Muối là một phần không thể thiếu trong khẩu phần hàng ngày, nhưng ăn quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, tim mạch...
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hiện nay lượng natri ăn vào trong chế độ ăn của người trưởng thành trung bình là 3,7g/ngày, tương đương với lượng muối ăn vào là 9,4g/ngày, gần gấp đôi mức ăn vào khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là 2g natri/ngày hay 5g muối/ngày.
Các nhà khoa học cho biết muối natri làm tăng tổn thương viêm loét dạ dày. Chúng làm phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori. Người ăn quá mặn sẽ có nguy cơ mắc các chứng bệnh về dạ dày cao hơn người ăn uống bình thường.
Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những ai thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Ngoài ra, lượng natri trong cơ thể cao cũng làm giảm hiệu quả điều trị ung thư dạ dày.
Ngoài ra, ăn quá nhiều muối còn có thể là nguyên nhân của 6 vấn đề sức khoẻ dưới đây:
Phù nề
Các chuyên gia cho biết, phù nề là dấu hiệu rất dễ thấy khi chúng ta ăn quá nhiều muối. Lý do là bởi muối được xem là một chất gây tích nước trong cơ thể, khiến cơ thể dễ bị "sưng" lên, phù nề.
Nếu ăn quá nhiều muối, thận sẽ không lọc được natri dư thừa ra khỏi máu khiến cơ thể giữ thêm nước để cố gắng pha loãng natri.
Tăng huyết áp
Ăn quá nhiều muối có thể khiến một lượng máu lớn hơn lưu thông qua các mạch máu và động mạch, có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời.
Cụ thể, việc ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào với natri. Ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn đến tăng huyết áp.
Bệnh tim
Hoạt động của thận bị ảnh hưởng do ăn mặn dẫn tới gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch từ đó ảnh hưởng đến tim.
Lượng muối lớn đưa vào cơ thể do thói quen tiêu thụ đồ ăn mặn sẽ khiến chúng ta phải uống nhiều nước, làm tăng khối lượng máu tuần hoàn và khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm tâm thất trái to lên, dẫn đến hiện tượng suy tim.
Yếu xương
Ăn nhiều muối có thể gây mất canxi khiến xương bị yếu, dễ gãy hơn. Việc thừa muối khiến thận phải loại bỏ natriclorua và tăng loại trừ canxi qua nước tiểu. Bên cạnh đó, canxi từ xương cũng bị đào thải dẫn tới nguy cơ loãng xương nhất là đối với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.
Đột quỵ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên dùng đồ ăn mặn dẫn tới 62% các ca đột quỵ não. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu giảm 1 thìa cà phê muối ăn trong các bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Hen suyễn
Sử dụng nhiều muối có thể kích hoạt cơn hen suyễn. Ngoài ra, bệnh hen suyễn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, xương, tim mạch,... và nhiều bệnh lý khác.