Có lẽ không cần phải tận mắt xem clip vụ sập cầu treo Chu Va ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), chỉ cần đọc thông tin thôi nhiều người cũng đã thấy quá kinh khủng rồi.
Nỗi đau từ bi kịch 8 mạng người chết và 38 người bị thương đâu phải là chuyện nhỏ. Vậy nên dư luận phẫn nộ yêu cầu phải tìm cho ra được những tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cho vụ việc ấy là điều vô cùng dễ hiểu. Chỉ có điều, ở xứ ta việc truy cứu, xác định trách nhiệm, đâu phải là chuyện dễ dàng, làm một nhoáng là xong. Cần phải theo trình tự và có thời gian!
Con ốc, cục gạch phải nhanh chóng nhận khuyết điểm cho bi kịch 8 mạng người chết và 38 người bị thương (Ảnh minh họa) |
Đầu tiên, để giải thích nguyên nhân vụ vụ sập cầu người ta cho rằng vì "số lượng người đi trên cầu vượt quá tải trọng 1,5 tấn”. Họ nói thế cũng là có cái lý của họ, bởi cầu nào xây xong chẳng ghi số tải trọng to đùng ở ngay đầu cầu, dân mình đi đường không để ý rồi đi quá đông thì sự cố đáng tiếc như vậy mới xảy ra chứ.
Có điều trên thực tế ai mà chấp nhận nổi cái cách giải thích chẳng khác nào đổ vấy trách nhiệm lên những người đang còn nằm trong bệnh viện, trách nhiệm cả với những người đã mất. Hơn nữa, ngay trong câu chuyện tải trọng 1,5 tấn, chính các chuyên gia cầu đường đã xác định 1,5 tấn là tải trọng thiết kế trên mỗi mét dài. Chứ nếu là tải toàn bộ cầu thì trên mỗi mét chỉ là 1,5/54 = 0,028 T/m = 28kg/m - mức tải trọng có thể nói là - “chỉ cho gián hoặc cùng lắm là chuột đi qua cầu”.
Sau đó người ta phát hiện ốc neo cáp được hàn nối, không phải là ốc đúc nguyên khối theo thiết kế. Hiện trường cho thấy, ngay đầu dây cáp gắn với hố neo, chiếc tăng đơ bằng sắt là con ốc nối giữa cáp với hố neo - to bằng cổ chân người lớn đã đứt đôi.
Và thế là con ốc được xác định là nguyên nhân trực tiếp xảy ra sự cố. Chính từ điểm ốc neo đứt gãy, cáp bị lôi đi làm nghiêng mặt cầu, hất văng toàn bộ người trong đám tang xuống cầu.
Thế nhưng, con ốc không thể tự mình biến đổi từ ốc đúc nguyên khối mà lẽ ra nó phải như thế thành loại được hàn qua loa, hay nó cũng không thể tự mình bớt xén. Vậy nên đổ hết trách nhiệm nặng nề lên ốc neo thì quả là có phần oan ức.
Đang hoang mang không biết làm thế nào thì người dân bản Chu Va lại phát hiện trụ cầu bị vỡ, trơ ra những viên gạch ống. Một số người cầm hòn đá nhỏ đập vào cột thì những mảng vữa bung ra, lộ cả viên gạch.
Rất nhiều người cho rằng bên cạnh ốc nối, trụ cầu cũng là bộ phận rất quan trọng. Vì vậy việc trụ cầu xây bằng gạch cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ việc “một đám tang nhân lên thành nhiều đám tang”.
Tuy nhiên, mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo chí ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định : "Về nguyên lý xây dựng cầu treo thì phải đổ bê tông, cốt thép hết, chắc hẳn chỉ có thể là ốp gạch bên ngoài cho đẹp, còn bên trong chắc chắn là bê tông, không thể có chuyện làm... bằng gạch".
Và theo quan điểm của Thứ trưởng thì việc trụ cột có làm bằng gạch thì cũng không liên quan đến sự cố sập cầu xảy ra vừa qua, vì nguyên nhân trực tiếp xảy ra sự cố là do ốc neo được hàn nối thay vì đúc nguyên khối.
Mặc dù đã xác định được nguyên nhân trực tiếp xảy ra sự cố cũng như công khai danh sách các đơn vị tham gia thi công công trình này, nhưng ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay : "Đoàn công tác của Bộ vẫn đang tiếp tục làm việc trên địa bàn xảy ra vụ việc, nguyên nhân ban đầu được xác định là do ốc neo cáp của cầu làm ẩu, nên mới xảy ra sự cố, chứ không phải do quá trọng tải"
Sau khi kiểm định hết về hiện trường, các chuyên gia trong đoàn sẽ tiếp tục đưa neo đó về kiểm định. Thứ trưởng Trường cũng nhấn mạnh: "Xác định được sự cố do chất lượng ốc neo, thế nhưng còn phải kiểm tra cụ thể lỗi là do chủ đầu tư, hay người thi công, nên chưa xác định trách nhiệm thuộc đơn vị nào".
Ốc neo bị đứt gây sập cầu, trụ cầu được làm bằng gạch nung của cầu treo Chu Va |
Trước tình trạng dư luận đang bức xúc muốn tìm câu trả lời mà cơ quan chức năng lại vẫn chưa rõ người chịu trách nhiệm. Nhiều người cho rằng cách tốt nhất để xoa dịu dư luận có lẽ là yêu cầu cả con ốc, cục gạch nhanh chóng nhận khuyết điểm.
Theo đó nếu chỉ có ốc neo hay cục gạch nhận lỗi thì hơi nặng nề và oan ức cho cả hai, nên cùng nhau nhận khuyết điểm mọi thứ sẽ được chia đôi và nhẹ nhàng hơn nhiều.
Hơn nữa, theo truyền thống ở ta từ xưa đến nay, thành tích của cá nhân, trách nhiệm thuộc về tập thể. Vì vậy việc con ốc, cục gạch nhanh chóng cùng nhau nhận khuyết điểm cũng như rút kinh nghiệm sâu sắc là phù hợp nhất và cần thực hiện càng sớm càng tốt.