Có lẽ sự viên mãn trong cuộc sống gia đình và thành công trong công việc làm ông bà khỏe khoắn hơn, dẻo dai hơn so với độ tuổi. Chia tay tôi, cặp vợ chồng nghệ sĩ lại đang ấp ủ một chuyến đi lên vùng cao vào những ngày tháng 3 tới.

Với vợ chồng nghệ sĩ Phạm Tuệ - Đan Quế, hạnh phúc đơn giản chỉ là được cùng nhau chia sẻ đam mê.
 

  • Ngọc Hương
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc