Sập hầm: Lời kể xúc động của những người trở về từ cõi chết

10:24, Thứ bảy 20/12/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) -"Lần nào hỏi bao giờ ra được cũng đều nhận được câu trả lời ngày mai. Một số người nói thà chết ngay đi chứ ngồi chờ chết như này kinh khủng quá".

Chiều 19/12, toàn bộ công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã được đưa ra ngoài sau gần 4 ngày đêm sống trong bóng tối, sợ hãi.

Mô tả ảnh.
Giây phút 12 công nhân được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi hầm sau hơn 80 giờ mắc kẹt.

Đến 18h40, các nạn nhân được phục vụ bữa ăn tối tử tế đầu tiên sau những ngày bị mắc kẹt trong hầm. Hầu hết mọi yêu cầu của các anh em đều được đáp ứng. Đến lượt mình gọi món, anh Nguyễn Tiến Đoàn (25 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định) khiến mọi người cười nắc nẻ khi kiên quyết đòi ăn mì gói. “Đây là món thường trực của cánh công nhân bọn mình. Suýt tí nữa là mình chẳng bao giờ được gặp lại nó” - anh vui vẻ nói.

Mô tả ảnh.
Nguyễn Tiến Đoàn đòi bằng được mì gói vì thèm.

Còn anh Nguyễn Văn Quang 20 tuổi (Can Lộc, Hà Tĩnh) ban đầu định xin cốc sữa nhưng ngay sau đó lại đề nghị cho ăn cơm. “Em mệt quá, tính uống sữa cho lại sức nhưng nhớ lại chuyện đã uống sữa và cháo suốt mấy ngày qua nên không uống nổi nữa”.

Khi được đề nghị kể lại chuyện trong hầm tối, Quang nói: "Kíp của chúng em có 15 công nhân, 12 người đi trước, 3 người đi sau. Khi vào sâu trong hầm khoảng 500m thì xảy ra sạt lở. 3 người phía sau kịp chạy ngược trở ra, còn chúng em chạy sâu vào bên trong nên mắc kẹt lại.

Mô tả ảnh.
Nụ cười hạnh phúc của công nhân bị mắc kẹt dưới hầm khi được chăm sóc tại bệnh viện tỉnh Lâm Đồng.

Khi hầm bị sập, em bị té dúi dụi đâm đầu xuống nước nhưng không bị thương. Thế nhưng ngày hôm sau khi đi lấy thức ăn lại bị đá rơi trúng thái dương bên phải, chảy máu nhiều lắm. Mấy anh em xúm vô lấy thuốc lá cầm máu và khẩu trang bịt vết thương. Trần hầm có một số chỗ tiếp tục lở, đá thỉnh thoảng lại rơi xuống mà hầm thì tối thui làm sao tránh được?

10 trong số 12 người có điện thoại di động. Mọi người bảo nhau cùng tắt nguồn, lúc nào có việc mới khởi động máy để lấy sáng. Nhờ có điện thoại mà anh em mới băng bó vết thương tử tế cho em được".

Mô tả ảnh.
Các bác sĩ đang sưởi ấm cho nạn nhân nữ duy nhất.

Cũng theo hồi tưởng của Quang, sức khỏe của Hoàng Đình Thịnh yếu nhất. Vốn mắc bệnh hen suyễn nên khi bị kẹt trong hầm, thiếu oxy nên đôi lúc Thịnh lên cơn hen tưởng chết. Khi Thịnh khó thở, chảy nước mũi, xùi bọt mép, anh em liền réo gọi người bên ngoài bơm oxy vào, giúp Thịnh đến bên ống thông khí, gí mũi vào đó để hít oxy.

Đa số thời gian ở trong hầm mọi người ngồi co ro, ủ rũ vì lạnh và sợ, riêng chị Ngọc thỉnh thoảng nhắc đến chồng và con nhỏ. "Hơn 1 ngày sau khi mắc kẹt, bên cứu hộ đã khoan thủng lớp đất đá sạt lở và liên lạc với chúng em qua ống thông khí nhỏ. Trong này nước chảy như suối, khó nghe những tiếng nói từ bên ngoài vọng vào lắm".

Nạn nhân mắc kẹt vụ sập hầm: Chúng tôi đã từng tuyệt vọng
Anh Hoàng Văn Sơn cho hay những ngày qua, anh rất sợ, có những lúc cảm giác tuyệt vọng. Đặc biệt ngày hôm qua, khi nước cao tới cổ, mọi người thực sự mất bình tĩnh.

"Chúng em hỏi bao giờ ra được người ta nói ngày mai. Hôm sau hỏi người ta lại nói như thế, đến lần thứ 3 vẫn nhận được câu trả lời y như vậy nên mọi người thất vọng lắm. Một số người nói rằng thà chết ngay đi chứ ngồi chờ chết thế này thì kinh khủng quá. Tuy nhiên những người khác động viên hãy bình tĩnh chờ xem thế nào đã. Sau đó, bố của Lành (18 tuổi, người nhỏ tuổi nhất trong nhóm - PV) từ ngoài quê vào, anh của em (Nguyễn Văn Quân - PV) cũng vô đường hầm nói chuyện với em. Lành  khóc vì quá xúc động nhưng sau đó bình tĩnh hơn", anh Quang kể lại.

Mô tả ảnh.
Chiến sĩ công binh Hoàng Văn Thảo - người đầu tiên tìm thấy các nạn nhân trong vụ sập hầm.

Hoàng Văn Thảo, người đầu tiên thông hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng, cho biết, lúc đào gần đến đường hầm, anh thấy một tia sáng phản lại nên anh em đồng loạt quyết tâm đào liên tục và rất nhanh. Khi đào được vào trong hầm các nạn nhân hết sức sung sướng.

"Lúc đầu tôi gọi hỏi bên trong có ai không, nhưng không ai trả lời vì những người gặp nạn đều đứng ở đầu bên kia. Gọi khoảng 20 lần thì bắt đầu có người khóc và hoảng loạn kêu cứu. Nghe được tiếng khóc và kêu cứu của mọi người, bọn tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc vì biết rằng họ đã được cứu", chiến sĩ Thảo nhớ lại.

Mô tả ảnh.
Thân nhân các công nhân bật khóc khi thấy người thân được đưa ra ngoài.

Ngay lập tức anh Thảo cùng đồng đội báo cho mọi người xung quanh và tiến hành đưa từng người lên phía miệng hầm phụ để chuyển ra ngoài.

"Một số công nhân mắc kẹt khi nghe tiếng lực lượng cứu hộ đã vui mừng đến suýt ngất vì biết mình đã được sống sau nhiều ngày bị mắc kẹt trong hầm tối. Còn các chiến sĩ chúng tôi thì như vỡ òa, quên đi tất cả những mệt nhọc. Chỉ muốn đưa những người này ra ngoài càng nhanh càng tốt để được các bác sĩ chăm sóc, điều trị", anh Thảo nói.

Mặc dù đang có chuyến công tác tại Thái Lan, khi nhận được tin cứu hộ thành công 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đa Dâng (Lâm Đồng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất vui mừng và đã có thư khen ngợi lực lượng cứu hộ ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống Bangkok chiều tối 19/12.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cũng đã quyết định thưởng nóng 100 triệu đồng cho 18 thợ đào lò của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nhóm cứu hộ đã tiếp cận và giải cứu 12 công nhân mặc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng.

Trước đó, Đảng ủy Than Quảng Ninh thưởng cho kíp dẫn đầu 10 triệu đồng (kíp thứ hai, ba, tư lần lượt là 8 triệu, 6 triệu và 4 triệu đồng). Riêng ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc TKV cũng sẽ thưởng 10 triệu đồng cho cho các kíp xuất sắc.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt