“Chiều 30 Tết, ngồi dưới gốc đào hoa nở màu hồng phớt ngay dưới cổng trại, mắt cứ hướng ra đường cái, cứ mong ngóng có ai đó gọi tên mình, cứ mong ngóng nghĩ tới hình ảnh quê nhà. Mong lắm một lần về quê ăn Tết mà không được…”.
[links()]
Giữa cái nắng nóng oi bức của những ngày tháng 7, giọng ông cụ lại lạc đi, trầm ngâm nhắc tới một mong ước nhỏ nhoi trong những ngày Tết nghe thật xa vời và mặn chát. Ước muốn nhỏ nhoi ấy thôi hình như lúc nào cũng hiển hiện trong đầu ông lão gần 80 tuổi này, nhưng nghe sao với ông nó khó đến thế...
Sự ghẻ lạnh đáng sợ của vợ và những người con
Con đường vào trung tâm điều trị và nuôi dưỡng người mắc bệnh phong của tỉnh Hà Nam nằm sâu trong núi, vượt qua mấy con dốc cao và dài thoai thoải là tới. Trung tâm nằm tách biệt xa với khu dân cư, không gian yên tĩnh, vắng lặng đến rợn người.
Nơi đây là mái ấm nương tựa của biết bao nhiêu mảnh đời đang mang trong mình căn bệnh mà người đời gọi là bệnh Hủi. Hơn 80 con người ở trung tâm, hầu hết đều đã đến tuổi xế chiều, đều như những phận già cô đơn, có nhà mà chẳng dám về, sống lùi lũi nơi đất khách, nơi xa xôi hẻo lánh.
Chúng tôi gặp ông Phạm Văn Tết( ngoại thành Nam Định) khi ông vừa đi làm cỏ cho mấy hốc sắn trên đồi về.
Ông cụ tuy đã 76 tuổi, nhưng nhìn còn có vẻ khỏe mạnh, hăng hái làm việc lắm. Nhìn ông, tôi cứ nghĩ đây là lão nông thật thà, chất phát, sống cuộc đời bình dị với vợ con, ruộng vườn. Nhưng có nói chuyện mới biết, ông là bệnh nhân phong từng gắn bó với trại từ những ngày sơ khai, khi mà người ta sợ người mắc bệnh phong hơn sợ con nghiện.
Hơn 30 năm sống xa gia đình, xa vợ con, hay nói đúng hơn là bị vợ con ruồng bỏ, xa lánh khi, ông chưa một lần dám về qua thăm nhà. Ngồi nói chuyện với ông suốt mấy giờ đồng hồ, chúng tôi mới hay cuộc đời thật, cuộc đời đầy nước mắt mặn chát và những đắng cay của ông đến giờ vẫn còn thấy bóng dáng.
Sinh ra tại miền quê Nam Định, sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc trở về, ông có lập gia đình và sinh những đứa con khỏe mạnh.
Mơ ước về một cuộc sống giản dị, một mái ấm yên bình, vợ chồng chịu khó làm ăn, con cái sống hòa thuận hiếu thảo, tưởng chừng đơn giản, nhưng sao với ông nó khó thế. Ngày ông biết mình mắc căn bệnh phong quái ác, cũng là ngày ông hòan toàn suy sụp và rơi vào tuyệt vọng. Đi gần hết nửa quãng đời, vậy mà giờ mắc căn bệnh mà người đời xa lánh, sợ hãi, có lúc ông đã không muốn sống.
Ký ức hơn 30 năm giường như còn nguyên vẹn trong ông, ngày mà ông biết mình mắc bệnh, cũng là ngày vợ và 5 người con nhìn ông với ánh mắt khác.
Thường ngày, đi đâu về là bố con tíu tít hỏi chuyện, bữa cơm cũng vui vẻ nhấm nháp chénn rượu với nhau, mà thức nhắm có khi chỉ là những miếng bánh đa, những lá rau thơm ở vườn nhà.
Ông Phạm Văn Tết |
Nhưng ngày ông biết mình mắc bệnh, cả bữa cơm không ai nói với ai câu gì, không ai dám gắp món ăn mà ông đã gắp đũa trước đó. Đến có bát canh nước rau muống, mọi người cũng nhìn nhau, không dám chan khi thấy ông chan trước rồi.
“Lúc đó tủi lắm chứ cháu. Con cái mình còn hắt hủi, ghẻ lạnh và sợ mình như thế, nỗi đau nào bằng chứ”. Ông nói như nghẹn lại, đôi mắt như như chực trào ra những giọt nước mặn chát mà hơn 30 năm nay đã từng ngấm môi ông.
Giọng ông như trầm xuống khi nhắc tới ký ức xưa, hình như bóng dáng về mái ấm gia đình xưa đang hiện lên trong tâm trí ông, muốn về mà chẳng dám về nhà.
Hơn nửa cuộc đời đã gắn bó với nơi núi rừng hẻo lánh này, đã làm bạn với những người cùng cảnh ngộ, đã cùng chung những nỗi cô đơn, bùôn tủi, nay nhắc lại mái ấm xưa, chắc ông thấy nhớ nhiều lắm. Ngăn vội dòng nước mắt chỉ trực trào ra, ông cười trừ và lại kể tiếp.
Thời gian đầu phát bệnh, vẫn chưa biết trung tâm này, nên ông vẫn ở nhà, sống trong sự ghẻ lạnh của bà con hàng xóm, về nhà thì gặp những cái nhìn, những hành động dè chừng, tránh xa của vợ con. Cả ngày chẳng nói với nhau câu nào, đi ra đi vào chạm mặt nhau cũng chỉ như người dưng mà thôi.
Đỉnh điểm là một chuyện mà ông nhớ mãi, chắc cho đến khi nằm xuống mồ rồi ông cũng không quên được. Ấy là khi đứa con gái út đến tuổi lấy chồng, trước đó con gái ông có yêu và đã đi lại với một cậu trong làng, hôn nhân đã được 2 gia đình chấp thuận, chỉ chờ ngày lành là tổ chứ đám cưới.
Nhưng, chỉ vì biết ông mắc căn bệnh phong, thằng con trai đó đã bỏ đi mọi lời hẹn ước, bỏ qua mối tình và những gì đã có với con gái ông, chỉ vì lý do con ông là con của người hủi. Nhớ mãi đêm hôm ấy, giữa cái rét tháng 11, khi con gái ông chạy từ đâu về, lao vào buồng khóc nấc lên từng hồi, cứ gục mặt vào gối mà khóc như chưa từng được khóc.
Ông có vào hỏi chuyện, nhưng cô con gái chỉ quệt nước mắt ngang má, nói một câu trống không: “Vì bố bị hủi mà người ta bỏ con, vì bố mà con không lấy được chồng”.
Nghe câu nói ấy, tâm can ông như bị xát muối, như không thể đủ can đảm để có thể đứng tiếp ở ngôi nhà lẽ ra thuộc về mình thế này, với những người con và bà vợ hiền lành đựợc nữa. Đúng lúc ấy, vợ ông cũng từ đâu về, cũng nói trong nước mắt với ông: “thôi, ông đi đâu thì đi đi, chứ ở lại đây, mẹ con tôi lại khổ thêm ra”.
Có nằm mơ ông cũng khồn ngờ tới người từng đầu ấp tay gối với mình cả hơn nửa quãng đời, có với mình tận 5 mụn con mà nói với mình câu nói đau lòng như vậy. Ngay trong đêm đó, mặc trời mưa gió rét, ông dứt áo ra đi.
Ông lao ra ngòai đường như con thiêu thân, mà không biết đi đâu về đâu, chỉ thấy sao mà nước mưa mặn chát, đôi chân trần như không muốn bước ra khỏi mảnh đất chôn rau cắt rốn này, nhưng cứ phải bước đi theo bản năng.
Mong lắm một lần được về quê ăn Tết
“Chiến tranh tôi đã đi qua, chẳng nề hà gì, chỉ lo người đời xa lánh, hắt hủi thì sống làm sao được”. Ông Tết chia sẻ thật với lòng mình. Ánh mắt nhìn xa xăm, từng giọt mồ hôi vẫn đang chậm rãi chảy xuống gương mặt góc cạnh, đầy những nếp nhăn và vết đồi mồi xám xịt.
Ông bảo, chính bởi miệng lưỡi thế gian, chính bởi suy nghĩ của xã hội thời bấy giờ, mà ông không thể tiếp tục sống ở quê được, muốn sống yên lành cùng vợ con cũng không xong.
Nay, có nhà cửa, có quê hương mà ông chẳng dám về, nhiều lần thấy nhớ nhà quá, nhớ con cái quá, muốn ghé qua dò hỏi chút thông tin thôi, ông cũng phải lén lút…như kẻ trộm.
Từ ngày vào trại phong, cũng đã hơn 30 năm, và cũng ngần ấy thời gian ông chưa được gặp mặt vợ con, làng xóm. Có về cũng không ai tiếp đón, có muốn về cũng không được coi như người bình thường, nên ông đã không dám bước chân về tới cổng làng quê mình.
Có những lúc đi ngang qua làng, đôi chân không cản được bước đi, cứ thấy mình đi về phía ngôi nhà mà ông đã từng sống một cách vô thức.
Hoang tàn, lạnh lẽo, cỏ mọc tốt um tùm nơi nhà ông ở ngày xưa, phải đứng trấn tĩnh một lúc ông mới định hình được những gì đã bày ra trước mắt. Cố gắng dò hỏi, ông mới biết là từ ngày ông bỏ đi, vợ con ông cũng không sống nổi trong dư luận xã hội, sự ghẻ lạnh của bà con lối xóm, cũng đã bán nhà, bán cửa đi nơi khác làm ăn sinh sống.
Thế mới biết, miệng lưỡi thế gian ác độc thế nào, và cũng từ lần ấy, ông không bao giờ quay lại làng mình nữa. Ông có được nghề nặn tò he, hay làm và đi bán dạo vào những dịp hội hè, ở Bắc Ninh, Thái Bình…, nhưng không bao giờ ông ghé qua ngôi làng của mình.
Tại về đây, kí ức về mái ấm xưa, với những đứa con ông dành bao nhiêu tình thương đều đã bỏ ông mà đi, đều đã làm cho người cha khốn khổ này nhiều lần rơi nước mắt.
Mỗi khi Tết đến, Xuân về, khi mọi người quay quần bên mâm cơm gia đình, mình ông lóc cóc đạp xe bán nốt những món hàng làm được, rồi lặng lẽ theo từng vòng quay xe đạp, vượt qua những con dốc cao và dài thoai thỏai, để về với ngôi nhà trong trại.
“Chiều 30 Tết, ngồi dưới gốc đào hoa nở màu hồng phớt ngay dưới cổng trại, mắt cứ hướng ra đường cái, cứ mong ngóng có ai đó gọi tên mình, cứ mong ngóng nghĩ tới hình ảnh quê nhà. Mong lắm một lần về quê ăn Tết mà không được…”.
Ông vừa nói vừa rưng rưng nước mắt. Cả cuộc đời mình, sống cô đơn, xa nhà từ bao nhiêu năm nay, có con mà không được gặp con, có nhà mà không dám về…tất cả những nỗi đau ấy đã làm ông càng thêm buồn khổ.
Giờ đây, đã gần bước sang tuổi 80, ông vẫn một mình như chiếc bóng cô đơn sống trong trại, sống cùng những người có hòan cảnh như mình. Đôi bàn tay không còn nguyên vẹn, đã bị “cụt” mất mấy đốt do căn bệnh phong gây nên, đôi chân cũng nổi những vết lở loét, những cục thịt to như dị dạng.
Những ngày mưa gió, nằm co ro một góc giường, lắng nghe tiếng mưa rơi bên hiên nhà, giữa bạt ngàn núi rừng hoang vu, cảm giác ghê rợn với người bình thường, nhưng lại gợi lên trong lòng ông một nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Một ước mơ nhỏ nhoi, đời thường là được về quê sum vầy cùng vợ con, được ăn cái Tết ở quê nhà trước khi nhắm mắt, cũng là điều quá khó đối với ông hay sao…
Rời khỏi trại phong Hà Nam ra về, bỏ lại sau lưng bạt ngàn núi rừng âm u, hoang vắng, hình ảnh về ông lão nặn tò he bề ngoài niềm nở, nhưng bên trong đầy những nỗi khổ, nỗi cô đơn vì hơn 30 năm mà chưa gặp mặt vợ con gia đình còn ám ảnh chúng tôi mãi.
Phải chăng, do miệng lưỡi thế gian, do sự ghẻ lạnh của xã hội đã đẩy những con người như ông vào con đường cùng thế này, phải lang bạt tha hương bao nhiêu năm, giờ muốn một cái Tết đòan tụ với gia đình cũng chỉ là trong mơ ước…
- Nguyệt Cát