3 mẹo bảo quản thực phẩm trong mùa hè nắng nóng vẫn đảm bảo vệ sinh

17:22, Thứ sáu 28/03/2025

( PHUNUTODAY ) - Mẹo bảo quản thực phẩm trong thời tiết nắng nóng giúp giữ độ tươi ngon, hạn chế vi khuẩn và đảm bảo an toàn cho bữa ăn mỗi ngày của gia đình.

Các mẹo bảo quản thực phẩm sẽ là “trợ thủ” đắc lực giúp bạn giữ được độ tươi ngon và an toàn cho từng bữa cơm nhà. Khi trữ đồ ăn cho nhiều ngày, một sơ suất nhỏ cũng dễ khiến thực phẩm bị hư hỏng, mất chất, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình. Vậy nên, nắm vài bí quyết nhỏ sẽ giúp công việc bếp núc nhẹ nhàng và yên tâm hơn mỗi ngày.

1. Ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng đến thực phẩm

Trời càng nóng, thực phẩm càng dễ "hỏng" nếu chúng ta không bảo quản cẩn thận. Khi đồ ăn bị nhiễm vi khuẩn như tả, thương hàn, lỵ hay E.Coli…, bữa cơm không an toàn cũng có thể khiến cả nhà gặp rắc rối vì ngộ độc. 

Đó là lý do vì sao việc giữ gìn vệ sinh thực phẩm, từ khâu chọn mua đến bảo quản và chế biến, luôn là điều bạn không nên chủ quan – nhất là trong những ngày nóng bức như thế này.

2. Mẹo bảo quản thực phẩm trong thời tiết nắng nóng

2.1 Đối với thực phẩm tươi sống

Để đồ ăn được tươi ngon và bữa ăn đảm bảo được dinh dưỡng, bạn nhất định đừng bỏ qua các mẹo bảo quản thực phẩm tươi sống sau đây:

  • Đồ tươi sống như thịt, cá: Tốt nhất là mua vừa đủ dùng. Đừng trữ quá nhiều vì để lâu dễ hỏng, mất chất. Khi mua về, bạn nên sơ chế sơ qua, rửa sạch và để thật ráo nước rồi mới cho vào tủ lạnh. Nếu dùng trong ngày thì để ở ngăn mát, còn nếu để sang hôm sau hoặc lâu hơn thì nên cho vào ngăn đá.
  • Rau xanh: Bạn nên nhặt bỏ phần gốc, lá sâu, sau đó cho vào túi thực phẩm buộc kín và để vào ngăn mát. Có thể lót thêm một lớp giấy để giữ rau khô thoáng hơn. Một lưu ý nhỏ: nếu chưa ăn ngay thì bạn không nên rửa rau trước vì sẽ làm rau nhanh úng và dễ bị chảy nước trong tủ lạnh. Rau cải và các loại rau lá xanh ngon nhất khi dùng trong vòng 3 ngày, đừng để quá 1 tuần do sẽ mất độ tươi.
  • Trái cây: Khi mua về, mọi người nên rửa sạch, để ráo nước hoặc dùng khăn lau khô rồi mới cất vào túi bảo quản trong ngăn mát. Thời gian bảo quản tốt nhất là khoảng 4–5 ngày.
Meo-bao-quan-thuc-pham-dung-cach

Một mẹo bảo quản thực phẩm là không rửa rau trước khi bỏ vào ngăn mát bảo quản vì sẽ làm rau nhanh úng hơn.

Nhìn chung, dù là đồ đông đá hay rau củ quả, chúng ta cũng không nên trữ quá 7 ngày để đảm bảo bữa ăn luôn tươi ngon và an toàn cho cả nhà.

2.2 Mẹo bảo quản thực phẩm đã nấu chín

Không chỉ thực phẩm tươi sống, đồ ăn đã được nấu chín cũng cần được bảo quản đúng cách: 

  • Sau khi nấu xong: Hãy để thức ăn nguội hẳn rồi chia ra từng phần, cất vào hộp kín hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc lại rồi mới cho vào tủ lạnh. Việc này giúp đồ ăn không bị ám mùi và hạn chế vi khuẩn xâm nhập.
  • Khi bảo quản: Nhớ để thức ăn chín tách biệt hẳn với thực phẩm sống – tuyệt đối không để chung một ngăn tủ. Đây là cách đơn giản nhưng rất quan trọng để ngăn vi khuẩn lây lan chéo từ đồ sống sang đồ đã nấu.
  • Trước khi ăn lại: Nên đun sôi kỹ các món đã để tủ lạnh và lưu ý chỉ nên hâm nóng, ăn lại trong một lần. Món canh chỉ nên để trong tủ lạnh tối đa 24 giờ. Các món kho, món mặn có thể giữ được lâu hơn một chút, nhưng tốt nhất đừng để quá 3 ngày.

Nếu thấy món ăn có mùi lạ, màu sắc thay đổi hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mọi người tuyệt đối không nên sử dụng vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân và cả gia đình.

2.3 Mẹo bảo quản thực phẩm đông lạnh

Chị em phụ nữ có thói quen mua đồ dự trữ thì không nên bỏ qua các mẹo bảo quản thực phẩm đông lạnh sau: 

  • Sơ chế ngay sau khi mua: Với những gia đình đi chợ một lần cho cả tuần, nên làm sạch thịt, cá tươi ngay sau khi mua để hạn chế vi khuẩn do thời tiết nắng nóng.
  • Chia nhỏ theo khẩu phần: Chia thực phẩm thành từng phần vừa đủ cho mỗi bữa ăn để tránh việc rã đông rồi cấp đông lại nhiều lần – điều này dễ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
  • Làm sạch – để ráo – đựng kín: Sau khi rửa sạch, để thực phẩm thật ráo nước rồi cho vào hộp kín hoặc túi chuyên dụng trước khi bỏ vào ngăn đá. Tuyệt đối không để dịch thực phẩm chảy ra tủ.
  • Không cấp đông lại thực phẩm đã rã đông: Việc làm đông rồi rã đông nhiều lần không chỉ giảm chất lượng mà còn tăng nguy cơ vi khuẩn phát triển.
  • Thời gian bảo quản: Nhiệt độ từ -18 đến -30°C: bảo quản được khoảng 12 tháng. Nhiệt độ -36°C: bảo quản được đến 18 tháng. Tuy nhiên, để càng lâu thì thực phẩm càng mất chất, dễ bị oxy hóa và thay đổi hương vị.
  • Vệ sinh tủ lạnh định kỳ: Lau dọn tủ mỗi 1–2 tuần, xử lý ngay khi có vết bẩn để hạn chế vi khuẩn lây lan từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.
so-che-thit-ca-sau-khi-mua-de-han-che-vi-khuan

Thịt cá tươi cần được sơ chế ngay sau khi mua để hạn chế vi khuẩn do thời tiết nắng nóng.

Vậy là chỉ với một chút khéo léo và để tâm từ khâu chuẩn bị, bảo quản đến vệ sinh tủ lạnh định kỳ, chị em mình hoàn toàn có thể yên tâm nấu những bữa ăn ngon lành, an toàn cho cả nhà mỗi ngày. Giữ thực phẩm tươi ngon cũng chính là giữ sức khỏe và yêu thương gia đình bằng những điều giản dị nhất.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Uyên Phương