Bé hay khóc đêm phải làm sao?

21:22, Thứ năm 29/03/2018

( PHUNUTODAY ) - Trẻ hay giật mình và quấy khóc giữa đêm là mối lo lắng của nhiều bậc phụ huynh. Đây có thể là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là triệu chứng của một loại bệnh lý nào đó. Hãy cùng cùng mẹ tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này nhé!

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ sẽ thường xuyên lo lắng khi thấy bé giật mình và khóc thét vào ban đêm. Điều này có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, và ứng với mỗi nguyên nhân thì sẽ có một cách khắc phục riêng.

Tai-sao-tre-hay-khoc-dem1

Một số nguyên nhân khiến bé hay khóc đêm:

Tùy từng giai đoạn phát triển mà mỗi bé có những triệu chứng rối loạn khác nhau, phổ biến nhất là trẻ hay giật mình và quấy khóc đêm. Ngoài những nguyên nhân thông thường như đèn ngủ quá sáng hoặc bé chưa thích nghi với môi trường ngoài bụng mẹ thì những nguyên nhân sau có thể khiến trẻ nhỏ hay giật mình khi ngủ:

Nguyên nhân thần kinh: Hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh của trẻ rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Nhiều khi chỉ là một tiếng động nhẹ cũng có thể khiến bé giật mình tỉnh giấc khi đang ngủ và quấy khóc. Nếu trẻ nhỏ hay giật mình và có kèm quấy khóc, la hét thì nhiều khả năng bé đang bị căng thẳng hoặc có thể bé vừa gặp ác mộng.

Nguyên nhân tiêu hóa: Bé bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc bị đầy hơi, khó tiêu… sẽ rất khó chịu và rất dễ giật mình dậy giữa đêm. Với những bé này, nếu trào ngược không được bố mẹ để mắt đến sẽ rất dễ bị sặc ngược. Do đó, tốt nhất sau khi cho bé bú, nên bế bé thẳng và nghỉ ngơi 15 phút trước khi nằm vào nôi trở lại. Hoặc có thể vỗ lưng để giúp bé ợ hơi, tránh khí dư làm bụng bé ọc ạch và trào ngược.

Tiếng ồn: Khi bước ra thế giới đầy lạ lẫm bên ngoài bụng mẹ, lần đầu tiên bé biết nó ồn ào đến thế. Nào là tiếng đóng, mở cửa, nào là tiếng chuông điện thoại, nào là tiếng chó sủa, nào là tiếng nhạc khởi động máy tính… Cuộc sống vốn khá yên tĩnh và nhẹ nhàng của bé từ khi còn trong bụng mẹ bỗng chốc bị đảo lộn. Bé bất an và phản xạ giật mình xảy ra như một bản năng cơ bản để bảo vệ bản thân.

Bỉm ướt hoặc bé đói: thực tế, đây là nguyên nhân dễ nhận biết nhất. Vì thế, khi trẻ đang ngủ mà giật mình và khóc thét lên, việc đầu tiên ba mẹ cần làm là kiểm tra xem tã bỉm của con có bị ướt không hoặc đã đến giờ con cần ăn chưa.

Do bị còi xương: Trẻ còi xương do thiếu canxi với các dấu hiệu như chậm mọc răng, ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn… cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay giật mình khi ngủ. Cách khắc phục tốt nhất là cho trẻ tắm nắng thường xuyên để bổ sung vitamin D cho bé.

tre-hay-khoc-dem

Cách giải quyết cho cha mẹ khi bé khóc đêm

Hãy cố gắng an ủi và để bé cảm thấy được an toàn ngay cả khi ngủ. Bằng cách :

  • Tránh đánh thức bé mà chỉ cần âu yếm, ngủ cạnh bé cho đến khi bé ngủ trở lại bình thường.
  • Nếu bé vẫn chưa thể ngủ được và cứ khóc, hãy cố gắng tiếp tục dỗ dành, ôm ấp, nói chuyện nhẹ nhàng hoặc hát ru.

Đồng thời, bạn cũng nên :

  • Đảm bảo nhiệt độ phòng thích hợp.
  • Cho bé mặc đủ ấm khi ngủ đêm, đừng quấn quá chặt vì thân nhiệt trẻ sơ sinh vẫn chưa thể ổn định.
  • Tắt hết đèn khi bé ngủ và nếu dùng đèn ngủ phải dùng màu tối và dịu.
  • Sau khi bú cữ đêm, cho bé đứng chơi và thư giãn một lúc trước khi ngủ để tránh trào ngược.
  • Đặt bé xuống nôi ngay khi bé thiu thiu giấc thay vì để bé ngủ say.
  • Cho trẻ tắm nắng thường xuyên và mẹ cho bé bú cũng phải ăn uống đầy đủ các thực phẩm giàu vitamin D.
  • Bé được ăn đủ no, đã đi vệ sinh trước khi đi ngủ.
  • Không bật tivi, nói chuyện to khi bé chuẩn bị đi ngủ.

Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra xem bé có đang gặp vấn đề gì về sức khỏe hay là không. Chẳng hạn như : đau bụng, khó tiêu, cảm cúm, cảm lạnh,…

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: NTNL