Xăm mình và những cuộc đời vằn vện (II)

07:58, Chủ nhật 03/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Băng 11 đứa (có hai cô gái) của Thành đều lớn lên trong một cô nhi viện ở Gò Công Đông, Tiền Giang. Trên vai đứa nào cũng xăm một bông hồng. Có tới 4 trong số 11 đứa trẻ ấy, trừ hai đứa con gái đã từng phải ngồi tù, đứa thì do trộm cắp, đứa khác do đập lộn gây rối trật tự công cộng. Thành bảo:

(Phunutoday) - Băng 11 đứa (có hai cô gái) của Thành đều lớn lên trong một cô nhi viện ở Gò Công Đông, Tiền Giang. Trên vai đứa nào cũng xăm một bông hồng. Có tới 4 trong số 11 đứa trẻ ấy, trừ hai đứa con gái đã từng phải ngồi tù, đứa thì do trộm cắp, đứa khác do đập lộn gây rối trật tự công cộng. Thành bảo:


- Anh đừng nghĩ là tụi em lưu manh. Cũng là vì cuộc sống cả thôi. Chẳng ai trên đời này coi tụi em ra cái gì cả. Nhịn lắm cũng có ngày nổi điên. Rồi làm bậy, rồi sẵn cây xăm gạo trong tay (Thành làm nghề bốc vác cho một vựa gạo ở Gò Công Đông) xỉa người ta một nhát. Vậy là vô tù”...

Trong trại tạm giam, thứ “tù con so” (ngồi tù lần đầu), không số không má lại cũng chẳng hề có thăm nuôi như nó nhanh chóng trở thành cái bia hứng tất cả những trò hành hạ đầy bạo lực của bọn đại bàng trong trại.

Mới nhập trại, Thành đã bị những thằng xăm mình bày trò bắt “sinh hoạt”. Nó bị hai thằng đại bàng kè hai bên, bắt ngồi xếp bằng, hai tay lót dưới mông (để tránh nạn nhân manh động, bất ngờ tấn công kẻ hành hạ mình bằng nắm đấm). Suốt cả ngày trời không hề được đổi thế ngồi, miệng phải nhắc đi nhắc lại đúng một ngàn lần một câu hết sức vô nghĩa:

-  Anh là đàn anh, em là đàn em. Việc của anh là việc của em. Đồ của em là đồ của anh.

Mỏi quá, cựa quậy đổi thế ngồi là ăn ngay một cú đá đau vẹo xương sườn. Nhắc nhầm câu “thần chú” trời ơi kia cũng bị đánh. Trong buồng tạm giam có một bể nước nhỏ. Lâu quá, chịu không nổi, Thành ngất xỉu, những thằng cô hồn múc một xô nước xối cái ào lên mặt cho nó tỉnh, sau đó bắt ngồi đọc “kinh nhật tụng” tiếp. Cứ thế, trong ngày đầu tiên, nó đã bị “sinh hoạt” hết “ba góc tư” bể nước, nghĩa là bị đánh, bị xỉu và bị xối nước cho tỉnh lại tới ba lần. Chập tối, khi dừng cuộc “sinh hoạt”, thằng đàn anh trong buồng giam ngó Thành từ đầu đến chân, bảo:

- Thằng này bảnh!

Ngỡ vậy là xong, nó lồm cồm bò đến chỗ khẩu phần ăn đặt trong góc nhà. Bốp một phát, Thành lại bị đá văng vào tường:

- Ai cho mày ăn mà mày dám ăn?

Cơm canh còn nguyên, sáng đem đi đổ, nhưng đêm đó Thành bị nhịn đói, cố lắm mới lết được về chỗ nằm ngay cạnh cầu tiêu khi đã quá nửa khuya.

Sáng hôm sau, kẻ mới nhập phòng lại tiếp tục bị hành hạ bằng trò “giữ đuôi chuột”. Đám đại bàng vẽ hình một con chuột lên tường buồng giam ở độ cao mà Thành phải nhón mũi chân mới với tới. Cứ thế, suốt cả ngày, chúng bắt nó phải đứng úp mắt vào tường, với tay lên giữ không cho ... chuột chạy. Mười đầu ngón chân tê dại, tụ máu đau lói óc, nhưng Thành vẫn không dám rời tay, bởi cứ tuột tay khỏi đuôi chuột là nó lại lãnh ngay môt cú đá!

Ngồi khác trại, Tiến, một thành viên khác trong nhóm của Thành bị thay trò “giữ đuôi chuột” bằng trò chăn kiến. Một con kiến càng được thả vào giữa một vòng tròn nhỏ xíu vẽ ngay giữa buồng giam tranh tối tranh sáng. Nhiệm vụ của Tiến là dùng một que tăm dài cả gang ngăn không cho con kiến bò ra khỏi vòng tròn. Kiến thoát cũng ăn đòn, làm nó gãy chân hay chết, gã tù con so càng thê thảm!

Tôi hỏi:

- Sao không báo giám thị trại, không xin đổi buồng giam?
Thành cười chua chát:
- Đổi đi đâu? Sang buồng khác lại đụng đám đại bàng khác, lại phải “sinh hoạt” lại từ đầu, càng chết!
Rồi nó dặn đi dặn lại:
- Có viết báo, anh nhớ đừng nói tên thật, đừng nhắc tên mấy cái trại tụi em đã ngồi, kẹt lắm.
Dĩ nhiên là tôi hiểu lý do. Nó không nhắc thì tôi cũng sẽ làm đúng y như thế.

Còn rất nhiều kiểu hành hạ nhau khác nữa. Nói chung, thế giới hình xăm chẳng khi nào đem lại cho con người ta những điều tốt đẹp.

Trong giới giang hồ, những hình xăm dù hoa mỹ đến mấy cũng chỉ là khởi nguồn của những nỗi thống khổ cùng cực nhất.  Khi công viên 23-9, Q.I, TP. Hồ Chí Minh còn là một bãi đất hoang, buổi tối thường có một đám chừng hơn chục thằng choai choai tụ họp. Mặt đứa nào cũng lầm lì. Khi chúng cởi áo, vai, lưng và ngực đứa nào cũng chằng chịt những hình xăm nhăng nhít, mỗi đứa một kiểu. Chỉ có hình xăm trên cánh tay trái của chúng thì đứa nào cũng giống đứa nào.
 

Chạy dọc lưng cánh tay mỗi đứa là một hình xăm hình sợi dây xích dài từ mép bàn tay lên đến khuỷu tay hình thành nên tên gọi một lớp “dân dây xích” hoặc “dân lòi tói”. Những “thuỷ thủ” này hoàn toàn không dính dấp gì đến nghề đi sông đi biển. Chỉ cần một chút kiến thức giang hồ, người ta sẽ biết ngay đó là một đám “thuỷ thủ Imê” chuyên đâm thuê chém mướn, từ hai phường Cầu Ông Lãnh và Cô Giang đang tụ tập nhau lại chờ mối đến gọi đi “mần việc”.

Giữa những năm 1990, một bóng điện tròn đập vào mắt trái là 200 ngàn. Gấp đôi, nếu bóng điện lệch sang mắt phải và vỡ. Nếu công việc cần dùng đến hàng (mã tấu), giá cứ việc nâng dần từ một triệu trở lên. Không cần biết nạn nhân là ai, cứ trả đủ tiền là chúng làm tất.

Thậm chí, có những lúc chúng được các tay trùm bến thuê mướn hoặc sai phái để gây một cuộc “trải đệm cuội”. Cả dãy phố Tây Đề Thám, Phạm Ngũ Lão hoặc khu Trà Bắc (đường Phạm Hồng Thái) đang làm ăn buôn bán tấp nập, bỗng dưng cả chục chiếc xe máy từ đâu rú ga inh ỏi ném xuống đường chừng hơn chục thằng đằng đằng sát khí kèm một bao tải mã tấu. Từ trong các con hẻm, không cần ai báo, một đám khác cũng cỡ chừng đó thằng vác mã tấu xông ra cấp kỳ.

