Bác sĩ Tường không "ngu dốt"
Bác sĩ Tường sau khi bị bắt giữ đã cho rằng mình quá ngu dốt và hoảng sợ nên đã thực hiện hành vi vứt xác phi tang. Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư Trần Đình Triển (Trưởng VP Luật sư Vì Dân) lại cho rằng, bác sĩ Tường là người có kinh nghiệm, làm nhiều năm trong một bệnh viện lớn của thì việc tiếp xúc với cái chết của bệnh nhân là chuyện quá bình thường, nhất là bác sĩ khoa ngoại. Vì thế không thể nói bác sĩ Tường thấy sốc trước cái chết của chị Huyền sau ca phẫu thuật mà có hành động mà nhiều người, và ngay cả bác sĩ “đồ tể” cho là ngu dốt, dại dột.
Nguyễn Mạnh Tường ở cơ quan điều tra. |
Theo thông tin đã đăng tải trên báo Tri thức trẻ, ngay trong buổi tối hôm chị Huyền tử vong tại thẩm mỹ viện Cát Tường (19/10), bác sỹ Tường đã “mời” một số nhân viên ngồi lại để bàn bạc giải quyết hậu quả. Trong số nhân viên này, mỗi người một ý kiến khác nhau. Tại cuộc “bàn bạc” này có nhân viên từng bày cách cho bác sỹ Tường “hay là dựng ra hiện trường vụ tai nạn để phi tang?”
Một nhân viên khác cũng được bác sỹ Tường mời ngồi lại để bàn, nhưng người này lấy lý do “Nhà em có việc bận vì con nhỏ…” rồi xin về. Đến sáng hôm sau (Chủ Nhật) người xin về nhận được cuộc điện thoại của bác sỹ Tường với nội dung “Anh đã giải quyết xong rồi em an tâm nhé, cảm ơn em”.
Và một sự thật là, tới 21h30 tối 19/10, đúng ngày bệnh nhân Huyền tử vong tại đây, thẩm mỹ viện Cát Tường vẫn mở cửa làm việc. Thậm chí, thẩm mỹ viện này vẫn hoạt động bình thường suốt ngày 20-21/10. Bản thân Nguyễn Mạnh Tường vẫn bình tĩnh đi làm tại Khoa Ngoại, bệnh viện Bạch Mai sau khi phi tang xác nạn nhân cho đến hôm bị bắt. Vậy, có thể tin lời bác sĩ Tường khai rằng do “ngu dốt”, “hoảng sợ” nên đã thực hiện hành động dã man, vô nhân tính ném xác nạn nhân xuống sông không?
Luật sư Triển còn nhận định "bác sĩ Tường đã tính toán kỹ tình huống là cơ quan điều tra không thể tìm thấy xác chị Huyền. Nếu bác sĩ này có thực sự phi tang xác ở sông Hồng thì cơ quan công an cũng không tìm thấy xác chị Huyền ngay lúc này được. Bác sĩ Tường sẽ tính toán kỹ đến bao giờ thì xác sẽ nổi và nổi khi đó thì không còn dấu vết nữa".
Bên cạnh đó, Bà Thanh (chủ nhà cho thuê phòng khám) cũng cho biết dường như Nguyễn Mạnh Tường đã biết trước được tội của mình sẽ bị khép vào khung hình phạt nào, mức án bao nhiêu năm trong trường hợp không tìm thấy thi thể của nạn nhân. Qua lời kể của chị Hằng, vợ Nguyễn Mạnh Tường với bà Thanh, thì trong lần vào thăm chồng, Tường vẫn điềm tĩnh, tự tin khuyên vợ cố gắng giữ gìn sức khỏe, nuôi dạy hai đứa con cho tốt. Thậm chí, Tường còn hẹn ngày trở về với vợ: “Anh đi mấy năm rồi về, em đừng lo”.
Bác sĩ Tường sợ hãi cao độ nên làm liều
Đối lập với nhận định của luật sư Triển, Thiếu tá Đào Trung Hiếu, một người tham gia nhiều trong lĩnh vực điều tra trọng án, đã phân tích sâu sắc diễn biến tâm lý tội phạm của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường trong vụ ném xác bệnh nhân xuống sông.
Theo Thiếu tá Đào Trung Hiếu, về bản chất, sự việc chỉ đơn giản là việc chị H. đến thẩm mỹ viện Cát Tường để làm đẹp, rồi xảy ra tai nạn dẫn đến hành vi ném xác “phi tang” của bác sỹ Tường. Nhận thức như thế, mới có thể đưa ra những suy đoán tiệm cận với thực tế.
Hơn thế nữa, đánh giá quỹ thời gian từ lúc nạn nhân chết, đến lúc bác sĩ Tường “phi tang”, là một quá trình liên tục, tương đối ngắn, trạng thái tâm lý của đối tượng là hoảng loạn, có thể dùng từ “quẫn trí”, nên tôi cho rằng, bác sỹ Tường không có đủ bình tĩnh, không có đủ thời gian để “phân kim” thi thể nạn nhân như các giả thuyết đã nêu. Mặt khác, nếu đặt ra vấn đề ông Tường đã cắt rời nạn nhân ra nhiều bộ phận, thì hiện trường hủy xác đó ở đâu?
Với diễn biến tâm lý đó, có thể suy đoán trong sự việc này, vì “lỡ” mở thẩm mỹ viện trái phép, “lỡ” phẫu thuật để bệnh nhân chết, nhận thấy nếu để xác bệnh nhân nằm đấy, nguy cơ bị phát hiện xử lý, đi tù là rõ ràng. Trong khoảng thời gian cực ngắn, ông Tường đã nảy sinh ý định ném xác “phi tang” để trốn tội.
Hành động diễn ra trong tình thế quẫn bách, tâm lý sợ hãi cao độ, rõ ràng là mang tính chống chế đối phó. Ngoài ra, rất có thể ông Tường không biết việc “phi tang” xác bệnh nhân phạm vào tội “xâm phạm thi thể” và phải gánh chịu những hậu quả pháp lý.
Theo Thiếu tá Đào Trung Hiếu, bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm, việc làm của ông Tường đã bị nhiều đồng nghiệp trong nghề y phê phán là “hồ đồ”, “dại dột”. Tôi nghĩ sự “tàn nhẫn” không phải là thuộc tính tâm lý của vị bác sỹ này, cũng như của những người làm công việc y tế cứu người. Sự việc vừa qua do nhất thời manh động, bột phát.
Từng là người ý chí, nghị lực
Tại Trường THPT Lý Nhân, nơi trước đây Tường theo học cấp 3 khóa 1987-1990, Trong ký ức của cô giáo chủ nhiệm cấp 3 khóa 1987-1990 của bác sĩ Tường, cô Đ.T.H cho biết, Tường vẫn là một học sinh trầm tính, có ý chí, nghị lực. Tường học các môn khác bình thường nhưng môn hóa và sinh học thì luôn là học sinh giỏi.
Nhiều người biết đến Tường vì anh ta thi trượt đại học 2 lần nhưng vì quyết tâm theo đuổi ngành y nên không bỏ cuộc cho đến khi thi lần 3 và đỗ với số điểm rất cao. Sau khi học xong Đại học Y Hà Nội thì bố bác sỹ Tường qua đời. Thời điểm đó anh ta có thời gian làm thuê cho một phòng mạch tư nhân ở quê trước khi được nhận vào công tác ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Các bạn học cấp 3 của bác sỹ Tường cho biết, cách đây hai năm, trong một lần về quê, Tường gặp và nói với mọi người về việc mình đã chuyển công tác và mua được nhà ở khu vực Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Đối với họ, bác sỹ Tường là một người nhiệt tình và có nghị lực.
Một người từng là bệnh nhân của bác sĩ Tường khẳng định: "Nhưng thực ra mình nghĩ bác sỹ Tường cũng không muốn sự việc xảy ra như vậy. Mình đã từng là bệnh nhân của bác sỹ thấy anh ấy cũng hiền lành và vô tư trong khám chữa bệnh, biếu tiền còn không lấy.
Trong hoàn cảnh gây tai biến như vậy thì với một bác sỹ chỉ biết khám bệnh thì phản xạ không kiểm soát được. Chắc chắn lúc đó anh ấy đã trở thành con người khác. Anh ấy không còn là mình nữa."
Theo thông tin từ bệnh viện Bạch Mai (nơi Tường công tác) thì vị bác sỹ này chủ yếu học và làm ở một lĩnh vực không liên quan nhiều đến thẩm mỹ. Năm 2004, Tường được tập huấn phẫu thuật cột sống, nội soi khớp gối, thay khớp gối tại viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Đến năm 2006, có quyết định điều chuyển vể khoa Ngoại, BV Bạch Mai. Sau đó, bác sỹ Tường tham gia vài khóa học về chấn thương chỉnh hình khác.
Lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, trong quá trình công tác tại BV Bạch Mai, bác sỹ Tường chưa vi phạm kỷ luật gì và vấn đề chuyên môn cũng chưa phát hiện điểm nào chưa tốt.