Những kiến trúc cổ còn lưu lại đã xuống cấp theo thời gian. Qua 160 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM được xác lập kỷ lục là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam.
“Nhiều thế hệ trong gia đình chúng tôi đã gửi gắm sức khỏe, sinh mạng của mình cho các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Sự phát triển lâu đời của bệnh viện đã tạo nên đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn và tận tâm với người bệnh. Tranh thủ vào thăm người thân, tôi đến thắp nén nhang tưởng nhớ cố Tổng bí thư Trần Phú” – ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ tại Quận 5 TPHCM chia sẻ.
Bệnh viện Chợ Quán là tên gọi đầu tiên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, thành lập và đi vào hoạt động vào năm 1861.
Chia sẻ về lịch sử của bệnh viện, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết, năm 1860 người Pháp lấy khu đất rộng hơn 5 ha tại làng Chợ Quán, nằm giữa Sài Gòn - Chợ Lớn, phía trước có kênh Bến Nghé chảy qua (nay gọi là kênh Tàu Hủ) để xây dựng một bệnh viện với khoảng 250 giường và lấy tên là Bệnh viện Chợ Quán.
Ngày 13/2/1861, bệnh viện chính thức mở cửa. Một năm sau, ngày 10/2/1862, hải quân Pháp tiếp nhận quản lý và đến ngày 1/1/1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền dân sự.
Từ năm 1862 – 1875, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh hoa liễu và người tù bị bệnh.
Những kiến trúc cổ trong khuôn viên bệnh viện đang dần xuống cấp theo thời gian bên cạnh các tòa nhà cao tầng mọc như nấm xung quanh bệnh viện.
Từ 1876 – 1904 bệnh viện được sửa chữa và xây thêm, ngoài 110 giường cho người tù bị bệnh và 20 giường dành cho bệnh nhân bệnh hoa liễu, bệnh viện được bổ sung 6 phòng bệnh truyền nhiễm, phòng phẫu thuật và phòng sinh.
Đến năm 1908, Bệnh viện Chợ Quán trở thành bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, phong và tâm thần.
Từ 1954 -1957, bệnh viện được giao cho quân đội chính quyền Sài Gòn sử dụng 2/3 cơ sở để làm nơi điều trị bệnh lao cho binh lính và đổi tên thành Viện bài lao Ngô Quyền. Cuối năm 1957, bệnh viện được trả về cho dân sự, lấy lại tên ban đầu là Bệnh viện Chợ Quán, tiếp tục nhận điều trị các bệnh truyền nhiễm, phong, tâm thần, đồng thời tiếp nhận lại sinh viên thực tập chuyên khoa tâm thần.
Năm 1972, khu nhà chính 6 tầng của bệnh viện được xây dựng trên diện tích 12.126 m2 với sự trợ giúp của Hàn Quốc.
Ngày 1/5/1975, bệnh viện được Ban Y tế Xã hội Miền Nam thuộc Ủy Ban Quân Quản tiếp nhận và quản lý, lấy lại tên Bệnh viện Chợ Quán.
Bệnh viện đã nhiều lần thay đổi tên gọi trước khi được UBND TPHCM đặt thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.
Ngày 4/8/1979, theo quyết định của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Quán được giao nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch, huấn luyện đào tạo chuyên khoa cho TPHCM và các tỉnh phía Nam. Năm 2002 UBND TPHCM có quyết định đổi tên thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới như hiện nay.
Gắn liền với những biến động lịch sử của đất nước qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ là khu trại giam nằm trong khuôn viên bệnh viện. Đây là khu nhà ban đầu dành để cách ly những bệnh nhân tâm thần, sau đó được cải tạo lại thành nơi giam giữ, điều trị cho những người tù bị bệnh bao gồm cả tù thường phạm lẫn tù chính trị.
Ngày 26/8/1931 đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) sau khi bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man đến lâm trọng bệnh nhưng kiên quyết không khai báo, đã bị đưa đến khu nhà giam này. Đến ngày 6/9/1931 đồng chí Trần Phú đã hy sinh sau khi để lại lời nhắn nhủ: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu”.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết hiện nay, mỗi ngày tại đây tiếp nhận gần 2.000 lượt khám chữa bệnh ngoại trú và trên dưới 600 bệnh nhân nội trú. Tuy nhiên, khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chật hẹp đã xuống cấp trầm trọng. UBND TPHCM đang khẩn trương thực hiện dự án xây dựng, cải tạo mới Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.