Như Phunutoday đã đưa tin, vào khoảng gần 11h trưa nay, ngày 6/1 đã xảy ra vụ án giết người, cướp của tại số nhà 2, ngách 4/2 ngõ 493 Trương Định, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. Ngay lập tức, lực lượng công an đã có mặt, bao vây hiện trường vụ án. Sau khi gây án, hung thủ thấy không thể chạy thoát đã tự tử, để lại một xe máy Honda Airblade. Tại hiện trường, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tụ tập theo dõi vụ việc.
Nạn nhân được xác định là hai vợ chồng giáo viên già về hưu ngoài 70 tuổi. Ông Độ sinh năm 1940, vợ ông sinh năm 1947. Theo hàng xóm cho biết, ông bà Độ quê ở Hà Tĩnh, ít tiếp xúc với bên ngoài và không có mâu thuẫn với ai.
Liên quan đến việc hung thủ của vụ án đã tử tự, trao đổi với phóng viên, luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: "Trường hợp nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết mà vụ án không có đồng phạm thì cơ quan điều tra có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án nếu đã khởi tố và đình chỉ điều tra.
Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ tại điều 107 về việc không được khởi tố vụ án khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết. Sau khi hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự".
“Trường hợp trong vụ án có đồng phạm tức là có ít nhất 2 tên cướp trở lên thì cơ quan điều tra sẽ vẫn khởi tố vụ án bình thường và việc điều tra, truy tố xét xử vẫn được tiến hành với nghi can còn lại”, luật sư Giang Văn Quyết phân tích thêm.
Điều 164. Đình chỉ điều tra 1. Trong trường hợp đình chỉ điều tra, bản kết luận điều tra nêu rõ quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra. 2. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây: a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự; b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. 3. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ, nếu có và những vấn đề khác có liên quan. Nếu trong một vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can. 4. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố. Thời hạn ra quyết định truy tố được thực hiện theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật này. Bộ luật tố tụng hình sự |