Như Phunutoday đã đưa tin, đến thời điểm hiện tại, thi thể của chị Lê Thị Hương Mai cùng cháu bé đã được các lực lượng chức năng cùng gia đình và người dân tìm thấy trên đoạn sông Hồng gần khu vực địa phận huyện Phúc Thọ (Hà Nội), cách nơi chị Mai ôm con nhảy sông khoảng hơn 20km.
Sau khi hỏa thiêu tại đài hoá thân Hoàn Vũ (Hà Nội) ba mẹ con đã được đưa về an táng tại xã Vĩnh Lại, Lâm Thao, Phú Thọ.
“Chúng tôi cây ngay mà người ta bẻ cong xuống tận đất”
Trao đổi với phóng viên Vietnamnet chiều ngày 7/9 tại nhà riêng ở tổ 22 phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, Phú Thọ, bà Đ, mẹ chồng chị Mai cho biết: “Tôi chưa bao giờ nhắc đến chuyện thằng bé chân nó thế này thế khác. Và tôi cũng không phải là người không hiểu biết. Tôi cũng biết cái nào là cái phải, cái nào là cái đúng, cái sai. Nên không thể có chuyện dòng giống nhà mình, mình ghét bỏ và mang ra nhiếc móc. Còn bảo là, bà dội nước sôi vào cháu, thì các cô thử nghĩ xem, có ai làm được cái việc đấy không?”.
Cái chết tức tưởi của chị Mai và cháu bé khiến cả khu phố xôn xao suốt cả tuần nay. |
“Chỉ có 1 lần, thằng bé đi vệ sinh, mẹ nó giục tôi lấy cho nó ít nước ấm để rửa cho thằng bé. Tôi cuống cuồng chạy vào lấy nước sôi rồi đổ thêm nước lạnh vào. Lúc đó, kiểm tra nước thì tôi thấy vừa, nhưng khi dội qua tay mẹ nó, mẹ nó thấy nóng thì kêu ầm lên. Thế rồi, mẹ nó tự lấy thêm nước để rửa lại chứ tôi mặt mũi nào mà cầm phích nước sôi dội vào thằng bé mà nói tôi như vậy.
Còn bây giờ, người ngoài nói thế nào thì nói, bản thân chúng tôi không làm việc xấu, không làm việc ác nên tôi chả có lo gì. Mọi người nói chán thì nghĩ lại” – bà Đ. nói.
Về sự việc xảy ra ngày 1/9 – tức là ngày chị Mai ôm con bỏ đi rồi nhảy sông tự tử, bà Đ kể:
“Sáng đó, tôi đi chợ để mua sắm hoa quả chuẩn bị giỗ cho ông nhà. Lúc tôi về thì thằng S. đi làm, còn cháu nó vẫn ở nhà, có đi đâu đâu. Thằng bé con nhìn thấy tôi mua hoa nó còn túm hết cả bó hoa để cho lên mũi ngửi rồi bảo, bà ơi bông này thơm, bông kia cũng thơm. Bông này thơm vừa bông này thơm lắm bà ạ. Thấy thế, tôi chỉ bảo nó là: cháu ơi, đừng có bóp hoa của bà, để mai bà cúng ông."
Xong rồi mẹ nó gọi thằng bé, bảo nó lên phòng, còn tôi xuống dưới nhà nhặt rau. Một lúc sau tôi thấy mẹ con nó thay đồ đẹp lắm rồi đi xuống. Thằng bé chạy vào chào tôi, tôi hỏi, cháu đi đâu đấy thì nó bảo, cháu đi chơi. Sau đó, mẹ con nó dắt xe đi. Ra đến cổng, gặp các bà hàng xóm, thằng bé còn chào tất cả các bà và bảo đi chơi chứ có chuyện gì xảy ra đâu. Còn lúc trước, khi tôi đi chợ, ở nhà nó với chồng có cãi nhau hay như thế nào thì tôi không biết.
