Sáng 4/6, ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình buồn bã cho biết, mặc dù các đội ngũ y bác sỹ đã tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng bệnh nhân thứ 8 trong số 18 bệnh nhân đang chạy thận đã tử vong. Bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên (46 tuổi, trú tại Tiểu khu 12, Thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình) đã tử vong lúc 2h40 rạng sáng 4/6.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP Hòa Bình, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Phòng Khoa học kỹ thuật hình sự của công an tỉnh này đã có mặt tại bệnh viện để làm các thủ tục pháp y cần thiết.
Rạng sáng 4/6, đoàn công tác Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng đã từ Hà Nội lên Hòa Bình để phối hợp với lực lượng pháp y Công an tỉnh Hòa Bình để tiến hành công tác khám nghiệm tử thi, phục vụ điều tra.
Trước đó, sáng 29/5, 18 người đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bất ngờ có dấu hiệu bất thường. 7 người lần lượt tử vong, một người nguy kịch. 10 bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định và hiện được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai.
Trong thời gian chờ kết quả điều tra, các bệnh nhân chạy thận tại tỉnh Hòa Bình tạm thời được các bệnh viện Hà Nội tiếp nhận.
Liên quan đến vụ việc, chiều tối 2-6, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ký công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ, ngành về việc đảm bảo an toàn cho người chạy thận nhân tạo.
Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng Hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo;
Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận; các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.
Trước đó, vào sáng 2/6, trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Đăng Ninh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cho biết, những sai phạm của ông Trương Quý Dương trước đây đã được thanh tra và có kết luận cụ thể.
Về câu hỏi vì sao ông Trương Quý Dương trước đây có sai phạm nhưng vẫn thăng tiến lên làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Ninh cho biết, trước mắt các cơ quan chức năng đang tập trung giải quyết sự cố y khoa hy hữu khiến 7 người tử vong tại bệnh viện này. Còn những việc thanh tra các sai phạm liên quan đến ông Dương đã xảy ra lâu, đã có kết luận cụ thể đồng thời cũng đã công bố và xử lý.
Ông Ninh cũng cho biết, hiện tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân của vụ việc khiến 7 người tử vong. Bản thân ông Dương cũng đã lên tiếng xin lỗi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định sau khi xác định nguyên nhân, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó.
"Còn việc bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình của ông Dương, tỉnh sẽ xem xét sau khi xác định nguyên nhân tử vong của 7 người sau chạy thận. Vì việc này bổ nhiệm lâu rồi, hiện tỉnh cũng chưa xem xét", ông Ninh nói.