Tại phòng 101, Khoa Nhiễm - thần kinh, hầu hết bệnh nhi (BN) đều phát ban đỏ toàn thân, nguyên nhân chủ yếu do BN không chích vắc-xin ngừa sởi hoặc do chưa đến tuổi chích ngừa. Đặc biệt, có hai trẻ ba tuổi và năm tuổi đang học tại các trường mẫu giáo.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi Đồng 1 - khuyến cáo, sau nhiều năm không thấy trẻ nhập viện do bệnh sởi thì hai-ba tuần nay, số trẻ mắc bệnh sởi đã lên đến 10 ca; đặc biệt, trong cùng một ngày đã có đến sáu trẻ nhập viện do bệnh sởi, trong khi mùa cao điểm của sởi rơi vào tháng Hai - tháng Sáu". Tương tự, tại Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận rải rác khoảng 10 trẻ mắc bệnh sởi, trong khi những năm trước không có trẻ mắc bệnh này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo: Để ngừa bệnh sởi, phụ huynh cần cho trẻ đi chích ngừa lúc chín tháng tuổi và chích nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Người không chích ngừa, chắc chắn sẽ mắc bệnh. Nếu mắc bệnh sởi lúc đang mang thai thì có thể dọa sinh non, sẩy thai. Ở một số nước, do tỷ lệ trẻ mắc sởi dưới chín tháng tuổi cao nên đã triển khai chích ngừa từ lúc sáu tháng tuổi, nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này rất ít, việc chích ngừa vắc-xin sởi lúc chín tháng tuổi là hiệu quả hơn cho trẻ.
Trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị tại BV Nhi Đồng 1.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh sởi do vi-rút gây ra, lây qua đường hô hấp. Lúc người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán vi-rút lây truyền bệnh ra xung quanh. Bệnh có những biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa gây điếc... Các triệu chứng của bệnh sốt ngày càng tăng, mệt mỏi, biếng ăn, ho, chảy mũi, đỏ mắt. Vị trí phát ban thường sau tai, chân tóc đến mặt, tay chân... Sau năm-bảy ngày, ban sẽ "bay" dần để lại vết thâm da. Người bệnh thường được uống thuốc hạ sốt, chăm sóc vệ sinh răng miệng, uống vitamin A, ăn thức ăn lỏng...