Đến khi nhận được tin dữ, tất cả mọi người đều lo lắng chạy đôn chạy đáo, cả đám giỗ ngày mùng 2/9 chúng tôi cũng bỏ để lo công việc chứ ai ở nhà mà cúng giỗ nữa”.
Quá đau! Không thể ngờ được
Ngồi bần thần trước ban thờ vợ con rồi liên tục châm thuốc hút, anh Lê Hải S. kể, “Sáng hôm mẹ con nó đi, mình và vợ có cãi nhau. Nguyên nhân thì vẫn là những mâu thuẫn từ những ngày trước đó.
Mẹ mình ra ngoài, vô tình bị lây bệnh đau mắt đỏ khiến cả nhà bị theo. Trong khi đó, nó lại đang mang bầu nên cứ bực bội rồi đay nghiến mẹ chồng mãi. Vì thế 2 vợ chồng đã lời qua tiếng lại. Sau đó, gần đến ngày giỗ, nó đưa 1 triệu để góp giỗ với bà nhưng có thể cách nói năng của nó không được khéo nên bà không nhận. Thế là nó giận dỗi, vùng vằng, vứt cả tiền rơi xuống nhà. Sau thằng con nghịch làm bay đi đâu đó, nó tìm không thấy lại bảo, thôi cái tiền ấy đưa bà bà không lấy thì vứt đi”.
“Đến sáng sớm ngày mùng 1/9, 2 vợ chồng vẫn to tiếng vì những chuyện đó. Sau khi cãi nhau xong, mình bỏ đi làm. Không thể ngờ, nó lại làm chuyện đó” – anh S nói.
Anh S cũng cho biết: “Đúng là, hôm đó, nó có nhắn tin vĩnh biệt, nhưng vì lúc nó nhắn, mình đang đi trên đường nên không nhắn lại. Với lại mình biết tính vợ, mỗi lần vợ chồng giận nhau, nó cứ nhắn tin nhiều và liên tục đến mức đọc không kịp nên có lúc bận, mình cứ kệ, đến khi có thời gian rảnh mới mở ra xem vợ nhắn gì.
Hơn nữa, đây cũng không phải là lần đầu tiên vợ mình nhắn vĩnh biệt. Mấy lần rồi, nó cứ nhắn như vậy rồi bỏ đi. Sau đó, lại tự về hoặc không thì mình đi tìm nên mình nghĩ cái câu vĩnh biệt tức là bế con bỏ đi đâu đó, chứ không ai nghĩ là làm liều như thế này”.
“Còn việc vợ chồng, mẹ con mâu thuẫn thì đã 2 năm nay rồi, cả xóm, cả trên quê cũng biết nhưng chung quy lại cũng chỉ là quanh cái chuyện ăn ở lặt vặt"
Anh S. cho biết: “Vợ mình làm ở bệnh viện nên tính rất cẩn thận và sạch sẽ. Ngoài ra, tính vợ lại thẳng, nói năng không khéo léo. Có nhiều khi, không đúng ý cái gì đó, nó cứ nói bỗ vào mặt mẹ chồng và chồng khiến gia đình càng thêm mâu thuẫn.
Anh Lê Hải S. tại khu chôn cất mẹ con chị Mai. |
Tuy nhiên, trước ban thờ vợ mình đây, mình cũng không giấu gì cả. Mình quá đau. Không thể ngờ, tất cả mọi chuyện, vợ mình lại nhớ rồi đi kể cho em gái, rồi mỗi người mỗi nhận thức, để bây giờ, em vợ mình nó nói về nhà mình như vậy.
Còn mình, nói thật, đến bây giờ mình nghĩ là, mình cũng không ân hận gì cả. Mình mồ côi bố từ nhỏ, sống với mẹ, vậy mà khi vợ mâu thuẫn với mẹ, mình đã chấp nhận đi cùng vợ chuyển ra ở riêng để mẹ ở nhà 1 mình. Sau đó, vì mẹ ốm đau nên sau ngày 30/4 mình nói với vợ là, nếu không chấp nhặt những chuyện cũ thì 3 mẹ con ngồi nói chuyện với nhau, bỏ qua cho nhau rồi về nhà. Nhưng khi về nhà rồi vẫn có những mâu thuẫn mẹ con, rồi không vừa ý cái nọ, không vừa ý cái kia. Sau đó, từ những mâu thuẫn đó mà vợ chồng cũng đã có to tiếng với nhau, nhưng không ngờ được là nó cùng quẫn đến như thế”.
“Lúc phát hiện ra sự việc của vợ mình, rồi cả lúc tìm được xác của 2 mẹ con, mình phải tham khảo ý kiến của tất cả mọi người ở đây. Mình cũng rất muốn xuống với vợ con, nhưng không ai cho xuống cả. Người ta bảo, người trong gia đình không được xuống vì sợ kiêng kỵ. Nhưng mình cũng điện liên tục xuống dưới đó xem như thế nào.
Còn anh em họ hàng trong gia đình mình, tất cả đều tập trung tìm kiếm, đi ngày đi đêm, thuê thuyền đi xuống tận Hà Nội, rải tờ rơi thì mới tìm được như thế. Lúc phát hiện ra cũng là nhà mình ở đấy trước tiên, xong lo tất cả mọi thủ tục ma chay từ A đến Z.
Các cụ còn kiêng không cho mình đi chôn cất vợ con, nhưng mình không đồng ý nên khi xe đi qua nhà, mình phải ra đón rồi rước ảnh về nhà, sau đó mới theo xe về quê chôn.
Việc chôn cất thì theo quan niệm rồi kiêng kỵ của mọi người nên mới không có kèn trống mà chỉ lặng lẽ như vậy thôi. Kể cả cách chôn cất, nhà mình cũng đón thầy để được chỉ dẫn xem chôn như thế nào.
Nhưng bây giờ, em vợ mình làm như thế (tung thông tin lên mạng – NV) thì đúng là đau lòng quá. Nhà họ mất con nhưng đây mình mất cả vợ cả con chứ không phải không. Mình biết tính em vợ mình, nhưng nó làm thế làm mình quá đau. Vợ chọn cách đi như thế này khiến mình sống không bằng chết” – Anh S. run rẩy nói.
Bên cạnh nhà anh S., một người hàng xóm xin giấu tên cho biết, bình thường anh S là một người hiền lành, ít nói và khá chiều vợ. Bản thân bà Đ. từ khi về sống trong khu phố cũng chưa có đều tiếng hay mâu thuẫn với ai. Mọi người cũng chưa bao giờ nghe thấy tiếng cãi cọ, đánh chửi nhau từ những thành viên trong gia đình đó.
Tuy nhiên, một người hàng xóm xin giấu tên khác lại cho biết, khi còn sống, chị Mai sống rất tốt và biết điều. Nhưng chị Mai cũng thường than phiền về mẹ chồng, và chị Mai cũng từng nói rằng giữa chị Mai và mẹ chồng có rất nhiều mâu thuẫn...
Còn nhiều nghi vấn
Trước đó, theo thông tin từ phía gia đình mẹ đẻ chị Mai lại khác. Chị Minh Khanh, em út chị Mai cho hay: “Trước đây, chị Mai đã có vài lần ôm con về nhà ngoại vì gặp phải bà mẹ chồng khó tính”.
Chị Khanh kể: “Những lần chị ấy về đây cũng là do không hợp tính, hợp nết với bà mẹ chồng. Tính chị tôi thì yêu con, gọn gàng, sạch sẽ còn bà nội của cháu thì quá đoảng. Bà ấy chăm cháu kiểu gì mà có lúc dội cả nước nóng vào người thằng bé để nó bị rộp, đút cả thìa cháo đang nóng vào trong miệng. Thậm chí còn cho uống nhầm thuốc hạ sốt là thuốc chống ẩm… Chính vì bà ấy quá đáng thế nên chị ấy mới tức, mói nói rồi mới cãi cọ và xảy ra mâu thuẫn.