Cuộc đâm chém loạn đả diễn ra trong chớp mắt với một ít máu rắc lên đường và vô số hộp đèn, bảng hiệu bể tan bể nát, hàng hoá ô dù gãy đổ lung tung. Những thằng cô hồn, cả hai băng, biến mất cũng nhanh như lúc đến, Công an phường hay CS 113 xuất hiện thì chẳng thấy còn ai. Rất có thể ở một góc tối nào đó trong công viên bỏ hoang, thành viên của hai băng đang chùi tay vào ống quần và chia nhau tiền công.

Thì ra, để dằn mặt và đòi tiền bảo kê các cửa hàng, quán xá trong khu vực, một gã đầu bò nào đó đã “nhờ” một đàn anh khác xua quân tới, vờ vịt gây một cuộc “trải đệm” với dao kiếm xủng xoảng nhưng chẳng ma nào chết, hai băng chỉ tranh thủ đập phá là chính nhằm dằn mặt chủ hàng.

Chỉ một vài ngày sau cuộc “trải đệm” ấy, dứt khoát sẽ có ai đó lịch sự đến xin các cửa tiệm góp cho chừng một vài triệu/tháng cái gọi là “tiền hoa chi” để “bù cho công lao khổ cực, và cả máu nữa, của anh em đổ ra bảo vệ các ông các bà làm ăn yên ổn”. Cứ thử không thòi tiền ra xem, thế nào sau đó cửa tiệm cũng bị một đám cô hồn xứ khác vô cớ đến đập phá te tua mà chẳng thèm giải thích, giải ghét gì sất!

Đề tăng dũng khí, trước khi hành sự, những thằng cô hồn thường thả vào họng mỗi đứa vài ba viên Imênoctan, một thứ tân dược gây ảo giác. Phê thứ này, kẻ say thuốc sẽ trở nên hung bạo, không biết sợ là gì.
 

Đặc biệt, lỡ có bươu đầu, chảy máu, khoái cảm càng tăng, Lâu dần thành nghiện, khi không có phi vụ, Imênoctan vẫn được sử dụng.

Để tăng khoái cảm, những thằng cô hồn thường tự gí đầu điếu thuốc đang cháy đỏ lên cánh tay để tìm thứ lạc thú trong đau đớn. Khi hàng chục vết thương nối nhau thành thẹo, chúng thoa mực lên, thế là tay có thêm một sợi lòi tói bò ngoằn ngoèo.

Ngày nay, công viên 23-9 sạch đẹp đã mọc lên, trước công viên là khách sạn New World xếp loại 5 sao khi nào cũng sáng choang và dập dìu toàn giai nhân tài tử. Đám “thuỷ thu Imê” cũng không còn mống nào. Hầu hết, nơi tụ tập mới của chúng đều là trại giam hoặc trường giáo dưỡng! Một số không ít thì đã “chuyển hộ khẩu” về… Bình Hưng Hoà, nói trắng phớ ra là chết mất ngáp từ lâu bởi AIDS và vô số bệnh xã hội khác.

Dù có xăm đại bàng, hổ, rồng..., những kẻ xăm mình cũng chẳng hào hùng hay khá thêm được tí nào. Lừng lẫy nhất trong số những kẻ xăm mình trên toàn miền Nam, không ai khác, chính là Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn, tên tuổi lẫy lừng gắn liến với chức danh Thủ lĩnh Bình Xuyên.

Thuở hàn vi, Bảy Viễn làm tài xế lái xe thuê cho một nhà tư sản gốc Hoa tên là Trần Phước. Một lần cởi trần sửa xe cho chủ, Bảy Viễn đã phô nguyên tấm hình một đầu cọp nhe nanh xăm choán nguyên tấm lưng to bè ra trước mặt Trần Phước.

