Theo Đông y, rau ngải cứu vừa là món ăn ngon bổ cho sức khỏe vừa là loại cây thuốc chữa bệnh. Rau ngải cứu có thể giúp xoa dịu những cơn đau cơ, giúp tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng… ưu điểm nổi bật nhất là giúp cơ thể nhuận tràng, lợi tiểu.
Tuy nhiên, vì có tính dược liệu cao nên cũng giống như những loại rau khác, nó cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn nên không phải ai ăn cũng phù hợp.
Các chuyên gia khuyến cáo, bất kỳ ai khi sử dụng ngải cứu nếu gặp hiện tượng như khô rát họng, khát nước, sau đó buồn nôn, đau bụng thì nên ngừng ngay lập tức vì rất có thể bị trúng độc hoặc do ruột và dạ dày bị viêm cấp tính.
Mặc dù có nhiều công dụng với sức khỏe, nhưng tuyệt đối không lạm dụng. Đối với người không có bệnh, không nên sử dụng nước sắc ngải cứu như một thứ nước uống thường xuyên giống như nước trà. Còn với những người dùng ngải cứu để chữa bệnh thì khi khỏi bệnh nên dừng, tránh sử dụng liên tục trong thời gian dài.
Có 4 đối tượng nên tránh thật xa ngải cứu:
Người mắc bệnh thận
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lá ngải cứu có một mức độ độc nhất định đối với thận. Nếu sử dụng ngải cứu quá nhiều có thể dẫn đến cơ thể mất năng lượng, chóng mặt, ù tai, và thậm chí là tổn thương thận.
Người bị viêm gan
Tinh dầu trong ngải cứu là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là một thành phần có độc tính. Nếu người bị viêm gan ăn ngải cứu, khi đó dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, khiến cho gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria). Do đó người bị viêm gan nên tránh xa món này.
Phụ nữ mang thai thời kỳ đầu
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai thời kỳ 3 tháng đầu không nên dùng bất kỳ dược liệu nào, đặc biệt là ngải cứu. Tuy nhiên với một số trường hợp bị động thai có dấu hiệu ra máu, bạn có thể dùng ngải cứu bằng cách sao cháy, sau đó vẩy một chút nước vào cho hết hỏa độc và sắc lên uống. Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng khi uống, tốt nhất đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng và kịp thời.
Người bị rối loạn đường ruột cấp tính
Một trong những tác dụng nổi bật của ngải cứu đó là giúp cơ thể tăng việc đi tiểu, vì thể nó được xem là một vị thuốc nhuận tràng hiệu nghiệm. Thế nhưng, chính do tác dụng này mà những người bị rối loạn đường ruột cấp tính cần phải tránh xa ngải cứu, nếu không bệnh tình sẽ khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn.