Lõi lọc không khí
Lõi lọc của máy lọc không khí là bộ phận có chức năng loại bỏ các hạt bụi, vi khuẩn, lông thú và các hóa chất trong không khí. Sau thời gian sử dụng, các bụi bẩn và lông vật nuôi sẽ bám đầy quanh lõi lọc gây ra tình trạng tắc nghẽn.
Lõi lọc không khí bị tắc nghẽn sẽ không loại bỏ được bụi bẩn trong không khí nhưng lại phát tán chúng vào không gian sống của gia đình bạn. Điều này có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và gây nguy cơ bị dị ứng và các vấn đề sức khỏe khác.
Chính vì thế, người dùng cần theo dõi và thay lõi lọc định kỳ để đảm bảo sức khỏe hô hấp cho cả gia đình. Thời gian thay lõi lọc không khí phụ thuộc vào loại lõi lọc và môi trường sử dụng. Theo hướng dẫn từ các nhà sản xuất máy lọc không khí, sau 3-6 tháng người dùng nên xem xét thay thế lõi lọc mới để không khí trong nhà luôn sạch khuẩn, thoáng mát.
Lõi lọc nước
Đối với một chiếc máy lọc nước, bộ phận quan trọng nhất ảnh hưởng đến độ tinh khiết và độ ngọt của nước chính là hệ thống lõi lọc nước.
Nguồn nước khi đi qua hệ thống lõi lọc sẽ loại bỏ các tạp chất, rong rêu, vi khuẩn, kim loại nặng,... và nguồn nước tinh khiết sẽ được bơm lên vòi nước cho người dùng sử dụng. Vì vật, lõi lọc nước sẽ bám đầy các vi khuẩn, cặn bẩn sau thời gian dài sử dụng và có thể bị tắc nếu không được thay mới định kỳ.
Để duy trì hiệu suất lọc cũng như đảm bảo chất lượng nước đầu ra luôn sạch khuẩn, không bị rót kim loại hoặc tạp chất, người dùng cần thay mới lõi lọc nước theo khuyến nghị từ nhà sản xuất.
Gối
Sự thoải mái của gối sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta, vì vậy nhiều bạn mua những chiếc gối tương đối đắt tiền để có thể ngủ thoải mái hơn.
Giá gối của các chất liệu khác nhau chắc chắn là khác nhau nhưng dù là loại gối gì thì cũng không thể sử dụng lâu dài
Chẳng hạn, gối làm bằng sợi polyester cần được thay thế trong khoảng nửa năm, gối mút hoạt tính có thể sử dụng được hai năm và gối cao su có thể sử dụng được từ 2 đến 4 năm.
Nếu gối đã lâu không được thay, trong gối sẽ có một số vi khuẩn và nấm, điều này cũng sẽ gây ra một số ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Vì vậy, không cần phải chọn bộ nào quá đắt tiền mà chỉ cần phù hợp với thói quen ngủ của bạn và có thể vệ sinh, thay thế thường xuyên.
Chảo, nồi chống dính
Khi mua chảo, nồi chống dính, bạn có thể nghĩ rằng chúng đắt tiền hơn sẽ sử dụng chất liệu tốt hơn và có tuổi thọ cao hơn.
Trên thực tế, tuổi thọ của chảo, nồi chống dính tráng phủ không liên quan trực tiếp đến giá cả.
Chảo, nồi chống dính chỉ sử dụng được 2-3 năm và sau đó cần được thay thế, ngay cả khi lớp phủ trông còn nguyên vẹn.
Việc sử dụng dụng cụ chống dính trong thời gian dài có thể gây hại cho sức khỏe của bạn, vì teflon (chất chống dính) có thể thải ra tới 6 loại khí độc.
Thớt
Hiện nay, thớt nhà bếp được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó có thớt inox, thớt cao su, sợi tre và thớt gỗ.
Thớt làm từ các chất liệu khác nhau đều có những ưu nhược điểm riêng nhưng xét đến cùng không có sản phẩm nào hoàn hảo 100%.
Những chiếc thớt tiếp xúc với thực phẩm sống dù là trong bếp ăn gia đình hay nhà hàng sang trọng đều ẩn chứa nguy cơ gây sự cố về sức khoẻ, đặc biệt là khi nó có vết xước. Các vi khuẩn Salmonella và E.coli thường mắc kẹt bên trong các vết xước của thớt cũ, gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy và đau bụng.
Việc rửa thớt sau mỗi lần sử dụng cũng không thể hoàn toàn bảo vệ bạn, vì rất khó làm sạch thực sự ở các vết xước và rãnh quá sâu.
Tốt nhất bạn nên chuẩn bị hai chiếc thớt, sử dụng riêng đồ sống và đồ chín sẽ tốt cho sức khỏe hơn. Các chuyên gia khuyên nên đổi thớt khoảng 3 lần mỗi năm, tùy vào mức độ thường xuyên sử dụng của bạn.
Khăn lau mặt
Khăn lau mặt là đồ dùng quen thuộc trong việc vệ sinh cá nhân hàng ngày của chúng ta. Khăn lau mặt khi sử dụng lâu ngày có thể chứa nhiều vi khuẩn, vi rút và bụi bẩn từ da và môi trường. Tuy nhiên, nhiều người dùng không cẩn thận trong việc làm sạch và bảo quản khăn lau mặt khiến đây trở thành một trong những đồ vật có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và da mặt của chung ta.
Khăn lau mặt khi không được giặt và bảo quản đúng cách sẽ dẫn tới những nguy cơ như: gây tắc nghẽn lỗ chân lông, gây ra mụn trứng cá hoặc mụn viêm, khăn lau mặt ẩm ướt và không được sấy khô đúng cách có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển,...
Thay khăn lau mặt thường xuyên giúp loại bỏ các tế bào da chết, bụi bẩn bám trên bề mặt khăn và giữ cho da được làm sạch cũng như giúp lỗ chân lông được thông thoáng, giảm nguy cơ bị mụn trứng cá hoặc viêm da.
Thời gian thay khăn lau mặt phụ thuộc vào mức độ sử dụng và môi trường sống của bạn. Tuy nhiên, nên xem xét vệ sinh khăn lau mặt ít nhất mỗi ngày hoặc sau mỗi lần sử dụng và thay mới khoảng 1 tháng 1 lần hoặc ít hơn càng tốt để đảm bảo vệ sinh cho da mặt của bạn.
Bàn chải đánh răng
Bàn chải đánh răng là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với răng miệng của chúng ta và đây là môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Khi bàn chải đánh răng dùng lâu ngày có thể bị mòn và giảm khả năng làm sạch thức ăn, vi khuẩn trong răng miệng.
Bàn chải đánh răng mới cảm giác sạch sẽ và tươi mát hơn, giúp bạn có cảm giác tự tin và thoải mái khi đánh răng. Thay mới bàn chải đánh răng ít nhất 3 tháng hoặc lâu nhất là 6 tháng để đảm bảo bàn chải có thể làm sạch tốt mảng bám, giảm nguy cơ mắc các bệnh về răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả hơn.
Nếu bạn có triệu chứng bệnh lý răng miệng hoặc bàn chải đánh răng bị nhiễm vi khuẩn, nên thay ngay mà không cần chờ đến thời gian định kỳ.