Hình xăm quá ấn tượng, Trần Phước đã bảo Bảy Viễn:

- Anh Bảy tướng hổ lưng gấu, thuộc hàng chọc trời khuấy nước, đâu phải hạng tầm thường làm tài xế kiếm cơm!

Sau đó, ít nhiều, Trần Phước cũng tỏ ra biệt đãi Bảy Viễn. Sẵn ô tô của chủ, Bảy Viễn đã tổ chức đi ăn cướp, bị mật thám bắt đày ra Côn Đảo.

Tại đây, hình xăm trên lưng “thấy phát ghét” đã đẩy Bảy Viễn vào thế một mất một còn, rừng không hai cọp với một gã “cặp rằng” khét tiếng ngục Côn Lôn tên là Thạch Danh, một cao thủ người Việt gốc Miên. Kết quả, phần thắng nghiêng về Bảy Viễn, đưa ông ta lên vị trí “cặp rằng”, nhờ đó mới có điều kiện tổ chức vượt ngục về lại đất liền làm mưa làm gió.

Khi đã công thành danh toại, được Pháp gắn cho cái lon Thiếu tướng, Bảy Viễn đã tri ân người “đọc vị” được mình qua hình xăm, gọi Trần Phước về giao cho trọng trách nắm giữ tay hòm chìa khoá đồng thời thay mình quản lý hai sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới.

 Toàn bộ nguồn thuốc phiện của Bảy Viễn, một tay Trần Phước vun quén, dùng xe của Bảy Viễn đem về cất giấu tại nhà y ở số 43 đường Lacaze, cạnh sòng bạc Đại thế Giới, sau đó bán lại cho tỷ phú mới nổi Lý Long Thân thu lãi kếch xù. Thế nhưng, cả kẻ tri ân lẫn người tao ngộ cũng không thể dựa thế một hình xăm để tác oai tác quái được mãi.

Ngày 29-3-1955, trúng kế khiêu khích của anh em Ngô Đình Diệm, Bảy Viễn đã ra lệnh nã pháo vào Dinh Độc lập, tạo cớ cho Diệm – Nhu  mở chiến dịch Hoàng Diệu, giao  cho  Đại  tá Dương văn Minh chỉ huy đuổi Bảy Viễn và đám tàn quân Bình Xuyên chạy dài ra Rừng Sác. Kết cục, Lê Paul, con trai Bảy Viễn bị bắn chết, bản thân Bảy Viễn phải lưu vong sang Pháp và chết trong cô quạnh ở trời Tây. Trần Phước bị Diệm tịch biên tài sản, bắt bỏ tù, sau đó cũng chết trong tù.

Nói đến thế giới xăm mình là nói đến những tranh chấp, những cuộc lât đổ và tranh đoạt ngôi vị. Cuộc chiến hình xăm dữ dội nhất tàn bạo nhất của giới giang hồ đã thực sự xảy ra vào năm 1974, ngay trong trại Chí Hoà.

Trong cuộc tranh giành quyền bán ma tuý trong trại giam, Lâm “chín ngón”, tức Lê Ngọc Lâm, đàn em cật ruột của Đại Cathay đã lỡ tay đâm chết Vũ Đình Cương, tức Cương “võ sĩ”, một tên tuổi lừng lẫy, được giang hồ mệnh danh là “hiệp sĩ trong bóng tối”. Cương “võ sĩ” là em ruột của Sơn “đảo”, tên thật là Vũ Đình Khánh, kẻ vào thời điểm đó vẫn đang giữ vị trí số 1 của giang hồ Sài Gòn.

Sơn Đảo tên thật là Vũ Đình Khánh, con trai một gia đình công giáo gốc Bắc di cư, ngồi tù khổ sai Côn Đảo 5 năm vì tội chém người. Cả 4 anh em Khánh, Cương “võ sĩ”, Tiềm, Hoàng Bệu đều là môn sinh của võ đường Hổ Bạch Ân  nổi tiếng khu vực Tân Bình.

