2 đối tượng được hưởng mức lương cao nhất
Theo Bộ Nội vụ, phương án cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công viên chức sẽ được tăng khoảng 30%, bao gồm lương cơ bản và phụ cấp.
Khi thực hiện cải cách tiền lương, lương viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác, bởi vì việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.
Điều này được thể hiện qua:
Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phần phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo
Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Đối với công chức viên chức giáo dục:
Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Đối với công chức viên chức y tế:
Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Về chính sách đối với cán bộ dân số, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP về việc triển khai chế độ trợ cấp, ưu đãi đối với cán bộ y tế dự phòng. Tuy nhiên, cán bộ làm công tác dân số không nằm trong diện triển khai của Nghị định này.
Chính thức khuyến nghị về lương tối thiểu vùng năm 2024
Hiện nay, lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Mới đây, Hội đồng tiền lương quốc gia vừa chính thức khuyến nghị với Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 1.7.
Mức tăng được hội đồng đề xuất là 6%, tương ứng tăng 200.000 đồng - 280.000 đồng.
Cụ thể, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng.
Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.
Như vậy, cùng với thời điểm cải cách tiền lương trong khu vực công, mức lương tối thiểu vùng cũng được đề xuất điều chỉnh từ 1.7.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Cùng với cải cách tiền lương công chức, tại Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội cũng đề cập đến việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, đồng thời thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Mới đây, cùng với việc xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7 năm nay thêm khoảng 8%.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với mức điều chỉnh này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương, và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7 trở đi.
Tuy nhiên, trước đó, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh lương hưu, vì thế, ít nhất lương hưu phải tăng 15%.
Từng có nhiều năm tham gia xây dựng chính sách tiền lương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, việc mỗi bên đưa ra ý kiến khác nhau về mức đề xuất tăng lương hưu đều có cơ sở.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mong muốn có mức tăng cao hơn bởi lương hưu hiện vẫn thấp, nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất dựa trên căn cứ thực hiện theo Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Dù vậy, từ trước đến nay đều điều chỉnh lương hưu ở mức bằng hoặc cao hơn mức tăng lương của cán bộ công chức, viên chức. Do đó, theo ông Huân, tới đây khi cán bộ công chức, viên chức được điều chỉnh lương cao hơn, thì người về hưu cũng cần được tăng lương hưu ở mức cao.
Vị nguyên Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm, mức tăng lương hưu cần cân nhắc. Mức đề xuất của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phù hợp hơn với nguyện vọng của người nghỉ hưu, song Quỹ bảo hiểm xã hội cũng sẽ phải tăng nhiều hơn số tiền chi trả.
Như thông lệ, trước khi trình Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo lộ trình kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến trong tháng 4/2024, sẽ trình dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng để phù hợp với cải cách tiền lương. Song, hiện chưa có con số chính xác về mức tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024.