Xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1: Hồi hộp, căng thẳng, kiệt sức

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nhiều thí sinh vẫn chầu chực rút, nộp hồ sơ trong ngày cuối cùng của đợt xét tuyển vì điểm trúng tuyển tạm thời càng về cuối càng biến động

Biến động trong ngày cuối cùng nhận hồ sơ

Hôm qua (20/8), ngày cuối cùng nhận hồ sơ xét tuyển vào đại học, cao đẳng đợt 1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.hàng trăm thí sinh, phụ huynh  vẫn chầu chực rút, nộp sang trường khác vì điểm trúng tuyển tạm thời của các trường càng về cuối bất ngờ biến động khiến thí sinh lẫn phụ huynh trở tay không kịp.

Mô tả ảnh.
Ngày đăng ký xét tuyển cuối cùng của đợt 1 tại ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, từ sáng sớm đã có hàng trăm thí sinh ngồi chật kín hội trường, nhiều em tìm đến bàn tư vấn hỏi, với điểm này em có nên rút hồ sơ? Nếu không rút thì có khả năng đỗ những ngành nào.

Do lượng thí sinh nộp và rút hồ sơ bất ngờ biến động nên nhiều trường đã có phương án ưu tiên cho những thí sinh rút hồ sơ được giải quyết sớm để các em kịp nộp sang trường khác đồng thời tổ chức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cho thí sinh đến khi nào hết thí sinh xét tuyển (kể cả sau 17h theo quy định của Bộ Giáo dục)

Trưởng phòng Khảo thí Đại học Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Long cho biết, trường đã tính đến trường hợp bùng nổ thí sinh đến nộp hồ sơ vào chiều nay. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đến sát 17h, nếu vẫn còn nhiều em chờ đến lượt nộp nhà trường sẽ cho tất cả vào trong phòng lớn, và tính là các em đến nộp hồ sơ trước thời điểm kết thúc theo quy định của Bộ.

"Chúng tôi sẽ tiếp nhận hồ sơ của các em cho đến khi hết. Thí sinh nộp qua đường bưu điện được tính đến hết ngày 20/8 cơ mà. Cán bộ, giảng viên có thể vất vả hơn, nhưng tất cả vì quyền lợi của thí sinh", ông Long nói.

Hồi hộp, căng thẳng và kiệt sức

Mô tả ảnh.
 Chật cứng người nộp lẫn rút hồ sơ.

20 ngày của kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1, thí sinh, phụ huynh hết hồi hộp, lo lắng rồi chạy lòng vòng rút, nộp hồ sơ.  Ngày cuối cùng xét tuyển đợt 1 vẫn là đỉnh điểm của những cảm xúc căng thẳng lẫn kiệt sức. Vượt qua mốc cuối này mới biết chắc ai lọt vào ngưỡng cửa đại học.

Mô tả ảnh.
Bà Hồng bật khóc khi nói đến những ngày ăn chực nằm chờ ở Hà Nội theo dõi tình hình xét tuyển cùng con gái.

Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi, quê Hải Phòng) nước mắt ngắn dài cho biết, suốt một tuần qua, mẹ con bà thuê trọ ở Hà Nội theo dõi tình hình xét tuyển. Con gái bà là Vũ Thị Phương Hạnh thi khối D được 24,25 điểm. Ban đầu em tự tin nộp vào khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Ngoại thương, nhưng đến 17/8 thì rút vì không còn cơ hội.

Không chỉ hai mẹ con trọ ở Hà Nội theo dõi hàng ngày, 3 chị gái của Hạnh ở quê nhà cũng túc trực cả ngày bên máy tính để theo dõi tình hình các trường, tính toán cơ hội để quyết định rút - nộp hồ sơ. 

Mô tả ảnh.
Từ một người tù mù về công nghệ, ông Thìn (giữa) phải tập làm quen với máy tính, vào mạng để canh điểm cho con của mình.

Ông Nguyễn Hữu Thìn (quê Phú Yên) bắt xe vào TPHCM 3 ngày nay đều có mặt tại trường ĐH Kinh tế TPHCM để canh điểm cho con gái. Ngày nào, ông cũng lên trường ngồi từ lúc 7 giờ sáng đến khi trường đóng cửa mới chịu về.

“Trước khi đi, tôi và con ra UBND xã viết giấy ủy quyền cho xã chứng thực, đóng lệ phí rồi mới vào TPHCM canh điểm. Tôi không dám cho con đi vì sợ nó ngợp, có ấn tượng không tốt với ngưỡng cửa đầu đời. Tiền đi lại, ăn uống, ở nhà trọ trong ba ngày qua đã tốn của tôi hết mấy triệu rồi. Từ trước đến giờ, tôi có biết máy tính là gì đâu. Bây giờ, phải mượn máy tính xách tay của đứa cháu rồi nhờ mọi người chỉ để cách vào trang web của trường ĐH Kinh tế TPHCM để coi điểm, canh số thứ tự”, ông Thìn nói.

Cùng chung cảnh ngộ với bà Hồng và ông Thìn là mẹ con em Nguyễn Công Thành (Thuận Thành, Bắc Ninh) túc trực ở Đại học Công nghiệp để theo dõi tình hình nộp hồ sơ từ bốn hôm nay. Mỗi ngày, cùng với biến động về điểm chuẩn tạm thời, Thành đều thay đổi nguyện vọng, chuyển sang ngành lấy điểm thấp hơn nếu thấy mình ở trong vòng nguy hiểm. 

Mô tả ảnh.
Bơ phờ chờ đợi tương lai vào ĐH của con mình.

Qua ba lần thay đổi nguyện vọng, đến nay em đã bị bật ra khỏi hầu hết ngành đăng ký, chỉ còn Điện tử truyền thông là đang ở ngưỡng an toàn. "Được 20 điểm, trường lấy 490 chỉ tiêu, đến trưa nay em ở vị trí 381. Vị trí này không an toàn bởi nhiều bạn từ các trường tốp trên đang ào ào đến nộp hồ sơ", Thành lo âu nói.

Trong bốn ngày ở Hà Nội, mỗi ngày bị bật ra khỏi một ngành, Thành và mẹ lại chạy sang các trường Thủy lợi, Điện lực, Kỹ thuật Công nghiệp để theo dõi tình hình. Không biết đường, mệt mỏi vì nắng nóng, nhưng hai mẹ con luôn động viên nhau cùng cố gắng. "Các trường khác có khả năng đỗ cao hơn, nhưng em không thích bằng Đại học Công nghiệp, vì vậy vẫn hy vọng", nam sinh chia sẻ.

Mô tả ảnh.
"Nghẹt thở" ngóng chờ thông báo điểm chuẩn tạm thời.
Mô tả ảnh.
Cảm xúc khác nhau của các thí sinh khi phía nhà trường ĐH Kinh tế TPHCM công bố mức điểm chuẩn tạm thời cuối cùng.

Căng mắt dò điểm trên mạng, dành nhiều ngày chầu chực tại trường không còn làm cho phụ huynh mệt mỏi nữa mà bắt đầu kiệt sức. Những tính toán, chọn ngành đăng ký giờ đây giống như một "canh bạc" mà thí sinh, phụ huynh chỉ biết trông chờ vào may rủi ở kỳ tuyển sinh này.

Sự thật bất ngờ về tấm biển kiếm trăm triệu/tháng ở các trường ĐH
Sự thật việc 3 nam sinh cầm tấm biển “chỉ việc chơi” kiếm 200 triệu/tháng ở cổng các trường đại học được hé lộ khiến nhiều người bất ngờ.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn