Theo Y học cổ truyền rau mùi tàu có vị cay hơi đắng, thơm, tính ấm, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, kiệm tỳ, hành khí tiêu thũng, giảm đau. Để làm thuốc có thể dùng toàn bộ cây rau mùi tàu (tươi hay phơi khô), thu hái quanh năm.
Trị đầy hơi, ăn không tiêu
Dùng 50g lá mùi tàu, rửa sạch, thái dài khoảng 3 – 4cm. Gừng tươi: 10g đập dập. Tất cả sắc với 400ml nước, còn 200ml, chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi lần dùng cách nhau 3 tiếng.
Trị mụn
Với trẻ nhỏ, khi nổi mụn đỏ ngứa ở vùng mặt thì lấy rau mùi tàu tươi, liều dùng nhiều ít tùy vùng bệnh. Giã nát, ép lấy nước cốt bôi. Với người lớn bị mụn bọc và mụn trứng cá thì lấy 1 muỗng nước ép ngò gai trộn chung 1 nhúm bột nghệ, rửa mặt thật sạch rồi bôi hỗn hợp này lên mặt mỗi tối trước khi đi ngủ. Bài thuốc này còn giúp tươi nhuận da nên dùng tốt cho những người có da khô.
Mùi tàu trị cảm cúm
Dùng 40g mùi tàu, 10g gừng tươi, cúc tần, ngải cứu mỗi thứ 20g sắc với 400ml nước. Gừng đập dập, các vị thuốc thái nhỏ đem sắc còn 100ml nước. Chia làm 2 lần uống. Chú ý sau khi uống nên nằm đắp chăn để ra mồ hôi.
Trị nám da
Lấy mùi tàu thái vụn, nhỏ rồi lấy nước ấm và ngâm trong vòng 2 tiếng, sau đó lọc bã và lấy nước đó thoa đều lên mặt trong khoảng 15 – 20 phút, mỗi ngày thực hiện 2 lần lúc rửa mặt sáng sớm và lúc chuẩn bị đi ngủ.
Tiến hành đều đặn quá trình này trong khoảng 3 tuần – 1 tháng thì các dấu hiệu của nám sẽ được cải thiện một cách rõ rệt.
Mùi tàu chữa đái dầm
Mùi tàu, cỏ mần trầu, rau ngổ mỗi thứ 20g, cỏ sữa 10g tất cả đem thái nhỏ, phơi khô, sắc lấy nước uống sau bữa ăn chiều. Dùng 3-4 ngày bệnh sẽ giảm.
Một số lưu ý khi ăn rau mùi tàu
- Hạn chế dùng rau mùi cho phụ nữ mang thai, các bệnh nhân bị hen phế quản hoặc viêm phổi mãn tính.
- Người có bệnh bao tử thì nên xay hoặc nấu nước uống tốt hơn là ăn lá tươi, nhất là lá già.
- Tinh dầu có nhiều trong lá và hạt rau mùi có tính gây kích ứng da, vì vậy những người tiếp xúc thường xuyên với lá và hạt rau mùi cần chú ý mang găng tay khi tiếp xúc.