Tìm hiểu chính sách Thuế, Phí có hiệu lực từ đầu tháng 6/2017

( PHUNUTODAY ) - Trong tháng 6 này, rất nhiều các chính sách mới được ban hành nhằm tăng hiệu quả lao động cũng như trong quá trình điều thực hiện, giám sát.

 Tìm hiểu chính sách Thuế, Phí có hiệu lực từ đầu tháng 6/2017

1.Rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 31/2017/TT-BTC(có hiệu lực từ ngày 02/6/2017) sửa đổi Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT. Theo đó, thực hiện hoàn thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 1 ngày làm việc (quy định hiện nay là trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được:

+ Lệnh hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước; hoặc

+ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ Khoản thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế chuyển đến.

2. Năm 2017 sẽ đấu giá hạn ngạch nhập khẩu 89.500 tấn đường

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 05/2017/TT-BCT quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017. Theo đó, lượng đường đấu giá (Mã HS 1701) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2017 là 89.500 tấn.

Thông tư 05/2017/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 05/6/2017 đến ngày 31/12/2017.

3. Phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

9.chinh-sach-thue-phi-thu-le-phi-thang-6-nam-2017-phunutoday.vn

 

Thông tư 34/2017/TT-BTC quy định cụ thể mức thu phí thẩm định cấp mới, cấp bổ sung giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, gồm có:

+ Mức phí đối với hồ sơ do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thẩm định.

+ Mức phí đối với hồ sơ do Sở Tài nguyên và môi trường thẩm định.

4. Đã có biểu phí thẩm định phương án cải tạo môi trường 2017

Thông tư 35/2017/TT-BTC ấn định biểu mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do Trung ương thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 19/2015/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 10/6/2017.

Theo đó, các dự án có phương án cải tạo, phục hồi và báo cáo đánh giá tác động môi trường không cùng một cơ quan phê duyệt (trường hợp I) phải chịu mức phí cao gấp khoảng 1,5 lần so với cùng một cơ quan (trường hợp II). Đơn cử như sau:

+ Các dự án có tổng vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống thì mức phí thẩm định là 6 triệu đồng (trường hợp I), 4 triệu đồng (trường hợp 2).

+ Các dự án có tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng thì mức phí thẩm định là 61 triệu đồng (trường hợp I), 40,7 triệu đồng (trường hợp 2).

Nội dung chi tiết của Thông tư 35 được Chính phủ ban hành:

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp phí; tổ chức thu phí; tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thu, nộp phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.

Điều 2. Người nộp phí và tổ chức thu phí

1. Người nộp phí là các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.

Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nộp hồ sơ đề nghị thẩm định. Phí nộp trực tiếp cho tổ chức thu hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức thu phí thẩm định theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Mức thu phí

Mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Kê khai, nộp phí

1. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán theo năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ. Tổ chức thu phí nộp số tiền phí theo tỷ lệ quy định tại Điều 5 Thông tư này vào ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương) theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.

Điều 5. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thuộc diện khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí thì được trích để lại 90% tổng số tiền phí thẩm định thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước. Tiền phí được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện thẩm định và thu phí, bao gồm cả: Chi phí kiểm tra, đánh giá tại cơ sở, tại địa điểm thực hiện dự án và tổ chức họp của hội đồng thẩm định (chi lấy ý kiến, bản nhận xét thẩm định, báo cáo thẩm định); mức chi theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Điều 6. Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2017.

2. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí thẩm định không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link