Điều này nhanh chóng trở thành thói quen ăn sâu vào tâm lý của những bà vợ và là nỗi lo luôn ẩn hiện trong tâm trạng của những ông chồng mỗi khi biết vợ đang tụ tập với những người phụ nữ khác.
Chủ đề bàn luận sôi nổi của phụ nữ
"Chồng tớ hôm qua đi nhậu về say bí tỉ, mở tủ quần áo mà tưởng cái cửa toilet, cứ thế bắn vào. Nửa đêm tớ phải lọ mọ đi dọn tủ, hỏi có tức chết không cơ chứ”, chị Hương Thùy nói với cô bạn thân, về bực bội vẫn còn thể hiện rõ qua giọng nói và cử chỉ của chị. Thế là đề tài hôm ấy của nhóm bạn Thùy xoay quanh chuyện những tật xấu của các đức lang quân khi trở về từ bàn nhậu. Người thì để nguyên quần áo hôi hám lăn quay ra giường ngáy như sấm, kẻ lại ba hoa chích chòe, nói nhiều không thể tả. Chuyện từ năm nảo năm nao cũng được các bà ấy đưa ra “tám”.
Câu chuyện nhậu nhẹt lắng xuống nhưng chủ đề nói xấu chồng vẫn ngày càng gay cấn, chị Thu Lan góp lời: “Mình cũng đang chán chồng quá. Chồng mình ích kỷ, gia trưởng lại không bao giờ giúp đỡ vợ việc nhà. Nếu mình có nhờ thì bảo em đừng tị nạnh với anh mấy cái việc rửa bát, quét nhà. Trong nhà nếu điện, nước, bếp ga có hỏng thì vợ tự kêu người sửa, nếu không thì cứ kệ thôi. Nếu vợ có bảo chồng thì chồng bảo em đừng lôi kéo anh vào mấy cái việc đó.
Công việc của chồng hàng ngày là thỉng thoảng chở vợ con đi học, đi làm và thỉnh thoảng có đón về. Hôm nào về muộn thì không nói, nếu về sớm thì sau khi trút bỏ quần áo đi làm sẽ nằm dài trên ghế và lướt web trên điện thoại, khi nào cơm được bưng đến thì ăn, ăn xong lại lên ghế và lướt web tiếp đến lúc đi ngủ. Sáng dậy sớm lại ôm điện thoại, vợ giục mỏi mồm mới chịu chuẩn bị đi làm… Chán toàn tập, chả biết giờ nên làm gì với ông chồng này!”...
Nếu các chị có thời gian ngồi "buôn bán" với nhau thì chắc có thể nói từ sáng đến tối, thậm chí đến tận hôm sau cũng không hết các thói tật của ông xã.
Lý giải bệnh nói xấu chồng của chị em
Theo tiến sĩ tâm lý Jane McCartney, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), phụ nữ mỉa mai và hạ thấp đàn ông ở chốn công cộng thực chất để biểu lộ sự tức giận và khó chịu. Bên cạnh đó, một số vấn đề họ kể xấu còn thể hiện sự ganh tỵ với thành công của chồng.
Người phụ nữ khi không đạt được vị trí và thành công nhất định trong công việc sẽ cảm thấy tiếng nói của mình không có giá trị trong gia đình. Hạ thấp chồng là cách để họ có thêm quyền lực và sức mạnh cho mình. Ngược lại, những phụ nữ hài lòng với bản thân thường ít nói hay đưa ra những đánh giá, bình luận về chồng.
Phụ nữ không chỉ mong muốn trở thành người vợ, người mẹ tuyệt vời, mà còn mong có được sự nghiệp vững vàng. Vì thế, khi không làm tốt những mặt này, người chồng sẽ là tâm điểm để chỉ trích. Họ có thể phàn nàn, thậm chí hạ thấp chồng để tỏ rõ quyền lực.
Hệ lụy nguy hiểm đi kèm
Điều đáng lo nhất trong vấn đề này chính là những tác động lên người xung quanh và con trẻ. Khi bạn kể xấu về tính cách, lối hành xử cũng như thái độ của chồng, mọi người sẽ có cái nhìn không hay về anh ấy.
Tệ hơn nữa, người ta sẽ mặc định chồng bạn là người xấu. Họ quên đi mặt tốt mà chỉ nhớ những gì không hay về chồng bạn. Đối với bạn, việc này “lời nói, gió bay” để thỏa cơn tức, nhưng với những người xung quanh, điều đó có thể in trong tâm trí.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến thanh danh ông xã, những lời không hay ấy cũng làm họ đánh giá không tốt về bạn. Khi vui vẻ không sao, đến lúc xích mích, bạn có chắc rằng người bạn ấy sẽ không thêm mắm, giặm muối để câu chuyện về gia đình bạn càng thêm hấp dẫn? Một đồn mười, mười đồn trăm, chuyện của bạn không còn đơn thuần là chuyện phiếm nữa.
Vì vậy, bạn cần chọn lọc những gì nên và không nên nói. Bạn chỉ nói những thứ vô thưởng, vô phạt hay chuyện đùa vui, không ảnh hưởng đến chồng. Khi tức giận, nếu cần nói để giải tỏa, hãy cố giữ đúng sự thật, đừng cố nói lợi cho mình. Đừng để những lời nói ra trở thành mồi lửa âm thầm phá hủy thanh danh gia đình bạn.
Đặc biệt, nếu trong gia đình người vợ đưa ra những câu đánh giá về chồng kiểu: “Đàn ông thật vô dụng” sẽ khiến những đứa trẻ nhà bạn có ấn tượng không tốt về bố. Vì vậy, bạn nên thận trọng khi nói. Nếu chồng có nhược điểm, hãy khéo léo nhắc nhở. Không nên thể hiện sự tức giận trước mặt con. Chúng có quyền nghĩ bố là một anh hùng và là tấm gương tốt. Điều đó sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn cả về sức khỏe và trí lực.