Bài học Đức Phật dạy con: "Người nói dối cũng như nước rửa chân, không thể dùng để uống".

07:05, Thứ sáu 19/07/2019

( PHUNUTODAY ) - Thành thực luôn là cách sống tốt nhất, đơn giản nhất, không chỉ giúp ta có được sự thanh thản, mà còn giúp ta được tôn trọng.

Câu chuyện dạy con của Đức Phật

La Hầu La là tên của cậu con trai của đức Phật, cậu bé này được sinh ra trước khi đức Phật xuất gia. Sau khi Đức Phật xuất gia tu hành giác ngộ được chân lý, La Hầu La cũng theo cha xuất gia làm Sa di. Khi ấy, cậu bé này mới 10 tuổi. 

 Hàng ngày sống trong môi trường uy nghiêm, không có đồ chơi, La Hầu La tự làm đồ chơi cho mình. Cậu bé 10 tuổi vẫn giống như những đứa trẻ khác, thích huyên náo và ham chơi, Tập tính một sớm một chiều khó mà sửa đổi được. Một trong những thói quen xấu của cậu bé La Hầu La đó là nói dối để trêu chọc mọi người, lấy đó làm thú vui cho mình.

Vi-sao-Duc-Phat-bat-con-uong-nuoc-rua-chan-ban-thiu

Biết được chuyện này, một hôm, Đức Phật bảo La Hầu La lấy một cái chậu dựng nước để Ngài rửa chân. La Hầu La vâng theo và bưng vào một chậu nước sạch. Khi rửa chân xong, Đức Phật liền bảo:

- Nước rửa chân này có dùng uống được không?

La Hầu La thưa:

- Dạ, nước rửa chân này không thể dùng để uống được.

Đức Phật nói:

- Người nói dối cũng như nước rửa chân không thể dùng để uống được.

Đức Phật lại bảo:

- Con hãy đem chậu nước đổ đi.

La Hầu La lại làm theo lời Phật dạy và đem chậu vào.

Đức Phật hỏi:

- Cái chậu này có thể dùng đựng cơm ăn được không?

La Hầu La trả lời:

- Dạ cái chậu này không thể dùng đựng cơm ăn được.

Đức Phật dạy:

- Người nói dối cũng như cái chậu đựng nước rửa chân không thể nào dùng để ăn cơm được. Bởi vậy, người phạm giới nói dối thì không bao giờ có thể tu đắc đạo.

Hiểu được ẩn ý của Đức Phật, từ đó về sau, La Hầu La không còn bao giờ dám nói dối nữa.

Thành thực để sống thanh thản và được người đời tôn trọng

duc-phat-1

Trên đời này, khi bạn đã lỡ một lần nói dối thì sẽ có lần hai, lần ba... Những lời bịa chuyện không chỉ khiến ta đau đầu, mệt mỏi mà còn đẩy những người xung quanh vào sự hoài nghi. 

Lời nói dối vô hại có thể không ảnh hưởng tới lợi ích của ai, nhưng nếu có chủ đích, khi mọi chuyện vỡ lở thì ai cũng là người bị tổn thương. Hãy nhớ rằng, chẳng có lời nói dối nào có thể giữ kín được mãi mãi, sự thật vẫn sẽ lộ ra, còn kẻ nói dối thì phải gánh thêm cả sự ê chề.  

Trong câu chuyện trên, Đức Phật dạy con trai La Hầu La không hề có roi vọt hay quát mắng, chỉ với một chiếc chậu, nhẫn nại cùng con nói rõ đạo lý phải trái, khiến người con trẻ biết coi trọng sự tôn nghiêm của chính mình, hiểu được lời nói dối có ảnh hưởng tiêu cực.

Là người khôn ngoan, hãy luôn sống thành thực bởi "Người nói dối cũng giống như nước rửa chân, không thể dùng được". Thành thực là cách khiến ta sống thanh thản, được người tôn trọng. 

Nếu như mắc sai lầm, hãy mạnh dạn nhận lỗi và sửa chữa điều đó. Có câu "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Trước những lời xin lỗi chân thành, thật tâm, không ai nỡ mắng nhiếc, đay nghiến và dằn vặt bạn cả.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Hiểu Lam