Tránh cho trẻ sơ sinh khỏi gặp những sự cố, mẹ hãy lưu ý các sai lầm khi chăm sóc trẻ:
1. Trói, quấn trẻ sơ sinh
Nhiều bà mẹ vẫn quan niệm là ở trong bụng mẹ, trẻ được bó chặt. Vì thế khi bé được sinh ra, mẹ vẫn cố gắng dùng vải, khăn quấn chặt chân tay bé vì sợ bé bị giật mình.
Thực ra, chính vì bó chặt tay chân không cho trẻ hoạt động vô tình đã làm con mất cơ hội được vận động. Các cơ ở tay chân trở nên mềm yếu đi. Trẻ không tự do hoạt động, hít thở khó hơn. Ngoài ra việc quấn chặt sẽ làm ảnh hưởng đến việc trao đổi chất ở da, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống thần kinh của trẻ.
2. Tránh ánh nắng
Nhiều người cứ nghĩ là trẻ sơ sinh mắt còn yếu, không nên tiếp xúc nhiều với ánh sáng trẻ dễ bị quáng mắt. Thực sự thì ánh sáng mặt trời làm tăng khả năng tổng hợp vitamin D cung cấp canxi cho trẻ. Thiếu vitamin D trẻ dễ khóc đêm, giật mình, thiếu ngủ, còi xương.
Ngoài ra khi không tiếp xúc với ánh sáng, mắt trẻ sẽ không có cơ hội được nhìn thế giới bên ngoài. Càng để lâu mắt trẻ sẽ thiếu độ tinh nhạy.
Trong phòng tối bạn cũng khó phát hiện những bất thường ở trẻ như mụn mủ da, khó nhìn rõ để chăm sóc bé được tốt và nhiều khi phòng tối lại kèm quá kín gây không khí tù đọng, hôi hám nên nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao.
3. Cắt tóc máu cho trẻ
Nhiều bà mẹ quan niệm là tóc máu là tóc được hình thành trong bào thai nên rất ngứa ngáy khó chịu. Cắt tóc máu cho trẻ sẽ khiến trẻ trở nên sạch sẽ hơn và tóc mới mọc sẽ đen và đẹp hơn.
Thực ra, tóc máu bảo vệ lớp da đầu mong manh cho trẻ. Nhất là trong trường hợp thóp của trẻ còn chưa kín. Việc cắt tóc không làm cho lớp tóc mới dầy và đen hơn mà điều này phụ thuộc vào di truyền từ cha mẹ.
4. Bú theo giờ và theo lượng
Nhiều mẹ loay hoay vì con khóc đòi ăn nhưng mẹ vẫn chưa biết là có nên cho bé ăn hay không vì bé mới ăn cách đó 2 tiếng. Về lý thuyết thì bé sẽ tiêu hóa sữa mẹ trong chừng khoảng 3 tiếng nên cứ cách 3 tiếng cho bé bú một lần là hợp lý. Tuy nhiên nhu cầu của mỗi bé mỗi khác nhau, không thể dùng công thức đó áp dụng cho tất cả các bé.
Ngoài ra, mẹ còn phân vân không biết bé đã no chưa. Có mẹ còn theo công thức ghi trên sữa bột pha sữa cho bé theo số lượng trên bao bì. Bé bú ít hơn thì mẹ lo lắng căng thẳng là con sẽ không lên cân, con lười ăn. Thực ra bé sơ sinh bú theo nhu cầu nên mẹ không nên quá lo lắng như vậy.
Sự căng thẳng của mẹ sẽ ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng đến tâm lý của cả bé nữa.
5. Dùng mật ong cho bé
Mặc dù các bác sĩ đã cảnh báo không được sử dụng mật ong cho trẻ sơ sinh. Thế nhưng nhiều mẹ vẫn theo quan niệm cổ truyền dùng mật ong để vệ sinh khoang miệng của bé ngay khi mới chào đời. Theo đó thì mật ong sẽ làm sạch những chất bẩn trong miệng trẻ khi trẻ sống trong môi trường nước ối ở trong bụng mẹ
Tuy nhiên rất nhiều trẻ bị dị ứng với phấn hoa nên cũng dị ứng với mật ong, hậu quả là bị sưng phần lưỡi, thậm chí cả mặt sau khi được đánh “tưa”. Vì vậy, khi chưa xác định được bé có dị ứng với mật ong hay không thì nên thận trọng trong việc vệ sinh khoang miệng.
6. Thoa phấn rôm sau khi tắm
Sau khi tắm nhiều cha mẹ có thói quen thoa phấn rôm cho bé... cách làm này không phải lúc nào cũng tốt cho bé
Sau khi tắm xong cho bé, nhiều cha mẹ có thói quen thoa phấn rôm vào những nếp gấp trên cơ thể như cổ, nách, bẹn… Cách làm này không phải lúc nào cũng tốt cho bé. Nếu những vùng da này chưa được lau khô hẳn, phấn dễ bị bết và dính lại ở đó, khiến da không “thở” được. Ngoài ra, nếu thoa phấn rôm cho bé trong mùa hè, mồ hôi ra hòa với phấn rôm sẽ bít lỗ chân lông, gây nên hiện tượng dị ứng hoặc dân gian vẫn gọi là “hăm”.