Ông Chấn trong vòng tay người thân sau khi được trả tự do.
Ngày 9/5, Cơ quan điều tra Viện Kiểm nhân dân Tối cao đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam đối với 2 cán bộ trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn.
Theo đó, hai bị can trong vụ án này là Đặng Thế Vinh, Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, là kiểm sát viên thụ lý chính vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn và Trần Nhật Luật (thượng tá, điều tra viên cao cấp) Phó Trưởng Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang), nguyên điều tra viên thụ lý chính trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. Cả hai bị can này đều bị khởi tố về tội “Cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo điều 300 Bộ luật Hình sự.
Trao đổi với Phunutoday.vn, Luật gia Nguyễn Hữu Thực cho rằng: “Cần phải truy tố điều tra viên, kiểm sát viên trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở khoản 2, Điều 300 Bộ luật Hình sự để áp dụng khung hình phạt tăng nặng một cách nghiêm khắc”.
Cụ thể luật gia Thực phân tích: “Tính chất có tổ chức trong vụ án được thể hiện ở chỗ vụ án đã được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng qua 3 giai đoạn tố tụng, từ điều tra, truy tố, xét xử nhưng vẫn xử oan người vô tội. Có sự chỉ đạo là việc căn cứ vào các quy định của pháp luật đã quy định rõ cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án được làm những gì và thẩm quyền đến đâu. Vai trò tổ chức ở đây nó hoàn toàn khác với với vai trò tổ chức ở các vụ án thông thường. Vì đây là phía các cơ quan Nhà nước (trong nhóm các cơ quan tiến hành tố tụng), không phải là sự chỉ đạo của một cá nhân trong một nhóm tội phạm như quy định của pháp luật”.
“Ngoài ra vụ án để lại hậu quả nghiêm trọng. Thông qua việc điều tra, truy tố, xét xử nhưng bản chất thật của vụ án vẫn không được làm sáng tỏ bởi những cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo cơ bản. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của ông Chấn, gây thiệt hại về kinh tế, sự phát triển bình thường, bền vững của gia đình ông khi ngồi tù oan 10 năm”.
Cũng đánh giá về vụ án này, luật sư Dương Văn Mai, Công ty luật Thuận Phát nhận xét: “Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với các ông Trần Nhật Luật và ông Đặng Thế Vinh những cán bộ điều tra trực tiếp thực hiện việc điều tra vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn là phù hợp nếu có căn cứ và cơ sở khẳng định các cá nhân này 'cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án'".
“Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp được ban hành tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp cũng như các quy định của Bộ luật Hình sự đối tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương XXII Bộ luật Hình sự”, luật sư Mai phân tích thêm.
Trước đó, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp…dẫn đến tử vong. Trong vụ án này, ông Nguyễn Thanh Chấn bị truy tố về tội giết người. Ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm. Sau 10 năm chịu án oan, ngày 4/11/2013 ông Nguyễn Thanh Chấn đã được tạm đình chỉ thi hành án tại trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an) trong lúc chờ TAND Tối cao mở phiên tái thẩm theo kháng nghị của VKSND Tối cao. Sau 10 năm chịu án oan, đến ngày 25/01/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã công bố và trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Như vậy, kể từ khi nhận được quyết định về mặt pháp lý ông Chấn đã được tự do. |