Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: Có làm được việc đâu mà kêu!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Có bằng thạc sĩ, cử nhân, nhiều người vẫn thất nghiệp. Đâu là nguyên nhân? Nhiều lắm, nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Chính những người cầm những tờ giấy, tấm bằng chứng nhận ấy phải xem xét lại mình. Vì những mảnh giấy, tấm bằng ấy không phải là “chìa khóa vạn năng” mở được cửa của tất cả các nhà tuyển dụng.

Bằng cấp không nói lên trình độ chuyên môn. Có người học hết trường này, trường khác, cầm cả sấp bằng trên tay nhưng làm một việc cỏn con có khi cũng chẳng nên hồn. 

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp nhiều đến thế, gây lãng phí cho gia đình và xã hội?

Học như chơi?

Nhiều sinh viên coi trường học là nơi tụ tập, bù khú với bạn bè. Đến lớp chỉ để điểm danh, hẹn hò chơi bời và trao đổi về thời trang, quần áo, sở thích… Đến khi thi lo “chạy” thầy cô. Đấy là sự thật và đã có nhiều vụ việc bị phanh phui, nhưng mọi việc rồi vẫn đâu vào đấy.

Chất lượng đào tạo đại học ở nước ta vốn đã thấp kém nay có khi còn thấp kém hơn. Các trường cao đẳng, đại học tự chủ về cơ chế tài chính, tuyển sinh nên trường nào thu hút được đông học sinh thì “doanh thu” càng cao, mà không cần quan tâm đến chất lượng.  

Trước kia, khi vẫn còn thi giai đoạn, các sinh viên thường hay đùa “vào trường mới khó chứ kiểu gì chả ra trường được”. Còn bây giờ, cả vào – ra trường đều dễ hơn rất nhiều.

Chưa nói đến chuyện “sính” bằng cấp, ai cũng có thể trả lời được rằng, thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp là do đào tạo mà ra. Chất lượng đào tạo hiện nay là cả một vấn đề.  

Ngay tại cơ quan tôi, nhận một sinh viên thực tập tốt nghiệp, nhưng học 4 năm trời mà viết một câu không đủ thành phần; nhiều em thụ động không muốn vận động, thậm chí tìm cách làm gian dối để đủ chỉ tiêu thực tập.

Theo phản ánh của bạn Thức Nguyễn: "Cả miền Nam có giai đoạn nở rộ trung tâm dạy nghề, tưởng gì, chỉ có kế toán, may công nghiệp. Một vài phòng học là đủ gọi là dạy nghề. Đại học ư? Mớ lý thuyết (trong đó có vài môn học không biết để làm gì) học ốm người kia lạc hậu lắm rồi.  

Thực hành ư? Vào hai trường Đại học Bách khoa lớn nhất nước xem? Trường nào cũng có khoa chế tạo ô tô nhưng quý vị có đúc được cái lốc máy nào không? Đầu tư con khỉ khô thì ta sẽ gặt hái được con khỉ khô thôi. Thế là mấy em thanh niên học nghề làm nghề không được nên đành chen chân học làm thầy. Mà làm thầy cũng không xong nên thôi học lên bậc thạc sĩ luôn.  

Thử hỏi thạc sĩ cơ khí ô tô không đúc được động cơ thì thạc sĩ chỉ biết đi dạy mớ lý thuyết thôi. Công ty nào đầu tư vào Việt Nam cũng phải đưa công nhân đi đào tạo lại. Đừng trách con người Việt Nam không nỗ lực học tập và rèn luyện. Hễ em nào có điều kiện ra nước ngoài học tập cũng làm nên kỳ tích nơi xứ người.  

Hai đứa cháu tôi ra nước ngoài học ngành tàu biển và hàng không đều đã có việc làm. Sức học chúng nó đâu có gì đặc biệt. Đừng nói chúng nó lo lót mới có việc làm nhé.  

Hãy xem hệ đào tạo 12 + 1 của Úc kìa. Tất cả phim tài liệu nói về kỹ thuật xây dựng hoặc tàu biển trên kênh National Geograhic chiếu trên tivi hàng ngày đó đều sử dụng lao động trung cấp nghề và vài anh kỹ sư trưởng thôi. Các công nhân ấy điều khiển tàu biển, đặt chất nổ thi công công trình hết sức bình thường và thành thạo. Đó là nguyên nhân tại sao con cái nhà giàu có và quyền lực đều tính chuyện du học.  

Tôi không nói đến các trường hợp trẻ hư lắm tiền đi du học để rửa tiền đâu nhé. Giáo dục xứ ta bệnh hoạn lắm rồi. Cứ ho sù sụ, rên la mà sao nó chưa tiêu đời để ta xây cái mới tốt đẹp hơn”.

