Cơm hàng đầu độc người Việt bằng hóa chất

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Không dừng lại ở bát, đũa, giấy ăn, tăm tẩm hóa chất, nguy hiểm hơn nữa khi những món ăn trong các hàng cơm, phở bình dân đều được phù phép qua bàn tay chế biến của chủ quán mà nếu biết, tin chắc sẽ chẳng còn ai dám đụng đũa.

Các loại thịt, cá, rau quả đa phần đã bị ươn, bốc mùi, được các chủ quán mua với giá rẻ đem về thêm “hóa chất” vào, biến thành thực phẩm bắt mắt bán cho khách bình dân.

Thịt nở gấp đôi, chế biến ghê rợn

Theo Lao Động, tại làng đại học Thủ Đức - TPHCM, chỉ với 10.000 - 12.000 đồng sẽ mua được một phần cơm 3 món: mặn, xào và canh. Trong điều kiện giá thực phẩm ngoài chợ tăng từng ngày thì tại sao các chủ quán cơm vẫn bán với giá siêu rẻ.

Tại một quán ăn gần đó, trước khi chế biến, chủ quán lấy một ít bột màu trắng cho vào thau, đổ nước vào đánh tan sau đó bỏ rổ thịt heo vào “Chỉ cần một tí bột này, thịt sẽ cứng và có màu đỏ như thịt tươi, chất này còn giúp khử mùi hôi do thịt để lâu ngày”, chủ quán cho biết,  khoảng 5 phút sau, những miếng thịt bé xíu đã được nở ra gần gấp đôi.

Tiếp đó, bà chủ quán lấy chiếc chảo vẫn còn dính dầu từ ngày hôm qua, bỏ rau vào xào. “Được cái lửa lớn nên vi khuẩn chết hết, không cần rửa làm gì!”, bà chủ quán trấn an. Sau khi chế biến xong món thịt heo, chủ quán chuyển sang món gà. Cũng như trước đó,  đầu bếp cho thêm vào một ít bột nở giúp thịt nở ra, căng phồng lên, sau đó dùng một loại chất bột màu đỏ rắc lên khiến thịt gà chuyển sang màu tươi và tỏa mùi thơm.

Lý giải vấn đề này, giảng viên Đỗ Thị Kim Quyên, bộ môn chế biến món ăn đại học Hoa Sen, TP.HCM, nói rằng bất cứ món ăn nào khi đang nóng đều có màu sắc đẹp và mùi thơm, nhưng đến lúc nguội thì không còn giữ nguyên sắc thái ban đầu. Trong khi đó, nếu ướp bằng hoá chất thì món ăn vẫn giữ được mùi thơm và màu sắc tươi nguyên mặc dù đã chế biến trước đó nhiều giờ.

Thịt thối thành thịt tươi

Theo Sức khỏe và Đời sống, tại  một hàng đồ khô tại chợ Đồng Xuân chỉ mất 40.000 đồng là có thể sở hữu 1kg bột làm thịt thối trở thành thịt tươi.

“Nhớ khuấy bột phải cẩn thận đeo găng tay vào nhé, không thì hại lắm. Và không nên để ở nơi có nhiệt độ cao, rất dễ cháy”, chủ hàng dặn thêm.

Những gói làm thịt tươi được đựng trong các túi nilon với trọng lượng 1kg. Để kiểm chứng thực hư sự “thần kỳ” của loại bột này, phóng viên báo SK&ĐS đã mua 4 lạng thịt chân giò lợn để trong túi nilon treo dưới trời nồm suốt 3 ngày để thịt ôi, xám đen và bốc mùi hôi thối rồi tiến hành thực nghiệm với loại bột làm tươi thịt này.

 Sau 15 phút ngâm trong hóa chất, thịt tươi trở lại.

Theo đúng chỉ dẫn cách làm từ phía người bán hàng, phóng viên pha một thìa chất bột trắng nói trên, quấy tan trong nước rồi ngâm thịt vào. Khoảng 15 phút sau, miếng thịt khi được lấy ra đã trở nên hồng, tươi như lúc mới mua, hoàn toàn không còn mùi hôi.

Bò khô giả tẩm hóa chất

Vietnamnet dẫn lời một cán bộ thú y có nhiều năm công tác trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho hay, bò khô được người sản xuất áp dụng công thức: Phụ phẩm bò (hoặc thịt heo bệnh) sau khi được luyện các chất tẩy rửa công nghiệp (thuốc tẩy trắng, vôi...), sẽ qua tẩm ướp các loại hóa chất công nghiệp để cho ra sản phẩm bò khô giá siêu rẻ.

Ngày 27/8/2012, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Bình Chánh, TP.HCM đã kiểm tra và bắt quả tang một cơ sở chế biến bò khô siêu bẩn (tại nhà bà Bùi Thị Ngọc Hậu ở tổ 5, ấp 2, xã Vĩnh Lộc A).

Toàn bộ quy trình sản xuất và đóng gói bò khô ở đây đều được thực hiện trên nền đất. Bò khô đen được để dưới nền nhà, nhiều thành phẩm đã lên mốc. Dụng cụ sản xuất gồm các bao và rổ cáu bẩn, để trong nhà vệ sinh. Còn hai chiếc nồi to để nấu nguyên liệu đen ngòm, đặc sệt đang bốc khói nghi ngút.

Nguyên liệu được dùng để chế biến thịt bò khô ở đây là phế phẩm từ lòng bò, thu mua từ các chợ với giá rất rẻ. Phế phẩm này được ngâm tẩm hóa chất, trộn với nhiều loại nguyên liệu, gia vị, phụ gia không rõ nguồn gốc để chế biến thành khô bò.

Rau thối, thức ăn thừa để đến hôm sau bán tiếp

Một phục vụ tại quán Th.T nằm cách trường không xa cho biết, khi thức ăn trong ngày bán không hết hoặc khách ăn còn dư, không được bỏ mà phải gom lại để tận dụng chế biến món khác. Ví dụ, thịt luộc dư có thể băm nhuyễn quấn với lá lốt rồi nướng hoặc đem trộn vào thức ăn của ngày hôm sau.

Tại quán cơm M.K gần làng Đại học Thủ Đức, nằm đối diện ký túc xá Đại học Quốc gia, khu vực dùng để chế biến thức ăn là một sân gạch lở lói, nằm sát nhà vệ sinh, xung quanh rác vứt bừa bãi... Dưới nền đất, thịt, rau để la liệt. Hành tây vừa mới lấy từ chợ đầu mối Thủ Đức về đa phần bị thối một nửa. Rau cải, rau muống… vàng úa được cắt bỏ phần gốc, chẻ nhỏ bỏ vào chảo mà không hề rửa. Bà chủ quán tay không đeo găng, bốc thịt, rau bỏ vào chảo xào. Trong nháy mắt, gần 4 rổ rau to tướng đã được chế biến thành món rau xào trông rất ngon mắt.

Nước phở bẩn làm từ thịt ôi thiu

Vietnamnet phản ánh, không mất công chế biến, lại nhanh, tiện và rẻ, nhiều quán phở, quán bún trên địa bàn Hà Nội chỉ cần bỏ ra 50.000 là có vài chục lít nước phở chế sẵn từ nước luộc và ép các loại thịt ôi thiu làm ruốc.

Trước thông tin nước phở bẩn, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tại chỗ lò chế nước phở tại nhà số 10, ngõ 2, đê Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng). Chủ cơ sở là bà Bùi Thị Oanh. Đoàn kiểm tra đã phát hiện 12kg ruốc thịt lợn thành phẩm không có nhãn mác, không có hạn sử dụng được bảo quản trong túi ni lông trắng và 1,5 lít nước luộc thịt.

“Vài năm trước lấy nước này về bán thì quả thực rất ngon. Vì lúc đó họ làm mỗi ngày mấy tạ thịt và thịt sạch. Nhưng bây giờ họ làm chỉ vài chục cân thịt, mà toàn thịt bẩn, ôi thiu. Thậm chí thịt lợn xề và lợn bột đổ hổ lốn vào nồi, và luộc lên để làm ruốc thì lấy đâu ra nước ngon nữa” - Bà Th, một người bán nước đầu ngõ, người từng làm việc nhiều năm trong cơ sở của bà Lan ngán ngẩm cho biết.

Bà Th cũng cho biết thêm, mỗi buổi sáng người mua nước về bán phở, rồi chở nước đi giao tấp nập. Có những hôm nhiều người lấy nước phở về bán, không đủ cung cấp, họ phải lấy máy pha với đường hóa học, gia vị để tạo mùi vị rồi bán đi.

Hằng ngày có hàng nghin người dân ăn nước phở bẩn tại Hà Nội

 BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, nhận xét: “Bản thân người bán hoá chất và người mua hoá chất cũng chẳng biết đó là gì, công thức ra sao. Họ chỉ biết chung chung đây là chất tẩy trắng thịt, hương liệu bỏ vào nước có mùi trái cây... ăn không chết!”.

Thực tế, các loại thức ăn, đồ uống chưa có nhiều chất độc tới mức gây ngộ độc. Tuy nhiên, sau mỗi lần ăn nhậu chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể, tới lúc đủ sẽ tàn phá cơ quan phủ tạng. Song, vì lợi nhuận, nhiều chủ quán cơm bình dân vẫn lén lút sử dụng, trong khi các quán này vẫn là sự lựa chọn của phần đông sinh viên và công nhân lao động.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn