Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Trẻ con thành F0, mẹ đừng lo đừng khóc, trẻ vẫn ăn chơi ngủ, khỏi bệnh bình thường

( PHUNUTODAY ) - Một trong những nỗi lo lắng nhất của bậc phụ huynh là không may con của họ trở thành F0. Thực tế, đã có rất nhiều trẻ là F0, nhưng điều đó cha mẹ không nên quá lo lắng.

Hiện nay, biến thể Delta đang lây nhiễm ở mức độ cực nhanh, nhất là Covid-19 lại có tính chất gia đình, nên trường hợp trẻ con thành F0 là không tránh khỏi.

Khi biết tin con mình là F0, cha mẹ thường có tâm lý chung là lo lắng, hoảng sợ, có khi khóc lóc. Tuy nhiên điều này thực sự không cần thiết. Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã có chia sẻ liên quan tới vấn đề này.

Có thể bạn nghe đâu đó 1-2 ca trẻ em bị mắc Covid-19 nặng. Điều này rất hiếm gặp và thường chỉ xảy ra ở những trẻ lớn, có thể trạng béo phì hoặc đôi khi ở trẻ có bệnh lý nặng, như những trẻ mắc bệnh thận nặng, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Nếu trong nhà có những trẻ như thế, bạn cần chú ý theo dõi trẻ như một tình huống người có bệnh nền. Nên bình tĩnh vì ngay cả với những trẻ này, tình huống chuyển nặng cũng rất hiếm gặp.

Còn nếu con bạn là một đứa trẻ bình thường thì không có gì phải lo. Hầu hết trẻ nhỏ là những F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như một cơn cảm cúm thông thường. Một số cha mẹ có con bị hen suyễn hay lo nhưng bệnh này không khiến bệnh Covid-19 nặng thêm. Chỉ cần trong nhà có thuốc vẫn đang dùng trị hen suyễn cho trẻ là được.

19

Nếu con bạn chưa rõ có bị bệnh hay không, không nên vội sợ hãi mà giao con cho ông bà nội ngoại vì chính người lớn tuổi mới là người có nguy cơ trở nặng khi nhiễm bệnh.

Trẻ sơ sinh lại càng không lo vì nhóm trẻ rất nhỏ này lại càng an toàn với Covid-19. Nhiều em bé sinh ra ngay giữa bệnh viện điều trị Covid-19, bởi một người mẹ điều trị Covid-19, vẫn âm tính dù vẫn được mẹ trực tiếp chăm sóc. Đeo khẩu trang, rửa tay, vệ sinh cơ thể đúng cách mỗi khi cho bé bú là được. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyên không nên tách rời mẹ - con.

Vì vậy, điều đầu tiên cần nhớ là hãy bình tĩnh. Chính sự lo âu của người lớn mới ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Con bạn thường khỏe lại trước bạn và một số trẻ lớn hoàn toàn có thể giúp đỡ chăm sóc những F0 người lớn còn mệt. Không có chuyện trẻ âm tính rồi thì sẽ bị tái nhiễm vì chăm sóc các thành viên trong nhà chưa âm tính, vì F0 đã khỏi bệnh có kháng thể rất cao, nhất là mới khỏi bệnh. Cũng không có chuyện F0 nhẹ chuyển nặng hay dương tính kéo dài vì nhiễm thêm virus từ người bệnh nặng hơn. Đã nhiễm rồi thì không nhiễm thêm nữa.

Ngoài ra, mùa này, nếu trẻ sốt trên 72 giờ, sốt cao khó hạ thì nên đặc biệt lưu ý vì có thể không phải do mắc Covid-19 mà là sốt xuất huyết.

Một số điều cần nhớ khi chăm sóc trẻ F0 tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ khuyến cáo, khi trẻ F0 được quản lý, chăm sóc và điều trị tại nhà, nếu phụ huynh phát hiện trẻ có bất cứ một trong các dấu hiệu như:

Triệu chứng khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi; nhịp thở: ≥ 30 lần/phút đối với trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi (Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).

Chỉ số SpO2 ≤ 95%.

Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút. (Người lớn và trẻ lớn ≥ 5 tuổi)

Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo). (Người lớn và trẻ lớn ≥ 5 tuổi)

Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật

Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Trẻ em không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn, có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban…

Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng, suy thận mạn, hoặc các bệnh mạn tính khác phải nhập viện can thiệp điều trị thường xuyên…

Phụ huynh cần phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; Trạm y tế xã, phường; Trạm y tế lưu động hoặc trung tâm vận chuyển cấp cứu…. để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

"Một mình chỉ số SpO2 sẽ không phản ánh tất cả được tình trạng bệnh, nhưng cũng sẽ là một chỉ điểm quan trọng để bố mẹ, người chăm sóc và theo dõi  trẻ F0 phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng. Người lớn hãy bình tĩnh trong tất cả các tình huống khẩn cấp, để con trẻ được trấn an và hợp tác điều trị hiệu quả", bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ chia sẻ thêm.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link