Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul "dội nước lạnh" vào nỗ lực hàn gắn quan hệ
Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bên cạnh việc cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc âm mưu tiến hành chiến tranh hạt nhân, đã kêu gọi tạo “bầu không khí thuận lợi” nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Ông Kim cũng cho rằng đây là thời điểm để cải thiện quan hệ song phương.
Kim Jong-un kêu gọi cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, nhưng bị Seoul phản ứng lạnh nhạt. Ảnh: AFP
Đáp lại lời kêu gọi này của Triều Tiên, ngày 3/1, chính phủ Hàn Quốc lại tuyên bố: “hòa bình và hòa giải không thể chỉ đạt được bằng lời nói”. Đồng thời, Hàn Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân để chứng tỏ quyết tâm hàn gắn quan hệ giữa hai nước.
Theo lập luận của Seoul, Kim Jong-un cũng có những phát ngôn tương tự trong bài phát biểu đầu năm ngoái, nhưng lại tiến hành thử hạt nhân thứ ba ngay trong tháng 2/2013, khiến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.
Thái độ lạnh nhạt trên của Hàn Quốc khiến Triều Tiên rất tức giận. Hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn lời người phát ngôn của Ủy ban tái thống nhất hòa bình Triều Tiên (CPRK) cho hay: “Seoul… đã đáp trả lại lời kêu gọi của Bình Nhưỡng về việc bảo vệ an ninh và hòa bình dân tộc bằng những nhận xét hiếu chiến, khiêu khích và đe dọa”. Triều Tiên cho biết phản ứng “không mong muốn này” sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng hơn nữa trong mối quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan- Jin cảnh báo lời đề nghị hòa bình của miền Bắc có thể là một động tác ảo nhằm che giấu hành động khiêu khích mới. Ông Kim cũng kêu gọi quân đội cảnh giác và chuẩn bị.
Việc Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố cách chức rồi xử tử ông Jang Song-thaek - chú của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi đầu tháng 12/2013 làm dấy lên mối lo ngại về việc Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân nhằm chuyển sự chú ý khỏi vấn đề trong nước.
Triều Tiên bổ nhiệm Bộ trưởng ngành than
Hôm nay (6/1), Triều Tiên đã công bố Bộ trưởng ngành than mới. Trong bản tin của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA về lễ kỷ niệm 30 năm khu liên hợp khai thác than Pukchang, tại tỉnh Nam Phyongan, ông Mun Myong-hak được giới thiệu là “Bộ trưởng ngành công nghiệp than”.
Việc bổ nhiệm này không lâu sau khi phế truất ông Jang Song-thaek - chú của nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất phát từ những động thái của ông này trong việc độc chiếm ngành xuất khẩu than.
Than là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên.
Ông Kim Jong-ha, thư ký trưởng của Ban thư ký nội các Triều Tiên trả lời trên tờ Choson Sinbo - một tờ báo thân Bình Nhưỡng tại Nhật hồi tháng trước cho rằng những toan tính của ông Jang đã góp phần gây ra khó khăn cho kinh tế Triều Tiên.
Kim Jong-ha cũng cho biết Triều Tiên sẽ tự sản xuất và tái chế biến than và các khoáng sản tự nhiên khác để xuất khẩu. Choson Sinbo cũng gián tiếp xác nhận Kim Jong-ha đã thay thế Kim Yong-ho ở vị trí hiện tại sau khi ông Jang bị phế truất.
Lần gần nhất tên Bộ trưởng ngành than của Triều Tiên được truyền thông nước này đề cập là một năm trước, khi ông Rim Nam-su còn tại vị. Hiện chưa rõ số phận của cựu Bộ trưởng ngành than Rim Nam-su và cựu thư ký trưởng của Ban thư ký nội các Triều Tiên Kim Yong-ho ra sao.
Chang Yong-seok, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện hòa bình và thống nhất tại đại học quốc gia Seoul nhận định “Có lẽ đây đều là những xáo trộn trong chính phủ liên quan tới cuộc phế truất của ông Jang”.