Chị ấy là người rất yêu chồng, thương con vì vậy dù từng đi thuê trọ ngoài để ở rồi về nhà mẹ đẻ sống nhưng khi anh chồng làm lành, dỗ ngon, dỗ ngọt xin phép gia đình cho đón vợ về sống cùng mẹ chồng vì bà ốm nên chị tôi lại mềm lòng rồi đồng ý về.
“Đấy! thế mà mới về chưa đầy 2 tháng 3 ngày thì chị tôi mất” - chị Khanh đau đớn nói.
“Tuy nhiên, khi sự việc đau lòng đã xảy ra, nếu gia đình họ tử tế, biết ăn năn, hối lỗi, mẹ chồng xuống xin lỗi một câu thì gia đình tôi sẽ bỏ qua tất cả. Thế nhưng họ khuất tất quá, họ chôn chị tôi, cháu tôi như chôn chui, chôn lủi thì gia đình chúng tôi không bao giờ chấp nhận được”- chị Khanh nói tiếp.
“Mất con, mất chị, mất em và mất cháu, gia đình chúng tôi đã đau lòng lắm. Ngày cả gia đình cho chị đi lấy chồng đều lành lặn thế mà…
Điều gia đình tôi giận nhất là sau khi tìm thấy thi thể của chị gái, anh S - chồng chị tôi không thèm xuống nhìn mặt vợ, mặt con lần cuối. Gia đình họ cũng không tỏ thái độ ăn năn, hối lỗi để xin lỗi gia đình chúng tôi.
Điều tồi tệ hơn là trong đám tang chị không có lấy một tiếng kèn, tiếng trống. Sau khi chở vợ con đi hoả táng ở đài hoá thân Hoàn Vũ, họ nói với gia đình chúng tôi là 4 giờ chiều mới chôn cất. Thế mà họ mời sư thầy cúng vái mấy vòng rồi hơn 1 giờ chiều họ đã lập tức cho chôn cất mau lẹ không kịp để cho bà con làng xóm, bạn hữu gần xa đến để thắp hương chia buồn.
Nếu hôm đó các chị đến chứng kiến đám tang các chị sẽ thấy, dưới bờ sông là vợ, là các con anh ta vậy mà anh ta không nhỏ lấy một giọt nước mắt nào. Anh ta cứ bảo yêu vợ, thương vợ mà đến khi vợ chết, anh ta không xây cho vợ lấy mấy viên gạch làm vách ngăn cho mồ yên mả đẹp”, chị Khanh bức xúc nói.
Bà Lưu Thị Nguyệt, trú tại Khu 10, Vĩnh Lại, Lâm Thao cũng cho biết: “Từ trước đến nay, hiếm khi nào tôi thấy có đám tang đông như thế. Người ta xót thương cho cô gái trẻ đẹp, có công việc ổn định mà sao lại nỡ bế con tự tử”.
Theo bà Nguyệt: “Chuyện mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở. Tuy nhiên người đứng giữa là chồng phải biết xử lý hài hoà mối quan hệ đó. Còn đằng này, chắc cháu phải cùng quẫn bế tắc đến tột độ nên mới tìm đến cái chết.
Tuy nhiên “Sống dầu đèn, chết kèn trống” khi chết đi gia đình nhà chồng dù có thế nào cũng phải cho cháu vài tiếng kèn, tiếng trống cho yên lòng, mát dạ, thế mà lại không có. Đã thế, khi chôn, hai mẹ con lại chôn chung một huyệt rồi lúc cao lên mới chia thành 2 mô đất. Từ xưa tới nay chẳng ai người ta làm thế bao giờ. Chuyện này làm dân chúng tôi bức xúc quá” - bà Nguyệt nói.