Năm 1965, mãn hạn tù, Sơn Đảo tổ chức cho toàn bộ anh em trai trong gia đình “chuyển đổi cơ cấu ngành nghề”, bỏ truyền thống giã thịt quết chả sang buôn bán bạch phiến. Phất nhanh, Sơn Đảo đã bỏ tiền ra bảo trợ cho võ đường Hổ Bạch Ân, đồng thời xây phòng tập riêng trong trại lính dù Hoàng Hoa Thám.

Đổi lại, anh em Sơn Đảo nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, độc quyền cung cấp bạch phiến trên một khu vực rộng lớn quanh khu vực Chợ Ông Tạ - Lăng Cha Cả và hai trục đường lớn là Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ) và Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng tháng Tám).

Sóng bước cùng tay anh chị mới phất trong những trận ăn chơi đâp phá là những tấm lá chắn mà dân chơi Sài Gòn nghe tên là phải “ớn ba sườn, không dám đụng”: Trung tá Lê Quang Lường, Trung tá Be (ban 2 Dù), Thiếu tá Đường (Sư đoàn 3 Dù), Trung uý Nguyên, con nuôi tướng Cao Văn Viên…v.v

Thế cao, lực mạnh, nhưng lại lụn bại trong thảm kịch. Cuối năm 1972, Vũ Đình Cương bị nhốt vô trại Chí Hoà. Đụng độ với Lâm Chín Ngón, dù Lâm thuộc loại to con, lỳ đòn nhưng cũng không thể xem là đối thủ tay bo xứng tầm của Cương “võ sĩ”. Nhưng “thời hai tay ba đao” giang hồ hiểm ác, biết mình yếu thế, trước khi ra đứng đối mặt địch thủ, Lâm Chín ngón đã kịp lận vào lưng một lưỡi dao lá lúa.

Hăng máu “trừng trị thằng bố láo”, Cương vít  đầu  Lâm xuống  để  tát  tai. Khi  địch  thủ  còn  đang say ra đòn thị oai, chủ yếu để đám đàn em lố nhố đứng xung quanh chứng kiến, Lâm Chín Ngón đã bất ngờ rút dao, thốc  ngược từ dưới lên. Không chút đề phòng, Cương võ sĩ lãnh nguyên một dao vô bụng, chết ngay không cần cấp cứu.

 Để trả thù cho em, Sơn Đảo đã gửi vào tù một sát thủ tên Nguyễn Văn Hoàng, hỗn danh là Hoàng “đầu lâu”, thành danh nhờ chiếc đầu lâu to vật vã và hai ống xương bắt chéo gớm ghiếc trổ trên lưng. Hoàng “đầu  lâu”  đeo đai  đen tứ đẳng Taekwondo, võ nghệ vào loại thượng thừa.
1
 

Nhưng trong giang hồ, thằng cô hồn này vẫn thuộc hàng trên vai thích một chữ “chốt” (thật ra là chữ binh trong tiếng Tàu, nhưng  gọi theo  cách  của  dân miền Nam chơi cờ tướng), không  có  số  má gì. Con “chốt” đã nhận lệnh sang sông là chỉ được tiến, không được phép lùi, bảo chém ai là chém, cấm có suy nghĩ hay từ chối. Nôm na, loại này giang hồ gắn cho cái danh rất kêu là “sát thủ”, dù quyền uy, vị thế giang hồ thì chẳng bằng ai.

Để “lấy số” giang hồ nhằm tạo điều kiện được ngồi chung buồng biệt giam với Lâm “Chín ngón”, chờ dịp sẽ ra tay, Hoàng “đầu lâu” vốn vẫn còn vô danh đã tự tăng án bằng cách lén vác kiếm vào buồng tự quản chém bay lỗ mũi Trung sĩ Cách.

Tên này cậy thế là cháu gọi Giám thị trại Chí Hoà bằng cậu ruột nên lon lá một mẩu, người có mấy gang nhưng vẫn cực kỳ hống hách. Bất kỳ thân nhân nào vô thăm tù, Trung  sĩ Cách  đều  tìm  cách gây khó dễ, đến khi nào thân nhân bị biến thanh  nạn nhân, xuỳ tiền ra cho thầy trà nước hắn mới chịu thôi.

