Axit oxalic (còn gọi là oxalate) là một loại axit hữu cơ có trong nhiều loài thực vật, phổ biến nhất là rau xanh. Chất này có thể làm giảm tốc độ và mức độ hấp thu khoáng chất trong cơ thể. Nó kết hợp với các ion canxi để tạo thành canxi oxalat và cuối cùng lắng đọng thành sỏi thận. Nếu chỉ tiêu thụ axit oxalic với lượng vừa phải vốn không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, ăn nhiều thực phẩm chứa axit oxalic trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Dưới đây là một số loại rau củ quả có hàm lượng axit oxalic cao, bạn nên sử dụng với lượng vừa phải để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
- Rau muống
Rau muốn là loại rau quen thuộc, thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm của các gia đình. Loại rau này chứa nhiều vitamin, kali, clo và các dưỡng chất khác cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, 100 gram rau muống có thể chứa tới 691 mg axit oxalic. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn rau muống với lượng vừa phải, không ăn quá nhiều. Trước khi ăn, có thể chần rau muống qua nước sôi để làm giảm lượng axit oxalic trong rau.
- Rau dền
Rau dền cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể như vitamin C, caroten, sắt, canxi. Tuy nhiên, 100 gram rau dền lại chứa tới 1142 mg axit oxalic. Vì vậy, người có tiền sử bị sỏi thận cần phải hết sức thận trọng khi ăn loại rau này.
- Cải bó xôi (rau bina)
Nhiều người coi cải bó xôi là một siêu thực phẩm do nó cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, đây lại là loại rau có hàm lượng axit oxalic khá cao. Chất này có thể kết hợp với canxi trong cơ thể, dẫn tới việc hình thành các tinh thể trong nước tiểu và khó bị đẩy ra ngoài. Về lâu dài, các tinh thể này có thể tạo thành sỏi.
Do đó, cần chú ý chỉ ăn rau bina với lượng vừa phải, không ăn thường xuyên. Trước khi ăn, có thể chần sơ qua nước sôi để giảm lượng axit oxalic.
- Mướp đắng
Mướp đắng là loại thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cho cơ thể nên được nhiều người ưa chuộng. Loại quả này có thể được sử dụng để ăn trực tiếp, nấu các món mặn hoặc phơi khô để pha nước uống.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý rằng mướp đắng có hàm lượng axit oxalic khá cao. 100 gram mướp đắng có thể cung cấp 459mg axit oxalic. Vì vậy, bạn nên chú ý không ăn quá nhiều mướp đắng.
- Củ cải đường
Củ cải đường chứa nhiều vitamin, các chất chống oxy hóa giúp giảm viêm nhiễm. Tuy nhiên, nó có chứa nhiều axit oxalic có thể làm ức chế quá trình hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể, đồng thời dễ dẫn tới việc hình thành sỏi thận.
Một trong những lưu ý quan trọng để ngăn ngừa hình thành sỏi thận là uống đủ nước. Nước đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Cơ thể thiếu nước thì nguy cơ bị sỏi thận cũng tăng lên. Tuy nhiên, cần tránh sử dụng các loại nước có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận như nước ngọt, trà sữa, đồ uống có cồn... Chế độ ăn uống cũng cần được quan tâm, điều chỉnh. Người bị sỏi thận cần chú ý thực hiện theo các hướng dẫn của bác sĩ để tránh làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.