Còn bạn Hà Dương cho biết, là sinh viên mới ra trường hai năm, may mắn có việc làm đúng chuyên môn ở một cơ quan trung ương, bên cạnh đó còn có thêm thu nhập bằng một số công việc khác như viết báo, biên tập sách, tổ chức sự kiện... ngoài giờ hành chính.

 “Có thể em có hơi 'vơ đũa cả nắm', nhưng có thể nói là đại đa số sinh viên của chúng ta cực kỳ thụ động, lười biếng và không hề có ý thức về bản thân, chứ chưa nói đến ý thức đến việc đóng góp cho xã hội và đất nước. Cứ thử vào ký túc xá hay khu trọ sinh viên nào (không phải lúc thi cử nhé), rất ít sinh viên đang học bài, nghiên cứu, hay đơn giản hơn là đọc một cuốn sách, mà chỉ thấy suốt ngày là rượu bia, game, yêu đương…  

Có những bạn cũng là sinh viên trọ học nhưng được gia đình chu cấp tương đối đầy đủ, không phải đi làm thêm, không tham gia hoạt động phong trào mà kết quả học tập vẫn kém. Không hiểu thời gian của các bạn đó được dùng làm gì? Vì vậy, các bạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hãy đừng trách xã hội những lý do đâu đâu, mà cần tự trách mình trước, xem lại vì sao các nhà tuyển dụng đã không thèm nhìn đến mình”.

Ngoài ra, vấn đề tiêu cực trong môi trường giáo dục hiện nay ai cũng thấy mà không biết phải làm gì. Đi học thì chỉ lo trốn học, đi chơi, đến lúc thi thì hò nhau nộp tiền chạy thầy. Môn nào sinh viên không qua được thì số tiền 'đi thầy' lại tăng lên. Đấy là chưa kể, số lượng sinh viên bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội ngày một tăng.

Lại “sáng cắp ô đi, tối cắp về”

Vẫn biết, thời buổi nào cũng có những người thi thật, học thật và có năng lực thật, nhưng số lượng ấy chiếm quá ít. Chính vì thế, khi đi làm việc rồi, các cơ quan quản lý mới “tá hỏa” phát hiện tới 30% cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, ngồi chơi, xơi nước đợi cuối tháng lĩnh lương.  

Trong trao đổi mới đây, một vị nguyên là lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội đã cho biết, từ năm 1992 chúng tôi đã đưa ra con số thống kê chỉ có 1/3 công chức, viên chức hưởng lương là “làm việc chết thôi”, làm việc hiệu quả và là những người chủ chốt; 30% là giao việc gì làm việc đấy, chỉ đâu đánh đấy và số còn lại con ông, cháu cha không làm được việc nhưng không thể tinh giản hay giải quyết theo cách nào được.

Đến thời điểm này, số lượng viên chức, công chức đã quá lớn, khiến bộ máy ngày một phình ra, và chúng ta bắt đầu tính đến việc tinh giản biên chế. Nhưng giảm ai mới là điều quan trọng.

Các nhà quản lý vẫn kêu ca công việc không chạy, giao việc nhưng không hoàn thành… nhưng khi xây dựng đề án vị trí việc làm thì chỗ nào cũng thấy thiếu, ai cũng thấy cần. Và có thể, cuối cùng vẫn đâu vào đấy.

Không làm được trong Nhà nước thì ra ngoài tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng đâu có phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước.  

Họ chi ra một đồng lương thì anh phải làm việc với giá trị gia tăng gấp nhiều lần, chứ không thể “ngồi mát ăn bát vàng”. Lưới sàng lọc ở các doanh nghiệp, đơn vị này là khắt khe nhất, vì tư nhân bỏ tiền túi ra nên họ phải chọn lựa kỹ càng. Chính vì thế, ở những nơi này không có đất cho các cử nhân, thạc sĩ rỗng tuếch.

Làm bất kỳ công việc gì, đầu tiên phải yêu nó và phải chuyên cần với nó. Nếu không yêu nghề, yêu công việc thì không bao giờ bạn có thể làm tốt công việc đó. Cũng giống như một đứa trẻ, nếu không hiếu học thì khó lòng đứa trẻ đó học giỏi. Các “ông cử, bà thạc” nếu nghĩ mình có bằng là có tất cả thì đã nhầm lẫn mất rồi. 

Về chuyến du đấu của Man City: Đừng bán rẻ hai chữ "Việt Nam"!
Hai chữ ‘Việt Nam’ là tài sản chung của rất nhiều người, không phải thứ bạn có thể đem bán rẻ chỉ bằng vài câu nói của BBC, của Joe Hart hay sự ‘lạnh nhạt’ của Sterling.
Theo:  khoevadep.com.vn