Đồ ăn thức uống gửi cho tù, dù chỉ là cái bánh, hũ thịt rim, Trung sĩ Cách cũng “dã man” bẻ đôi hoặc dốc cả hũ ra săm soi. Vì thế, tù nhân lẫn thân nhân đều vừa sợ, vừa ghét y cay đắng nhưng không ai dám làm gì.

Trừng trị được Trung sĩ Cách một cách quá ngoạn  mục (gọi chính xác phải là quá man rợ), Hoàng “đầu  lâu”  nghiễm nhiên “lấy số giang hồ”, vai vế tăng mấy  bậc. Tiếng tăng nhưng vì tội mới, án cũng tăng, Hoàng được ném vào khu biệt giam của trại Chí Hoà. Ném theo một cục tiền thật to nữa, Sơn Đảo đã đẩy được Hoàng Đầu lâu vào ở chung buồng giam với Lâm “chín  ngón”, rập rình chờ cơ  hội.

 Vốn là một võ sĩ, trong buồng biêt giam, Hoàng “đầu lâu” đã liên tục vận công, đứng tấn và đấm đá loạn xạ, cốt ý khoe chiếc đầu lâu nhe nanh nhằm khủng bố Lâm “chín ngón”. Trò hát bội của Hoàng khiến Lý “lắc” (Phạm Văn Lý, đã chết), chú nhóc 16 tuổi có nhiệm vụ nấu ước pha trà  và đêm đêm đấm bóp phục vụ đàn anh sợ vãi linh hồn. Lý “lắc” cảnh báo với Lâm: “Anh coi chừng, hình như anh Hoàng sắp giết ai đó”.
 
Còn ai vào đây nữa?  Lâm “chín  ngón” quá hiểu  nên quyết định “tiên hạ thủ vi cường”. Lâm nhờ Tướng Lam Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm huấn luyện Thủ Đức, lỡ tay bắn chết quản gia nên phải vào tù mua giúp một chai Remy Martin đưa vào buồng giam phục gã xăm mình gan to nhưng óc nhỏ uống say mềm. Khi Hoàng đã nằm thẳng cẳng và ngáy như kéo bễ, Lâm “chín  ngón”  đã nấu nước sôi, đổ ụp lên mặt Hoàng và dùng dao lá lúa chuẩn bị sẵn đâm liên tục giết chết đối thủ.

 Bên ngoài, chưa kịp nghĩ ra kế tiếp tục trả đũa Lâm “chín  ngón”, Sơn Đảo đã bị anh em Y “cà-lết” (Phạm Bá Y), Xã Xệ (Phạm Bá Tiến) bắn gục ngay cạnh vũ trường Crystal. Số phận Lâm “chín ngón” cũng không may mắn gì hơn. Sau hơn 20 năm ngồi tù, vì những tranh chấp giang hồ, ngày 14-7-1999, anh ta cũng bị Năm Cam nhờ Dung “Hà” tổ chức tạt axit gây bỏng toàn khuôn mặt, hỏng hai con mắt, vĩnh viễn trở thành một người tàn phế!

Một trường hợp xăm mình khác cũng rất đáng nhắc đến, đó là Hiếu “cu lùn”, một tay anh chị sôlô (không băng đảng) ở Tân Bình. Nguyễn Văn Hiếu xuất thân là một anh thợ làm bánh mì, nhà ở khu vực xóm dệt sau Hội chợ triển lãm Hoàng Văn Thụ.

Xóm Hiếu sống tập trung toàn dân lao động nhâp cư tự do, từ những năm đầu thập niên 1980 đã có đủ loại tệ nạn mọc lên như nấm, kéo theo hàng loạt những cuộc đâm chém, tranh giành. Nhỏ con nhưng lì đòn, Hiếu “cu lùn” nhanh chóng nổi lên như một thằng nhóc con bất trị, không ngán ngại một băng nhóm giang hồ nào.

 Tính cách của Hiếu đã khiến một tay trí thức sa cơ cùng làm bánh mì với Hiếu phát hiện và khái quát luôn bằng một câu tiếng Pháp: “Pour avoir refusé d’être fils, il faut devenir père!” (Không muốn làm con thì phải làm cha). Tiếng Việt một chữ cắn đôi cũng không biết, Hiếu “cu lùn” vẫn cạy cục nhờ người bạn vong niên ấy chép câu tiếng Pháp này ra giấy, sau đó thuê thợ xăm ngay lên ngực, xem như triết lý sống của đời mình.

Khoảng giữa năm 1981, trong một trận thư hùng một chọi một đám, Hiếu đã rút lưỡi lê đâm thủng bụng một đối thủ, phải lĩnh án 20 năm tù. Trong trại tạm giam, Hiếu “cu lùn” vẫn là một tay anh chị dữ dằn, tuy không ức hiếp ai nhưng cũng chưa bao giờ nhịn bất cứ kẻ nào ức hiếp. Quá lì, gã trở thành một tên “đại bàng” khi nào không biết. Khi gặp chúng tôi ở trại Z30D (Hàm Tân, Bình Thuận), lao động và sự giáo dục đẫm tình người của Trại đã khiến gã thay đổi hẳn.

 Thay câu tiếng Pháp, gã đâm khoái dòng chữ tiếng Anh được đắp nổi cao cả thước chạy dài trên tường phân trại K1: “There is no more norble than humanship!’” (Không có gì cao cả hơn tình người). Hiếu tỏ ra rất ăn năn vì đã lao theo triết lý sống của dòng chữ trót xăm trên ngực.

Được đặc xá dịp 30-4-1995, tình cờ Hiếu gặp và xin đi nhờ xe của chúng tôi về TP. Hồ Chí Minh. Cao hứng với tự do, anh ta tuyên bố:
 

- Việc đầu tiên khi về đến nhà, tôi sẽ đi xoá hình xăm. Không giang hồ nữa, tôi sẽ lấy vợ, sinh con và làm lại từ đầu.

Thế nhưng, gã đã nói mà không thể giữ lời. Mù chữ, nghề chuyên môn không có, lập gia đình xong, Hiếu rơi ngay vào cơn khốn quẫn. Cay cú với đời trong sự thua thiệt vật chất, Hiếu đã liều lĩnh thò chân vào lãnh địa hàng trắng,  trở thành kẻ cầm đầu một đường dây buôn ma tuý lớn định kiếm thật nhiều tiền sau đó đoạn tuyệt giang hồ, đưa vợ con đi xứ khác lập nghiệp để thực sự được “làm cha”.

Nhưng những toan tính chết người của gã đã không bao giờ có thể đi tới đích. Giữa năm 2004, Hiếu bị bắt, bị đưa lên giam giữ tại Tây Ninh chờ ngày ra trường bắn!

Câu chuyên của Hiếu “cu lùn” là một minh chứng sống động, chứng tỏ rằng hình xăm là thứ chẳng bao giờ đem lại sự tốt lành. Để thực sự tỏ rõ ý thức hoàn lương, đoạn tuyệt quá khứ giang hồ, phá hình xăm cần phải xem là ỵêu cầu đầu tiên phải làm. Từ sau vụ Năm Cam (năm 2002), tại trại giam Công an tỉnh Tiền Giang, đây là một yêu cầu bắt buộc.

 Theo tường thuật của P., gã giang hồ mang chữ “nhẫn” cuối cùng, phạm nhân được cán bộ y tế của trại  giúp xoá hình xăm bằng thuốc tím và muối ăn. Khi những hình xăm đã bị bào mòn, họ sẽ được trại cho uống kháng sinh, vừa giảm đau, chống sốt, vừa chống nhiễm trùng. P. bảo:

- Hình xăm biến mất là thấy nhẹ cả người. Chẳng còn thấy thiết tha gì với cái trò xưng hùng xưng bá nữa!

Nguyễn Thanh Trúc
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc