Trời chiều vừa tắt nắng, như thường lệ, bà Nguyễn Thị Thuận (SN 1956, ngụ tại Biên Hòa – Đồng Nai) lại “tay xách nách mang” lỉnh kỉnh mớ đồ nghề làm bánh cay ra đặt ở một góc đường cạnh trạm gác chắn tàu lửa. Vẫn dáng vẻ trầm tư quen thuộc, người phụ nữ luống tuổi ấy cứ một mình lặng lẽ loay hoay mãi cho đến khi bếp lò bén lửa thì cũng là lúc những giọt mồ hôi bắt đầu rơi lã chã bên chảo dầu vàng sôi sóng sánh…
Năm vừa tròn 16 tuổi, khi nước nhà còn chưa thống nhất, bà Thuận đã vất vả sống đời người thợ ở Công ty len Biên Hòa. Đến năm 1978, bà xây dựng gia đình với một anh công nhân cùng làm tại khu công nghiệp. Hai năm sau, đôi vợ chồng trẻ khấp khởi vui mừng đón nhận sự ra đời của đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Nguyễn Đăng Khoa, với hoài bão mong con sau này học hành thi cử đỗ đạt. Thế nhưng theo thời gian, niềm vui của họ cứ lịm tắt dần bởi chứng bệnh sốt kéo dài hành hạ đứa con cưng mà chữa trị hoài vẫn không dứt hẳn. Đã vậy, càng lớn Khoa lại còn có những biểu hiện của bệnh lý tâm thần. Èo uột mãi cho đến năm em lên 2 tuổi thì người cha đã đoạn tuyệt gia đình, rũ áo ra đi.
Bà Thuận chăm sóc người con trai sống thực vật. Ảnh: Lệ Hoa
Tuy hụt hẫng trước sự phũ phàng của chồng, song bà Thuận cố không để suy sụp tinh thần mà vẫn lạc quan gắng gượng sống đầy ắp những khát khao. Bất kể ngày đêm, bà phải vừa đi làm vừa lo chạy chữa thuốc men khắp mọi nơi với niềm tin con trai mình sẽ hết bệnh. Cứ như vậy, suốt nhiều năm liền sống cảnh thiếu trước hụt sau, cuối cùng bà Thuận đành bán căn nhà đang ở rồi sang nhượng lại một rẻo đất tận trong hẻm sâu để dựng mái nhà tạm chỉ vỏn vẹn 10m2.
Oái oăm thay, tiền của thì cứ “đội nón ra đi” nhưng Khoa vẫn ngày càng thêm bệnh nặng với những cơn động kinh co giật “điếng người” và rối loạn hành vi tiềm tàng nguy hiểm. Tại thời điểm năm 2004 thì bà ngoại Khoa (hiện đã qua đời) không còn đủ sức để có thể giúp trông coi cháu được nữa. Vậy là bà Thuận phải xin thôi việc ở công ty và dành trọn thời gian chăm sóc con trai mình…
Khoảng đầu năm 2006, khi chúng tôi đến thăm nhà bà Thuận thì Khoa đã trở thành người vô thức nằm bất động trên giường. Chung quanh em là những dụng cụ y khoa tự chế như ống thông đường miệng vào dạ dày để truyền thức ăn cho người bệnh, bình chứa nước tiểu, bình gắn ống dẫn tháo ruột già bằng nước ấm v.v… tất cả để gọn gàng, ngăn nắp. Thấy có khách đến thăm, bà Thuận cứ bối rối vì nhà không có nổi cái ghế để mời ngồi. Tài sản giá trị nhất của gia đình bà lúc này chỉ là chiếc giường gỗ cũ kĩ mà Khoa đang im lìm nằm bất động.
Tiếp chuyện với chúng tôi bằng những nụ cười buồn, bà Thuận cho biết: “Khoa đã bị bại não do di chứng động kinh. Sự sống còn của con giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc men và vấn đề chăm sóc. Em đã chìm sâu vào đời sống thực vật, không còn khả năng nhai nuốt, hệ tiêu hóa cũng như nhu động ruột già đều ngừng trệ”. Nói dứt lời, bà Thuận cúi xuống ôm con vuốt ve hôn hít mà nước mắt chảy dài…
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Thuận, chính quyền địa phương cũng có phương án giúp đỡ hỗ trợ kinh phí hàng tháng, nhưng chẳng đủ vào đâu vì chi tiêu thuốc men, sinh hoạt đắt đỏ. Nên từ đó đến nay, ngoài việc chăm bẵm nuôi con, bà Thuận còn tranh thủ ngồi mài từng củ khoai mì để tối đến mang ra ngoài đường làm bánh cay bán kiếm tiền mua gạo, mua thuốc đặng duy trì sự sống cho con.
Thấy đã bao năm bà Thuận vất vả đêm hôm khuya khoắt ở ngoài đường, vài người dân trong khu phố cám cảnh mủi lòng “khuyên” nên ngừng cho Khoa uống thuốc để được… rảnh mẹ, khỏe con. Song bà luôn thẳng thừng phản bác: “Cho dù nó có như thế nào thì cũng ruột rà máu mủ, mang nặng đẻ đau. Hễ nó chết là tôi chết!”.
Khi tiếp xúc với nhân vật để thực hiện bài viết này, bà Thuận còn kể cho chúng tôi nghe một tình tiết hết sức xúc động: Có đêm trời mưa to gió lớn nên bà đi bán về khuya, vừa đẩy cửa bước vào nhà bật đèn lên thì bất ngờ nhìn thấy trên gương mặt con có hai vệt hằn của đôi dòng nước mắt. Cảm xúc trào dâng, bà lao đến ôm chặt lấy con rồi bật khóc nức nở. Thật giản đơn, vệt nước mắt của đứa con trai vĩnh viễn sống đời thực vật bỗng là hạnh phúc vô biên của người mẹ nhân từ…
“Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu”. Đã 35 năm ròng vất vả nuôi con trên giường bệnh, thế nhưng khái niệm thời gian đối với bà Thuận chỉ là chóng vánh. Dù “biết xuân qua thật rồi” và dù rằng cuộc đời còn nhiều nỗi gian truân, nhưng với tấm lòng người mẹ, hàng đêm tận sâu trong ánh mắt của người đàn bà đơn thân gặp nghịch cảnh ấy luôn thấy ánh lên hình hài đứa con thân thương với niềm tin yêu mãnh liệt!
Choáng váng với lý do vợ “giao ban” với sếp ngay trong phòng tắm (Chia sẻ) - (Phunutoday) - Sau những lần bị tôi truy vấn, nghi ngờ vợ đã thú nhận cô ta và sếp của tôi đã lên giường với nhau sau chầu nhậu tới bến vào buổi trưa. |
Không chịu ăn, bé trai bị cô giáo kéo ngã chấn thương sọ não (Xã hội) - (Phunutoday) - Cô giáo đút cho Phát nhưng bé không chịu ăn nên cô nắm tóc kéo ngược ra sau dẫn đến chấn thương sọ não. |
Phát hiện tượng Phật trên sao Hỏa (Khám phá) - (Phunutoday) - Một vật thể lạ giống hình tượng Phật được phát hiện trên bề mặt sao Hỏa khiến nhiều người hoang mang. |
Những dấu hiệu cho thấy bạn đã yêu đúng người, cưới đúng người (Xi nhan) - (Phunutoday) - Nếu người ấy của bạn có những dấu hiệu dưới đây nghĩa là bạn đã yêu đúng người, cưới đúng người. |