Đặt sự tự tin lên trên lòng tự trọng
Có thể dùng cả hai thuật ngữ "sự tự tin" và "lòng tự trọng" thay thế cho nhau. Tuy nhiên, trong việc nuôi dưỡng một đứa trẻ thành công, điều nào quan trọng hơn đã được nhà tâm lý học người Mỹ Michele Borba chia sẻ với CNBC vào năm 2022.
Lòng tự trọng phản ánh cách bạn tự nhận thức về mình một cách toàn diện. Ngược lại, sự tự tin là thước đo mức độ tin tưởng vào khả năng cá nhân của bạn trong từng hoàn cảnh cụ thể. Mặc dù hai khái niệm này có mối liên hệ, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng sự tự tin lại là yếu tố cần thiết hơn cho thành công của một người về lâu dài.
Sự tự tin giúp củng cố niềm tin cho trẻ rằng những kỹ năng và nỗ lực của chúng có thể mang lại những kết quả tốt đẹp, như việc đạt điểm số cao hoặc xuất sắc trong các môn thể thao.
Michele Borba nhấn mạnh rằng, cha mẹ có thể tăng cường sự tự tin cho con cái thông qua việc để chúng tự mình trải qua cảm giác của cả thành công và thất bại, và khích lệ chúng tự giải quyết vấn đề. Việc này sẽ giúp trẻ học được cách đứng dậy sau những vấn đề và tin tưởng vào khả năng thành công của bản thân mình.
Học cách tự kiểm soát
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khả năng tự kiểm soát có ảnh hưởng tích cực đến sự thành công của một người về sau. Theo một nghiên cứu dài hạn của các nhà khoa học tại Đại học Otago, New Zealand, trẻ em khi được học cách loại bỏ những yếu tố gây xao lãng không quan trọng, biết cách điều chỉnh cảm xúc và hành động của mình, chúng thường có chỉ số EQ và IQ cao hơn.
Khi trẻ bắt đầu nhận thức được về thời gian, các bậc phụ huynh nên giáo dục con cái về ý nghĩa của việc sắp xếp thời gian hợp lý để tập trung vào các hoạt động giúp phát triển cá nhân.
Gia tăng quyền lực tự quyết cho trẻ em
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, chuyên gia tâm lý nhi đồng Tovah Klein nói rằng khả năng tự quyết định là một yếu tố then chốt giúp trẻ em phát triển thành người thành đạt trong tương lai.
Bố mẹ nên khích lệ trẻ tự mình đưa ra quyết định về việc chuẩn bị học liệu hoặc chọn lựa các sinh hoạt sau giờ học. Sự tin tưởng của phụ huynh vào khả năng tự lập của trẻ sẽ góp phần nâng cao sự phát triển của trẻ.
Học cách chấp nhận điều không hoàn hảo
Esther Wojcicki, một tác giả sách ăn khách và chuyên gia về giáo dục trẻ, đã thành công trong việc nuôi dạy ba đứa trẻ thành công, bao gồm một bác sĩ và hai CEO. Dù vậy, bà Wojcicki không bao giờ yêu cầu các con mình phải đạt đến mức hoàn hảo.
Bà Wojcicki nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để trẻ em trải nghiệm thất bại, học cách giải quyết lỗi lầm của chính mình, và khích lệ chúng tự tin, xem thất bại như một phần của quá trình học hỏi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc theo đuổi sự hoàn hảo không nhất thiết làm tăng cơ hội thành công của trẻ trong tương lai. Thực tế, chủ nghĩa hoàn hảo có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như căng thẳng, lo âu và tự ti ở trẻ.
Giáo dục tài chính từ nhỏ
Giáo dục tài chính cho trẻ em từ khi còn nhỏ, từ việc kiếm tiền, chi tiêu thông minh đến tiết kiệm, là nền tảng quan trọng cho tương lai của chúng.
Một báo cáo năm 2023 từ Hội đồng Giáo dục Tài chính Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng đa số học sinh ở Mỹ không tiếp xúc với giáo dục tài chính sớm tại trường, một hoàn cảnh có thể dẫn đến các vấn đề tài chính sau này.
Margot Machol Bisnow, một chuyên gia về nuôi dạy trẻ, qua việc phỏng vấn phụ huynh của 70 người trưởng thành xuất sắc cho cuốn sách của mình phát hành năm 2022, phát hiện ra rằng giáo dục tài chính là một đề tài phổ biến mà họ đều chú trọng.
Bisnow nói: "Các bậc phụ huynh tôi phỏng vấn không ép buộc con cái mình phải theo đuổi những nghề có thu nhập cao, nhưng họ đã dạy con về tiền bạc theo các cách khác nhau."
Alexa von Tobel, người đã tốt nghiệp từ Đại học Harvard, là nhà đầu tư và sáng lập công ty tư vấn tài chính LearnVest, cũng gợi ý: "Thảo luận cùng con về giá cả của đồ dùng trong nhà là một cách thực tế để nói về tiền bạc."
Vì thế, trang bị cho trẻ kiến thức tài chính từ sớm có thể là chìa khóa để nâng cao khả năng thành công của chúng sau này.