Bé gái sơ sinh chưa cắt dây rốn bị mẹ bỏ rơi trong túi nilon

09:24, Thứ hai 23/11/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Một bé gái sơ sinh chưa cắt dây rốn bị mẹ bỏ rơi trong túi nilon khiến người dân bức xúc và bất bình.

Một bé gái sơ sinh đã bị mẹ bỏ rơi khi chưa cắt dây rốn ở Quảng Ninh khiến người dân bức xúc và bất bình.

Ngay sau đó, trên cộng đồng mạng lan tỏa thông tin và kêu gọi những tấm lòng hảo tâm của mọi người ủng hộ sữa, tã và quần áo cho cháu bé.

Cơ quan chức năng cũng lập biên bản làm việc giữa bác sỹ khoa sản, đại diện Công an phường Cẩm Thành, Phó Chủ tịch hội LHPN phường và một số bên liên quan có ghi lại cụ thể nội dung như sau:

"Theo ghi nhận trong biên bản làm việc chúng tôi nhận được thì vào hồi 11h20 ngày 22/11/2015 tại khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả, chúng tôi gồm: bà Nguyễn Thị Ngân, Bác sỹ khoa sản; bà Nguyễn Bích Thêm, cán bộ LĐTBXH p. Cẩm Thành; bà Vũ Thị Hồng Lê, Phó Chủ tịch hội LHPN P. Cẩm Thành; Ông Nguyễn Công Duy, cán bộ Công an P. Cẩm Thành và bà Trần Thị Tuyết, trú tại tổ 2, khu 8, P. Cẩm Thành tiến hành về việc lập biên bản về việc tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Vào hồi 10h10, ngày 22/11/2015, tại tổ 2, khu 8, P. Cẩm Thành, người dân phát hiện một trẻ sơ sinh được gói trong một túi nilon. Sau đó đã báo cáo cho Công an phường Cẩm Thành.

Đến 10h40, mọi người đưa vào khoa sản Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả. Tình trạng trẻ khi đưa vào, giới tính: Nữ, toàn thân dính phân xu, mùi thối, da, môi nhợt, khóc yếu. Còn dây rau và bánh rau héo, nát, chưa cắt dây rau. Trẻ được phủ bằng một khăn bông tắm, đựng trong thùng xốp.

Sau khi tiếp nhận, các bác sỹ khoa sản đã xử lý ban đầu, tắm cho bé, ủ ấm, hút nhớt, thở ô xy, làm rốn, cho trẻ ăn. Hiện tại, sau khi được sơ cứu ban đầu, trẻ nặng 2.400 gam, tỉnh, khóc yếu, da môi hồng nhạt, ăn kém, bệnh viện tiếp tục chăm sóc, theo dõi.

 

Biên bản kết thúc hồi 11h50 cùng ngày. Đã thông qua biên bản cho những người có tên trên nghe rõ, công nhận đúng và ký tên xác nhận".

Bé gái sơ sinh chưa cắt dây rốn bị mẹ bỏ rơi trong túi nilon 1
Hình ảnh bé gái bị mẹ bỏ rơi. 

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi. Trước đó, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ việc tương tự.

Khoảng 3h30 rạng sáng ngày 26/6, chị Mùa Ngọc Duyên (27 tuổi, trú ở đường Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang) ra ngoài vứt rác thì thấy túi nilon trong thùng xốp để trước cửa nhà động đậy nên tò mò mở ra xem.

Vừa mở ra, chị Duyên hốt hoảng khi thấy trong túi là một bé trai vừa sinh ra còn nguyên dây rốn, không được mặc quần áo.

Thấy vậy, chị Duyên liền đưa cháu bé vào nhà mặc tạm quần áo rồi nhanh chóng báo cho công an phường Kim Giang. Qua kiểm tra, không có bất cứ thông tin gì đi kèm với bé. Hơn 9h sáng cùng ngày, bé trai được bàn giao cho trạm y tế phường thăm khám, chăm sóc.

“Bé trai bị bỏ rơi nặng 3,3kg. Cháu được đưa vào trạm y tế và được các y bác sĩ cắt dây rốn và tắm rửa sạch sẽ. Tôi trực tiếp chăm sóc cho cháu. Cháu bé rất đáng yêu, kháu khỉnh, cũng may được người dân phát hiện sớm không thì đã xảy ra chuyện xấu”, trạm trưởng trạm y tế phường Kim Giang cho biết.

Sau gần 1 tuần chăm sóc, tối 1/7, trạm y tế xã đã bàn giao cháu bé đến 1 trung tâm bảo trợ xã hội để có điều kiện chăm sóc cháu bé tốt hơn.

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/11/1989, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời: “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…”. Điều 4, 6 và 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”. Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”.

Luật cũng quy định cha mẹ không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”. Việc bỏ rơi con nhỏ đã vi phạm tất cả những điều luật trên. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013  cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng được áp dụng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Với tất cả những hành vi đó, rất có thể cha mẹ cháu bé cũng bị tước quyền nuôi con có thời hạn. Theo quy định của Điều 41 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Theo quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân gia đình thì người có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên gồm: cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên, Viện Kiểm sát, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ, các cá nhân, tổ chức khác…

Nhưng cũng theo đúng các quy định pháp luật, nếu xác định được cha mẹ đẻ cháu bé, ưu tiên đầu tiên là trả cháu bé về cho cha mẹ cháu nuôi dưỡng, chăm sóc. Theo Điều 13 Luật Chăm sóc, Bảo vệ và Giáo dục trẻ em thì trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013  cũng quy định cha mẹ, người nuôi dưỡng còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cha mẹ cháu bé không có khả năng nuôi con, có thể thỏa thuận với những người mong muốn nhận cháu bé làm con nuôi theo đúng quy định của Luật Nuôi con nuôi. Nếu đã cố gắng truy tìm mà không tìm được cha mẹ đẻ, người ruột thịt của cháu bé, theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, cơ quan nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm khai sinh cho cháu bé và xem xét việc cho người khác nhận cháu làm con nuôi theo đúng quy định pháp luật.

Phụ huynh cầm hung khí vào trường
Phụ huynh cầm hung khí vào trường "trả thù" cho con
(Xã hội) - (Phunutoday) - Khi biết con trai xảy ra mâu thuẫn với 3 học sinh khác, anh Trung đã rủ thêm 2 thanh niên khác mang theo hung khí xông vào lớp đánh 3 học sinh.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link