Một bà mẹ ôm con trai Bảo Bảo mới 6 tháng tuổi vội vã đến bệnh viện trong đêm. Nguyên nhân là do hai ngày Bảo Bảo không đi tiểu, bụng trướng to. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện bé bị sỏi thận. Sau khi tìm hiểu thói quen ăn uống của trẻ, bác sĩ chỉ ra rằng thủ phạm khiến bé trai 6 tháng tuổi đã bị sỏi thận là do ăn dặm sai cách.
Trong lúc mẹ Bảo Bảo đi làm, bà là người ở nhà chăm sóc bé. Cho rằng sữa công thức không đủ dinh dưỡng nên từ lúc 3 tháng tuổi bà đã cho cháu ăn dặm, uống thêm nước ép hoa quả. Bà còn nêm muối vào thức ăn vì cho rằng như vậy mới đậm đà, kích thích khẩu vị của cháu.
Cho trẻ ăn dặm quá sớm
Đây là một trong những sai lầm khi cho trẻ ăn dặm mà người lớn nên tránh.
Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ làm ảnh hưởng hệ tiêu hóa của trẻ. Ở thời điểm dưới 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển toàn diện, việc bổ sung đồ ăn ngoài sữa mẹ sẽ làm tăng gánh nặng nên hệ tiêu hóa và gan, thận làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Mẹ chỉ nên cho trẻ ăn dặm khi đã được 6 tháng tuổi.
Thêm muối vào đồ ăn dặm của trẻ
Trong quá trình ăn dặm cần chú ý, không nêm muối vào đồ ăn. Các chuyên gia nhi khoa giải thích rằng, muối sẽ làm tăng thêm gánh nặng lên thận của trẻ. Trẻ nạp quá nhiều muối vào cơ thể ngay từ khi còn nhỏ có thể bị sỏi thận, suy thận. Natri trong muối còn rút bớt canxi trong cơ thể bé làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.
Thức ăn không phù hợp với trẻ
Thực đơn ăn dặm của trẻ cần đa dạng, cân đối 4 nhóm thực phẩm là chất bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả.
Mẹ cần tránh những sai lầm sau đây:
- Cho bé ăn quá nhiều thịt, cá, trứng vì đây là những thực phẩm nhiều đạm có thể khiến bé rối loạn tiêu hóa, dẫn đến chứng biếng ăn và chậm cao ở trẻ.
- Cho con ăn ít rau hoặc có ăn thì chỉ cọn các loại củ như cà rốt, khoai tây, su hào... mà bỏ qua các loại rau xanh lá như rau muống, rau ngót...
- Chỉ dùng nước hầm xương, nước rau củ để nấu cháo/bột mà không biết các dưỡng chất chủ yếu nằm trong phần xác của thực phẩm.
- Không cho trẻ ăn chất béo từ dầu mỡ sẽ làm trẻ thiếu đi năng lượng, thiếu các vitamin tan trong chất béo.