Tại sao chỉ ở nhà, đóng kín cửa vẫn nhiễm Covid-19: Bác sĩ giải thích cụ thể lí do

13:16, Thứ tư 25/08/2021

( PHUNUTODAY ) - Có trường hợp thắc mắc: Tại sao tôi tuân thủ khuyến cáo 5K vẫn nhiễm Covid-19?

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng mỗi ngày ở các tỉnh thành vẫn được ghi nhận. Trong số đó, nhiều người không rõ nguồn lây. Họ không hiểu mình lây virus SARS-CoV-2 từ đâu dù thường xuyên thực hiện các biện pháp được khuyến cáo.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay nếu người dân đeo khẩu trang đúng, đảm bảo giãn cách hai mét, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên, thực hiện chuẩn theo 5K sẽ không bị lây nhiễm. Song thực tế, những biện pháp này không phải ai cũng thực hiện đúng. Nhiều thói quen đang khiến chúng ta vô tình nhiễm SARS-CoV-2, ví dụ như người dân vẫn thường xuyên đi lại, đến nhà hàng xóm, người quen... mà không đeo khẩu trang hoặc dù đeo khẩu trang, họ lại dùng loại không chất lượng hoặc đeo sai cách. Điều này cũng khiến biện pháp đeo khẩu trang trở nên vô tác dụng.

su-thuc-ngoi-o-nha-ma-van-nhiem-covid-19

Khi đi lấy hàng, người dân thường tiếp xúc với shipper, dùng tay cầm đồ và tiền mặt. Về nhà, họ không rửa tay, sau đó đưa lên mắt mũi miệng hoặc sờ tay lên mặt ngay khi vừa cởi khẩu trang.

SARS-CoV-2 lây nhiễm từ giọt bắn. Khi chúng ta thở mạnh, virus sẽ bám vào kẽ hở bên má, mũi, miệng. Vì vậy, người dân có thể đeo hai khẩu trang và không kéo xuống hoặc đeo không kín để tránh lây cho người khác và ngược lại.

Khi đi ra ngoài, chúng ta có thể đã nhiễm SARS-CoV-2 dù không có triệu chứng cảnh báo. Do đó, khi về nhà, chúng ta có thể lây cho người thân, đặc biệt những đối tượng cần cẩn trọng như người già và trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, việc không thường xuyên thay khẩu trang, sát khuẩn, chạm vào nhiều đồ bên ngoài sau đó sờ tay lên mắt, mũi, miệng cũng là thói quen có nguy cơ dẫn đến lây nhiễm SARS-CoV-2.

Thực tế, trong sinh hoạt hàng ngày, người dân còn nhiều thói quen có thể vô tình lây nhiễm SARS-CoV-2. Dự án “Bệnh viện tại nhà” hỗ trợ người dân có nguy cơ và bị nhiễmCovid-19 cũng chỉ ra một số thói quen dễ nhiễm virus như sau:

_111158452_1.what_you_need_to_do

- Không rửa trứng, trái cây, rau củ..., khi mua về sử dụng

- Không khử khuẩn tiền

- Dùng bút mượn của người khác nhưng quên lau tay

- Không lau chén, muỗng, đũa trước khi ăn

- Không lau chai nước trước khi để lên miệng uống

- Không rửa tay sau khi mở cửa vào nhà

- Cầm văn bản đọc sau đó quẹt tay lên mắt, mũi, miệng

- Điện thoại để xuống bàn chưa sát khuẩn sau đó đưa lên mặt nghe

- Không đeo khẩu trang, mắt kính khi đi tiêm vaccine

- Tập trung đông người khi test, tiêm vaccine

- Khi xét nghiệm, nhân viên y tế không thay găng tay với từng người

- Người tiêm 1 mũi hay 2 mũi vaccine Covid-19 vẫn có thể lây cho người khác do mang virus trên tóc, cơ thể...

Trả lời câu hỏi tại sao nhiều người ở nhà vẫn có thể lây nhiễm SARS-CoV-2, TS.BS Võ Văn Hải, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, có nhiều trường hợp F0 là các cụ già ở nhà trong thời gian dài.

“Có trường hợp thắc mắc, hàng xóm là F0, cả khu phố đóng cửa nhưng vẫn lây nhiễm. Ở trường hợp này, mặc dù đóng cửa nhưng cũng có lúc bạn phải mở cửa ra lấy đồ ăn, đổ rác… Vô tình bạn đã tiếp xúc môi trường bên ngoài và nếu môi trường này có người F0 không tuân thủ tốt 5K thì chính bạn đã vô tình mang mầm bệnh vào nhà, đóng cửa kín và vô tình nhốt chúng lại trong nhà bạn. Khi bạn đóng kín, nhà không có hệ thống thông gió, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh càng cao”.

TS.BS này nhấn mạnh, virus dễ tồn tại và lây lan rất nhanh trong môi trường kín như phòng kín, thang máy hay siêu thị không được thông gió tốt, không được những người chung quanh tuân thủ tốt 5K...

Vì vậy ông Hải nhấn mạnh, để hạn chế khả năng lây nhiễm, các gia đình phải tạo môi trường nhà cửa càng thông thoáng càng tốt.

Tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K là điều BS.TS Võ Văn Hải nhấn mạnh. Theo ông Hải, ví dụ người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang nhưng nếu đưa tay ra bấm nút của thang máy rồi đưa tay lên mặt chỉnh sửa khẩu trang cũng sẽ gây ra nguy cơ lây nhiễm.

Hai vật dụng người dân thường dùng nhưng hay quên xịt sát trùng đó là tiền giấy và điện thoại cầm tay (cellphone). Điện thoại cầm tay là vật dụng trung gian dễ gây lây nhiễm nhất vì khi nghe điện thoại chúng ta thường xuyên áp vào mặt.

Cũng theo BS Hải, tiếp xúc tiền giấy không khác gì tiếp xúc với tay nắm cửa nơi công cộng – nguy cơ lây nhiễm cao. Người dân nên hạn chế tiếp xúc tối đa hoặc chỉ tiếp xúc khi tiền đã được khử khuẩn. Sau khi chạm tay lên bề mặt tiền, bạn phải tuyệt đối xịt sát trùng hoặc rửa tay với xà phòng khử khuẩn dù tiền giấy đó được khử khuẩn hay chưa.

Ngoài ra, ví tiền, thẻ ngân hàng cũng cần lưu ý cẩn trọng khử khuẩn thường xuyên.

Bên cạnh đó, theo BS Hải, khi bước vào nhà (dù đi ra khỏi nhà với thời gian ngắn hay dài) bạn cũng tuyệt đối tuân thủ đúng 5K. Chỉ khi nào bạn đã "khử khuẩn", bạn an toàn lúc đó mới được tiếp xúc các vật dụng và người trong nhà.

Do biến chủng này có khả năng lây lan nhanh, TS.BS Võ Văn Hải tiếp tục khuyến cáo người dân:

1. Tiêm đủ 2 mũi vắc xin càng sớm càng tốt và tiêm đúng theo khuyến cáo nhà sản xuất.

2. Luôn luôn nâng sức đề kháng cơ thể.

3. Luôn luôn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc hàng ngày và đúng cách.

4. Luôn tuân thủ 5K và nhắc nhở mọi người chung quanh bạn thực hiện theo.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vũ Ngọc