6 bước đơn giản giúp trẻ phát triển chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ từ sớm

( PHUNUTODAY ) - Nếu cha mẹ hướng dẫn trẻ về cảm xúc từ những năm đầu đời thì trí tuệ cảm xúc của trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh và trẻ ít gặp rắc rối với cảm xúc của mình hơn khi lớn lên.

Giúp trẻ tìm hiểu về cảm xúc

Việc có thể nhận biết và gọi tên cảm xúc chính là bước đầu tiên trong việc học cách đối mặt với cảm xúc của bản thân. Giai đoạn trẻ từ 1-2 tuổi, mẹ sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về cách thể hiện cảm xúc của trẻ. Vì vậy mẹ cần có những cách hỗ trợ phù hợp với từng giai đoạn của trẻ.

Giúp trẻ hiểu cảm xúc

Có rất nhiều cung bậc cảm xúc buồn, vui khác nhau vậy làm thế nào để trẻ biết cảm xúc của mình là gì? Ngoài việc nói về cảm xúc, cha mẹ cũng cần giúp trẻ hiểu được lý do vì sao trẻ lại cảm thấy như vậy.

Chẳng hạn khi trẻ khóc khi bà rời đi, mẹ hãy nói với con “Bà phải rời đi rồi. Mẹ cũng như con đều cảm thấy buồn lắm”. Như vậy thì trẻ sẽ hiểu được cảm xúc này chính là buồn.

Dạy trẻ rằng cảm xúc không hề xấu

Các nhà tâm lý học đã liên kết việc trẻ cảm thấy xấu hổ về cảm xúc với các vấn đề như các hành động bạo lực, lo lắng và thậm chí là trầm cảm.

Việc mẹ cần làm ngay từ đầu là bế và ôm trẻ khi trẻ đang khóc, nhẹ nhàng thì thầm vào tai trẻ rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi và con sẽ không sao.

Nếu trẻ tỏ ra tức giận, không vừa ý và ném đồ vật khi cha mẹ không đáp ứng yêu cầu của mình, bạn hãy nói với trẻ rằng “Con có thể tức giận nhưng không có nghĩa là con có thể ném đồ vật như vậy. Tiếp đến mẹ nên chỉ cho trẻ thấy việc bộc lộ cảm xúc là đúng nhưng hành vi ném đồ là sai. Dần dần trẻ sẽ biết rằng chúng không thể kiểm soát những cảm xúc bất chợt nhưng chúng hoàn toàn có thể kiềm chế cách thể hiện cảm xúc ra bên ngoài.

Hướng dẫn trẻ đối mặt với những cảm xúc tiêu cực

Phản ứng của trẻ với những cảm xúc tiêu cực có thể rất dữ dội trong những năm đầu đời. Chẳng hạn như ném đồ, đánh người ở gần khi tức giận. Mẹ hãy nói với trẻ rằng trẻ đang tức giận và giúp trẻ đối phó bằng cách hít thở sâu.

Bên cạnh đó trẻ cũng học theo cha mẹ. Vì vậy, nếu muốn trẻ kiểm soát cảm xúc tức giận tốt cha mẹ cũng không nên la hét khi tức giận.

Khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc tích cực

Với cảm xúc tích cực mẹ cũng có thể chỉ cho trẻ cách thể hiện. Chẳng hạn khi trẻ xếp hình thành công mẹ cười và vỗ tay hoan hô. Như vậy trẻ sẽ học được rằng nếu trẻ cảm thấy tự hào, trẻ có thể ăn mừng.

Hay khi bà sắp đến và trẻ cảm thấy phấn khích, mẹ có thể giúp trẻ gọi tên cảm xúc và rủ trẻ bật nhạc để hát cùng nhau trong lúc đợi bà và thể hiện niềm vui của mình.

Làm mẫu và khuyến khích trẻ đồng cảm

Đồng cảm và đáp lại cảm xúc của người khác là một kỹ năng phát triển theo thời gian. Quá trình này bắt đầu tư khi mẹ thể hiện sự đồng cảm khi trẻ buồn. Vì vậy mẹ có thể làm mẫu sự đồng cảm thông qua những tương tác khi chơi cùng trẻ.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy chế độ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển trí tuệ cảm xúc. Bất cứ thứ gì trẻ ăn vào cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển không ngừng của não bộ. Bộ não chịu trách nhiệm về rất nhiều thứ, não bộ chính là nơi giúp con bạn xử lý cảm xúc, giải quyết các vấn đề, và nghĩ cách phản ứng với những tình huống nhất định.

Vì vậy nếu muốn trẻ điều chỉnh cảm xúc tốt cha mẹ cũng nên chú ý đến dinh dưỡng tối ưu cho trẻ.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link