8 lưu ý khi chăm sóc răng miệng cho bé trên 2 tuổi

( PHUNUTODAY ) - Chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách là một việc làm cần thiết đối với các bậc cha mẹ khi chăm sóc con cái. Nếu không chăm sóc ngay từ đầu không những ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe khả năng ăn uống của con sau này.

8 lưu ý khi chăm sóc răng miệng cho bé trên 2 tuổi

 1. Chải răng cho bé

Bé sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự chải răng cho mình. Mẹ hãy giúp bé làm việc này bằng cách sử dụng bàn chải mềm, kem đánh răng không chứa fluoride (bé có thể nuốt loại kem đánh răng này mà không lo ảnh hưởng tới sức khỏe).

13413-chai-rang-cho-be

 Mẹ nên giúp bé học cách chải răng đúng cách

Sau đó, thực hiện việc chải răng đều đặn, nhẹ nhàng ngày 2 lần vào sáng và tối. Nhờ vậy, nướu và răng của bé sẽ chắc khỏe hơn rất nhiều. Với những bé 1 tuổi, mẹ nên sử dụng gạc + nước muối sinh lý để làm sạch răng bé.

2. Kiểm tra răng định kỳ

Mặc dù bé còn nhỏ, nhưng mẹ đừng coi nhỏ việc kiểm tra răng định kỳ cho bé. Ngay khi bé 1 tuổi, mẹ hãy đưa bé đi nha sỹ để kiểm tra xem răng bé có mọc đều, bình thường hay có bị sâu răng không? Việc kiểm tra sớm sẽ giúp bé sau này có hàm răng đều và đẹp hơn.

3. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ

Để răng của bé chắc khỏe, mẹ cũng cần phải quan tâm tới chế độ dinh dưỡng của bé, đặc biệt là canxi. Canxi sẽ giúp cho sự phát triển của hàm, răng được diễn ra thuận lợi và chắc khỏe trong suốt những năm tháng sau này. Một số thực phẩm rất tốt cho răng mẹ có thể tham khảo như: hành tây, cần tây, cam, sữa, trứng, bí đỏ, các loại rau xanh lá, thịt gà…

4. Không tự ý chữa bệnh về răng miệng cho trẻ

Một số mẹ phát hiện trẻ sâu răng hay viêm lợi, sưng tấy, sốt thì đã tự ý mua thuốc hoặc chữa bệnh cho trẻ bằng các loại thuốc lá dân gian để đắp vào chỗ đau. Điều này rất nguy hiểm, vì có thể gây nhiễm trùng vết thương. Tốt nhất, cha mẹ nên đưa trẻ tới bác sĩ răng hàm mặt để được điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc tốt nhất.

5. Cho trẻ uống nước sau mỗi bữa ăn

Sau khi ăn xong, mẹ nhớ cho trẻ súc miệng bằng nước đun sôi để nguội để làm sạch các mảng bám trong chân răng. Nhờ đó hạn chế được việc sâu răng ở trẻ.

6. Cho bé sử dụng nước súc miệng

Khi bé được 3 tuổi, mẹ có thể cho bé tập sử dụng nước súc miệng có chứa tính khử trùng, tiêu diệt các vi khuẩn, mảng bám ở chân răng. Đây chính là nguyên nhân gây hôi miệng, viêm lợi, mất men răng ở trẻ. Mẹ lưu ý, việc sử dụng nước súc miệng cần có sự tư vấn và hướng dẫn của nha sĩ.

7. Hạn chế việc uống nước ngọt, sữa trước giờ đi ngủ

Đồ ngọt chính là thủ phạm hàng đầu gây sâu răng ở trẻ, đặc biệt là vào ban đêm. Một số trẻ thường có thói quen đòi uống sữa trước khi đi ngủ nhưng lai không chịu vệ sinh răng sau đó. Vì vậy, mẹ hãy hạn chế và thay đổi thói quen này của trẻ. Nếu không, mẹ nhớ phải làm sạch răng trẻ trước khi trẻ đi ngủ.

8. Tập cho trẻ uống sữa, nước bằng ly

Vì nếu uống bằng ly, trẻ sẽ không có thói quen ngậm nước hay sữa trong miệng. Điều này hạn chế tối đa việc sâu răng ở trẻ

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn