BS. Bùi Thị Yến Nhi (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3) chia sẻ trên Zing News như sau: Trẻ nhỏ sau khi khỏi Covid-19 có thể gặp một số triệu chứng kéo dài như thay đổi mùi vị, khó thở, khô miệng, trào ngược... Những triệu chứng này làm ảnh hưởng nhiều đến trẻ, gây ra mệt mỏi, chán ăn dẫn tới mất khối cơ, sụt cân.
Vì vậy, cha mẹ cần chú ý tới dinh dưỡng để bé sớm phục hồi sức khỏe.
Bác sĩ cho biết, về nhu cầu protein của cơ thể trung bình là khoảng 1,2-2gram/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Do đó, cha mẹ nên cố gắng xây dựng thực đơn có thực phẩm giàu protein từ 2-3 bữa/ngày cho con.
Bữa chính nên có khoảng 20-25 gram protein. Cha mẹ nên ưu tiên cho bé sử dụng các thực phẩm giàu protein và năng lượng như thịt, cá, trứng, sữa, phô mai, các loại đậu...
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn và chia thành nhiều cữ bú nhỏ.
Trẻ trên 6 tháng tuổi cần cung cấp ít nhất 4 nhóm thực phẩm gồm đạm; sữa và các thực phẩm từ sữa; ngũ cốc và các loại hạt; rau và trái cây. Chế độ của bé nên giàu các loại vitamin A, B6, B12, C, D, E và các nguyên tố vi lượng như kẽm, đồng, sắt, selen... Những chất này sẽ giúp trẻ hồi phục hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Các nhóm thực phẩm trẻ nên sử dụng gồm có:
Thịt
Thịt cung cấp protein, kẽm, sắt, selen, vitamin B6, B12.
Trong đó, nếu thiếu B6, B12, cơ thể sẽ bị phù, suy giảm trí nhớ, viêm dây thần kinh tim, suy tim. Protein là dưỡng chất thiết yếu cho hoạt động của cơ thể, tham gia hoạt động tạo máu, tạo xương và các enzyme, hỗ trợ cơ thể trong việc tạo ra các tế bào mới. Ngoài ra, nó còn cung cấp nguyên liệu và năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
Cá và dầu cá
Nhóm thực phẩm này cung cấp protein, vitamin A, B6, B12, selen cho cơ thể. Đây là những dưỡng chất thiết yếu cần thiết cho sự hồi phục sức khỏe.
Selen là một nguyên tố vi lượng có khả năng chống oxy hóa mạnh. Nó giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Trong khi đó, vitamin A có tác dụng tăng thị lực, cải thiện sức đề kháng.
Sữa, sữa chua, phô mai
Các thực phẩm từ sữa cũng cung cấp protein, khoáng chất và các vitamin nhóm B cho cơ thể. Trong đó, sữa chua có chứa men vi sinh, giúp ích cho hệ tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể.
Rau lá xanh đậm
Các loại rau có lá xanh đậm như cải xoăn, cải bó xôi, mồng tơi, bông cải xanh... cung cấp nhiều vitamin A và B6, folate và sắt. Các chất này giúp củng cố hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Chất xơ trong rau vô cùng quan trọng, giúp cải thiện vấn đề tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng.
Các loại ngũ cốc, thực phẩm chứa tinh bột, các loại hạt
Các loại ngũ cốc, thực phẩm chứa tinh bột như khoai tây, bánh mì, mì sợi và các loại quả hạch, các loại hạt như hạnh nhân, óc chó cung cấp tinh bột, vitamin B, E, đồng, sắt cho cơ thể.
Thực phẩm giàu tinh bột cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Chỉ khi có năng lượng thì cơ thể mới có thể thực hiện các hoạt động sống hàng ngày. Nếu thiếu đi năng lượng, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải.
Trái cây họ cam, quýt
Các loại trái cây họ cam quýt rất giàu vitamin A, C giúp tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng chống lại các mầm bệnh. Ngoài ra, trái cây còn chứa nhiều nước, giúp bổ sung một lượng nước cần thiết cho cơ thể.
Bác sĩ đưa ra lời khuyên cho cha mẹ: Trong những ngày đầu mới âm tính, phụ huynh nên cho con ăn với lượng ít và chia thành nhiều bữa trong ngày, kết hợp với các thức uống nhẹ.
Nên hạn chế cho bé sử dụng các thực phẩm có năng lượng cao nhưng không cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như khoai tây chiên, gà rán, nước ngọt...