3 tháng đóng cửa chỉ đi siêu thị mua đồ ăn, cả nhà 6 người vẫn thành F0: Cố vượt qua thôi

( PHUNUTODAY ) - Biến thể Delta vô cùng nguy hiểm, chúng ta khó nói trước được điều gì. Với khả năng lây nhiễm cực nhanh, virus có thể tấn công khi ta sở hở dù chỉ một chút.

Câu chuyện của anh Đào Anh Tuấn, quận 2 là một ví dụ. Dù ở yên trong nhà 3 tháng, nhưng cả gia đình vẫn mắc Covid-19. Anh đã chia sẻ câu chuyện của mình trên Zing.vn.

Cả nhà lần lượt mắc nCoV dù đã ở yên trong nhà 3 tháng

Trước khi có kết quả dương tính, do trong nhà có bố mẹ 68 tuổi, nhiều bệnh nền và bé trai mới 20 tháng tuổi (con của vợ chồng em gái anh Tuấn) nên tất cả thành viên hạn chế ra ngoài.

Trong suốt 3 tháng, không ai rời khỏi khu chung cư, chỉ thỉnh thoảng xuống siêu thị ngay dưới tòa nhà để mua đồ rồi về. “Mẹ tôi có nhiều bệnh nền như cao huyết áp, loãng xương và từng đột quỵ nhẹ. Vì vậy, khi tin xấu ập đến, cả nhà rất lo lắng”, anh Tuấn chia sẻ.

2

Người trở thành F0 đầu tiên là bố anh Tuấn, ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng mắc nCoV từ ngày 29/7. Ban đầu chỉ thấy hơi mệt nên mọi người nghĩ ông bị cảm lạnh do nằm phòng bật điều hòa. Hôm sau, ông vẫn dậy nấu cơm cho cả nhà và cho cháu trai ăn như thường lệ. Nhưng đến tối, ông phải uống thuốc hạ sốt rồi nằm bệt trên giường cả ngày hôm sau.

Rồi đến mẹ anh, ngày 1/8 bà cũng bắt đầu sốt và khó chịu. Lúc này bố anh lại nói khỏe như bình thường và muốn đi tiêm vắc xin theo thông báo của chung cư.

“Lúc này, cả nhà nghĩ bố có thể mắc nCoV nên tất cả bắt đầu đeo khẩu trang và không đưa ông đi tiêm vì sợ lây cho người khác”, anh Tuấn kể.

Sau đó, lần lượt anh Tuấn, em gái và cháu trai có cảm giác ớn trong người, sợ gió và sốt. Chỉ có em rể anh Tuấn không có biểu hiện gì nên cách 30 phút lại đi đo nhiệt độ cho mọi người.

Ai sốt cao thì uống thuốc hạ sốt 4-6 tiếng/lần. Nhà có sẵn nhiều gừng, sả nên mọi người cũng nấu nước để xông.

Đến ngày 2/8, em rể anh Tuấn đặt mua test nhanh nCoV về cho cả nhà dùng thử thì kết quả cả 6 người đều dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, em gái anh báo với ban quản lý chung cư để họ liên hệ với y tế phường.

Qua test nhanh lần 2, cả nhà được khẳng định là F0 và được đưa đi cách ly, điều trị ngay trong chiều cùng ngày.

Hành trình cả nhà 6 người được đưa đi cách ly, dìu nhau vượt qua bệnh tật

“Tôi không bao giờ nghĩ đến 1 ngày ‘được’ ngồi trên xe ưu tiên, mui trần đi đến đâu còi hú vang đến đó, mọi người 2 bên đường nhìn với ánh mắt tò mò”, anh Tuấn kể lại.

Tại nơi cách ly, vì có 6 thành viên, gia đình anh Tuấn được ở 1 chung phòng. Đêm đầu tiên ở khu cách ly, bố mẹ anh Tuấn liên tục bị sốt cao. Mấy anh em thay nhau lấy khăn lau, xoa bóp và cho bố mẹ uống thuốc hạ sốt.

Sang ngày thứ 2 khi thức dậy, anh Tuấn phát hiện người cháu trai đầy nốt đỏ, sưng do bị muỗi đốt. Cả nhà lúc này cũng mất hết vị giác và khứu giác.

“Không ai còn ngửi thấy mùi gì dù có bôi dầu gió xanh vào sát mũi. Khi ăn thì có cảm giác như mình đang nhai rơm, vừa khó nuốt, vừa không còn mùi vị lại vừa buồn nôn.

Nhìn những suất ăn có dán ‘hộp cơm tình thương’ mà lòng không cầm được, vẫn cố gắng nhai và nuốt để có sức đề kháng. Đến phần cháo được phát cho, mẹ tôi phải pha thêm nước lọc để dễ nuốt mà cũng chỉ ăn được 1 phần nhỏ”, anh Tuấn kể lại.

Vợ chồng em gái anh Tuấn nhờ bạn bè gửi cho chút đồ đạc cần thiết, đặc biệt là chiếc màn cho em bé ngủ để không bị muỗi đốt. Từ hôm đó, thành viên nhỏ nhất nhà cũng cắt sốt. Cả nhà cứ thế chăm sóc lẫn nhau, từ đun nước để xông, hòa nước chanh mật ong uống cho bớt ho, lau người khi sốt đến thường xuyên đo nhiệt độ.

3

Ngày thứ ba, em rể anh Tuấn bắt đầu sốt cao từ 14h, dù 3 ngày trước đó không có triệu chứng gì. Nhiệt độ luôn từ 39,5 độ C- 41 độ C, uống thuốc hạ sốt mãi mới giảm khiến cả nhà lo lắng.

Sáng ngày thứ 4, cả nhà anh Tuấn cũng được test lại bằng phương pháp PCR ở khu dung. Chiều cùng ngày, y tá phường xuống đo SPO2 và quyết định chuyển mẹ anh tới Bệnh viện dã chiến số 8 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) vì bà có nhiều bệnh nền.

Ngày thứ 2 ở bệnh viện, mẹ anh phải thở oxy, sau đó 1 hôm, các thành viên còn lại trong gia đình được chuyển lên Bệnh viện dã chiến số 10 - nơi chuyên điều trị bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Do đã nhiều tuổi, bố anh Tuấn không được nhập viện, phải 1 mình trở lại khu cách ly ở trường học. Chờ thêm 2 ngày, ông được chuyển lên khu điều trị nCoV của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Đến ngày thứ 7, anh Tuấn xin chuyển sang cùng bệnh viện và chung phòng với mẹ mẹ mình.

“Lúc chuyển đồ qua, tôi gần như kiệt sức vì đã vài ngày không ăn được gì. Khi lên tới cầu thang, tôi trông thấy 1 bạn nữ mặc đồ bảo hộ màu trắng, ngồi bệt xuống nền đợi để hướng dẫn tôi về phòng. Tôi cũng hiểu phần nào sự vất vả của những người ở tuyến đầu nên dù mệt thế nào, tôi cũng phải cố gắng ăn nhiều nhất có thể để được về nhà với gia đình”, anh Tuấn kể.

Lúc này, mẹ anh cũng đã bớt sốt cao, chuyển sang ho nhiều, khó thở, mệt mỏi và tiểu tiện nhiều. Khi có người nhà tới, tinh thần bà cũng khá lên, các triệu chứng cũng dần thuyên giảm.

Sau đó dù đã có kết quả âm tính, mẹ anh vẫn phải chờ con trai tới ngày 17/8 mới có thể cùng xuất viện. Trước đó 2 hôm, vợ chồng em gái anh Tuấn cũng được về nhà. Còn bố anh vẫn đang ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nhưng sức khỏe tiến triển tốt.

Anh Tuấn cho biết, sau khi chiến thắng nCoV, cả nhà anh trở lại cuộc sống bình thường, ăn uống nhiều hơn lúc trước khi bị bệnh. Vị giác, khứu giác cũng đã trở lại, dù tất cả đều sút vài kg.

“Những ngày bị bệnh, tôi rút ra bài học là bất cứ ai cũng có thể trở thành F0, như gia đình mình dù đã rất cẩn thận vẫn mắc. Tuy nhiên, dù thế nào, mọi người cũng không nên quá lo lắng”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của anh Tuấn, mọi người nên chuẩn bị các thứ cần thiết trong nhà như thiết bị đo nhiệt độ, nồng độ oxy; vitamin C; các loại thuốc hạ sốt, ho và tiêu chảy; nước muối súc miệng và rửa mũi; gừng, sả dùng để xông khi mắc bệnh.

Còn khi trở thành F0 và phải đi cách ly, mọi người nên chủ động mang những đồ dùng thiết yếu.

Đặc biệt, để có sức đề kháng, người bệnh phải cố gắng ăn uống đầy đủ. F0 nên được đo nhiệt độ thường xuyên để theo dõi, đồng thời tránh để nồng độ oxy xuống sâu quá mới báo nhân viên y tế. Còn việc súc miệng, rửa mũi hàng ngày cũng là điều nên làm.

“Điều cuối cùng là hãy bình tĩnh, luôn nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng bệnh tật vì tâm lý cũng rất quan trọng. Mong rằng tất cả F0 đều vượt qua bệnh tật”, anh nhắn nhủ.

Vậy nên sau những gì mà anh Tuấn chia sẻ trên báo này, những người không may nhiễm bệnh hãy nhớ, ngoài việc phải ngủ nghỉ tốt, tinh thần thoải mái thì cần bổ sung dinh dưỡng để tăng cường kháng thể mới nhanh khỏi bệnh mọi người.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link