Những điều cần lưu ý khi đi chùa đầu năm

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Đi chùa đầu năm là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Khi đi lễ chùa, cần lưu ý một số điều sau.

Theo chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh, việc đến chùa đầu năm là truyền thống cao đẹp của dân tộc. Mỗi cá nhân khi đi chùa đầu năm đều chú ý cách hành lễ, sắm lễ và cách ăn mặc sao cho phù hợp chốn cửa phật nhằm thể hiện sự tôn kính, tấm lòng chân thành trước cửa Phật.

Việc tuân thủ trong sắm lễ, cũng như trong ăn mặc không chỉ được thực hiện khi đi chùa đầu năm mà bất kỳ dịp nào đến chùa mỗi người cũng phải lưu ý. Bởi cửa phật là chốn linh thiêng, chúng ta không được ăn mặc quá phản cảm, nói năng bỗ bã. Và tuyệt đối không nên đem đồ mặn đến chùa.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa

Cách sắp lễ

Chuyên gia phong thủy, Mai Văn Sinh cho hay, thực ra việc sắm lễ không có quy định nào chung cho tất cả mọi người. Tùy theo điều kiện cũng như hoàn cảnh của mỗi gia đình mà chúng ta có cách sắm lễ phù hợp. Tuy nhiên khi đến chùa, người hành lễ không nên mang theo những đồ mặn như thịt lợn, thịt trâu, thịt bò, giò, chả… Theo truyền thống chúng ta chỉ nên sắm các lễ chay: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè…

Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.

- Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.

- Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.

Khi thắp hương

- Không để hương bị tắt trong khi đang sử dụng.

- Nếu là hương que: Chú ý phải cắm thẳng, không để nghiêng lệch. Nếu thấy đã có hương cháy, không cần thắp và cắm tiếp. Chỉ dùng một nén hương là được, không cắm hay thắp cả thẻ/gói hương.

- Với hương tháp: Phải đặt vào giữa đĩa hương hoặc lư hương.

- Hương vòng: Chú ý đặt thuận theo chiều kim đồng hồ.

- Không phải chỗ nào cũng cắm hương được. Chỉ cắm vào bát hương, nếu bát hương có hương rồi không cần cắm tiếp. Không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ... Nhiều người cho rằng cắm hương vào đồ lễ của mình thì mới thiêng, Phật Thánh mới biết, là không đúng.

Về nghi lễ

- Cần lễ bái chư Phật, Thánh từ giữa trước, sau đó theo hướng từ phải sang trái.

- Khi bước vào nhà chính của đền, chùa, không được đi vào từ cửa giữa, mà phải đi vào từ hai cửa bên, đồng thời không được dẫm lên bậu cửa.

- Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.

- Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.

- Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Tùy vào từng môn phái, có thể đứng/quỳ khi làm lễ nhưng cần phải lên trước.

Lấy lộc để ban thờ tại nhà

Nhiều người có thói quen mang các đồ ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình, là không nên. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại; hơn nữa nhiều đồ có chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.

- Chỉ cần đặt tiền vào hòm công đức, không cần lấy giấy công đức. Nếu có lấy cũng không nên mang đặt lên ban thờ nhà mình để báo công.

- Không lấy cành lộc mang về đặt lên ban thờ nhà mình. Cành lộc chứa nhiều trường khí âm, bất lợi cho gia tiên, thần linh tại gia.

- Có thể lấy lộc là bánh kẹo, bao diêm, bật lửa nhưng đều không mang về đặt lên ban thờ.

- Bùa, phù chú... đa phần có trường khí âm, không nên mang về nhà, càng không nên đặt lên ban thờ hay nhét vào ví. Đặt bùa chú vào ví, cũng như luôn mang một trường khí âm, hỗn loạn theo người, chỉ gây thêm bất lợi cho bản thân mà thôi.

Những địa điểm bắn pháo hoa Tết Bính Thân 2016 trên cả nước
Những địa điểm bắn pháo hoa Tết Bính Thân 2016 trên cả nước
(Xã hội) - (Phunutoday) - Sau đây là những thông tin về địa điểm sẽ tổ chức bắn pháo hoa chào đón năm mới Bính Thân 2016 tại một số thành phố lớn trên cả nước.
Theo:  khoevadep.com.vn copy link