Chiêu lừa nâng cấp thẻ tín dụng online
Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng tình trạng người dân bị lừa đảo khi nâng hạn mức tiền trong thẻ tín dụng vẫn xuất hiện. Một phụ nữ ở quận Long Biên (Hà Nội) mới đây đã bị chiếm đoạt 90 triệu đồng khi nâng cấp thẻ tín dụng online.
Người dân nên nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về an toàn trực tuyến. Tuyệt đối không được cung cấp các thông tin cá nhân như số CMND, CCCD, số thẻ, mã thẻ hay thông tin xác thực giao dịch… cho bất cứ ai qua bất kỳ hình thức nào để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị lấy cắp thông tin và trục lợi.
Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.
Cảnh báo hình thức cho vay nặng lãi mượn danh cơ sở cầm đồ
Mới đây, công an Bình Dưỡng đã triệt phá và tạm giữ nhóm đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Mượn danh cơ sở kinh doanh cầm đồ, dưới hình thức công nghệ kết hợp truyền thống, đối tượng chủ mưu lập ra các trang web tài khoản Facebook để đăng tải các nội dung cho vay, hỗ trợ tài chính nhằm mở rộng tìm kiếm khách hàng.
Người dân nên đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp; tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy.
Khi cài đặt ứng dụng người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách.
Mạo danh lãnh đạo cơ quan để chiếm đoạt tài sản
Đối tượng mạo danh lừa đảo bằng cách giả danh cán bộ gọi vào các số điện thoại để thông báo số điện thoại này bị người khác chiếm đoạt, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin, hình cảnh cá nhân để lấy lại số điện thoại, nếu không thì thuê bao sẽ bị khoá.
Người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin CCCD, tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.
Nếu nghi ngờ lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.
Chiếm đoạt tài sản bằng bẫy lừa đảo quà tặng 0 đồng
Chiêu lừa đảo này không mới nhưng vẫn nhiều người dễ dàng sa bẫy, tài khoản mất trắng từ vài triệu tới hàng tỉ đồng.
Người dân nên đề cao cảnh giác trước những cuộc gọi dịch vụ; tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị đối tượng lừa đảo đánh cắp thông tin sử dụng vào mục đích phạm pháp hoặc bị chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải nắm bắt thông tin, cần biết cách tự bảo vệ và có biện pháp lưu trữ, phân loại và chia sẻ thông tin phù hợp.
Lừa đảo xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua website
Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam gần đây nhận được yêu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc về giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đăng ký và nộp phí thông qua 2 website gacc.app và aqsiq.net. Trước thông tin này, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) khẳng định, Tổng cục Hải quan Trung Quốc không yêu cầu loại giấy tờ này.
Các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ và chỉ nên truy cập vào các website chính thức của đối tác nước ngoài. Nếu nhận được yêu cầu như trên từ đối tác, doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối quốc gia là Văn phòng SPS Việt Nam để giải đáp các quy định.