Bí ẩn ba huyệt mộ theo phong thủy tại quê Tưởng Giới Thạch (II)

07:37, Thứ ba 13/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Nhắc tới chuyện mời thầy phong thủy chọn huyệt mộ cho chính mình của Tưởng Giới Thạch, người ta thường nhắc tới Nam Kinh với tòa Chính Khí Đình được Tưởng xây dựng trên dãy Kim Tử Sơn.

(Phunutoday) - Nhắc tới chuyện mời thầy phong thủy chọn huyệt mộ cho chính mình của Tưởng Giới Thạch, người ta thường nhắc tới Nam Kinh với tòa Chính Khí Đình được Tưởng xây dựng trên dãy Kim Tử Sơn. Tuy nhiên, người ta mới phát hiện ra rằng, trước khi chọn mộ trên dãy Kim Tử Sơn, Tưởng Giới Thạch cũng đã từng mời thầy phong thủy chọn tới ba vị trí đặt huyệt mộ của mình tại quê nhà ở Chiết Giang…

1. Hầu hết mọi người đều cho rằng, quê của Tưởng Giới Thạch là ở Chiết Giang. Kỳ thực, nếu truy ngược về nguồn gốc của vị quân phiệt họ Tưởng, thì quê hương của Tưởng Giới Thạch phải là Giang Tô. Theo gia phả họ Tưởng thì tổ tiên Tưởng Giới Thạch từng sống ở Nghi Hưng, thuộc tỉnh Giang Tô. Cũng theo gia phả này thì Tưởng Giới Thạch vốn tên là Tưởng Trung Chính. Trong các văn bản chính thức, đều dùng tên này. Tên khi đi học của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Chí Thanh, còn Giới Thạch thì ai cũng biết chỉ là tên tự của vị quân phiệt này mà thôi. Người Trung Quốc gọi ông ta là Tưởng Giới Thạch cũng là một cách tôn trọng vị quân phiệt này, bởi nếu như gọi đích danh là Tưởng Trung Chính thì đối với họ là một sự thất lễ.

Tưởng Giới Thạch sinh ở thị trấn Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang, nằm cách huyện thành khoảng 30 dặm đường. Ở phía Đông của thị trấn Khê Khẩu có một ngọn núi tên là Vũ Lĩnh, vì vậy, có lúc, người ta thấy Tưởng tự xưng mình là Vũ Lĩnh Tưởng Thị (nghĩa là họ Tưởng ở núi Vũ Lĩnh).

Tưởng Giới Thạch
Tưởng Giới Thạch

Khi Tưởng Giới Thạch đã trở thành người có quyền lực, giàu sang phú quý, vinh quy bái tổ trở về đã xây dựng ở phía Đông của thị trấn Khê Khẩu một cổng chào gọi là Vũ Linh Môn (Cổng Vũ Lĩnh). Sau khi cổng xây dựng xong, Tưởng Giới Thạch còn đặc biệt mời Vu Hữu, một “nguyên lão” của Quốc Dân đảng viết cho mình hai chữ Vũ Lĩnh. Điều đó chứng tỏ Tưởng Giới Thạch đặc biệt quan tâm đến cánh cổng này.

Vì sao nhà quân phiệt họ Tưởng lại quan tâm đến cảnh cổng Vũ Lĩnh này đến như vậy? Nguyên nhân thực sự không phải vì sự khoe mẽ kiểu “áo gấm vinh quy” mà là vì “long mạch” ở thị trấn Khê Khẩu.

Ở chân ngọn Vũ Lĩnh, nơi cổng phía Đông của Khê Khẩu là núi Đàm Đôn, phía Nam là ngọn núi hình giá bút gọi nên gọi là Bút Giá Sơn. Trong phong thủy học, nơi đây chính là một vùng đất cực kỳ tốt, vùng đất xuất hiện những “quý nhân”, nói một cách văn nhã thì gọi là “địa linh nhân kiệt”. Điều đáng nói chính là, cổng chính ngôi nhà của dòng họ Tưởng ở Khê Khẩu lại nằm đối diện với Bút Giá Sơn.

Các thầy phong thủy nói rằng, “ở đối diện với Bút Giá Sơn, con cháu đời đời sẽ làm quan”. Về sau này, Tưởng Giới Thạch thực sự làm quan, mà là làm quan to. Người dân ở Khê Khẩu kể rằng, năm đó, Tưởng Giới Thạch muốn mở rộng căn nhà của tổ tiên, định phá bỏ cánh cổng cũ của căn nhà để xây lại. Tuy nhiên, thầy phong thủy không cho nói rằng, cổng cũ đã được xây dựng ở vị trí rất tốt, vừa vặn nằm đối diện với Bút Giá Sơn, không cao cũng không thấp, nếu như phá bỏ, e sẽ động tới “long mạch”. Tưởng Giới Thạch vì thế mới không phá bỏ cánh cổng cũ.

2. Ngoài Bút Giá Sơn thì Đàm Đôn Sơn cũng là một nơi “bảo địa”. Vì vậy, vào thời Ung Chính, nhà Thanh, người ta đã cho xây dựng một ngôi đình trên đỉnh núi có tên là “Văn Xương Các”. Vì sao lại phải tốn công xây dựng một tòa các trên đỉnh môt ngọn núi hoang vu như Đàm Đôn Sơn? Nguyên nhân bắt nguồn từ phong thủy. Người ta tin rằng, “long mạch” của thị trấn Khê Khẩu nằm tại ngọn Đàm Đôn, hình thái giống như phục hổ uống nước. Vì vậy, việc xây dựng Văn Xương Các sẽ giúp khóa chặt phong thủy của Khê Khẩu.

Tưởng Giới Thạch vốn rất tin vào chuyện phong thủy nên rất tin vào tác dụng phong thủy của Văn Xương Các. Vì vậy, sau khi ngôi các này bị phá hoại, vào năm 1924, Tưởng Giới Thạch đã cho người xây dựng lại ngôi đình này. Khi đó, Tưởng Giới Thạch trở về Khê Khẩu với thân phận hiệu trưởng của trường quân sự Hoàng Phố. Khi thấy Văn Xương Các bị tàn phá bởi mưa bão mới quyết định xây dựng lại. Do lần đó phải vội dời đi nên Tưởng Giới Thạch giao cho người anh cùng cha khác mẹ của mình là Tưởng Giới Khanh giúp mình tu sửa. Sau khi tòa các được tu sửa xong, Tưởng Giới Thạch đổi tên từ Văn Xương Các thành Lạc Đình.

Tuy nhiên, cả Bút Giá Sơn lẫn Đàm Đồn Sơn đều không phải là hai nơi Tưởng Giới Thạch coi trọng nhất về phong thủy. Nơi mà nhà quân phiệt mê phong thủy này “chung tình” nhất chính là Tuyết Đậu Sơn ở Chiết Đông. Trên đỉnh của ngọn núi này có một ngôi chùa rất nổi tiếng, gọi là chùa Tuyết Đậu. Thời xưa, nhà Tống bị quân Kim tấn công, phải rút chạy về Giang Nam, định đô ở Hàng Châu, Tuyết Đậu Sơn trở thành địa điểm du ngoạn ưa thích của các ông vua thời Nam Tống. Tới mức, vua Tống Lý Tông Triệu Vân tự mình gọi ngọn núi này là “Ngọn núi trong mộng”. Cũng giống như các hoàng đế Nam Tống, Tưởng Giới Thạch rất nhiều lần lên núi này.

Cổng Vu Linh
Cổng Vu Linh

Tưởng Giới Thạch từng nói với con trai của mình là Tưởng Kinh Quốc rằng, sau khi mình chết đi thì có thể chôn ở hai nơi, một là Chính Khí Đình ở cạnh lăng mộ Tôn Trung Sơn. Hai chính là tại quê nhà ở Phụng Hóa. Tuy nhiên, địa điểm được Tưởng Giới Thạch lựa chọn để đặt mộ ở quê nhà không phải là nơi đặt mộ của mẹ mình, một địa điểm được Tưởng Giới Thạch mời rất nhiều thầy phong thủy để lựa chọn mà chính là tại Diệu Cao Đài, nằm sát bên cạnh chùa Tuyết Đậu.

Vì sao Tưởng Giới Thạch lại chọn Diệu Cao Đài? Lý do đương nhiên chính là Diệu Cao Đài là nơi lý tưởng để đặt một theo cách tính toán của các nhà phong thủy. Trên thực tế, Diệu Cao Đài nằm trên một đỉnh khác của dãy núi Tuyết Đậu, ở độ cao trên 700 mét so với mực nước biển. Trên đỉnh núi có một bãi đất phẳng, chiều dài Đông – Tây khoảng 15 mét còn chiều dài theo hướng Bắc – Nam dài 30 mét. Nếu như đứng ở trên điểm cao nhất của Tuyết Đậu Sơn sẽ chỉ nhìn thấy bãi đất phẳng này chứ không nhìn thấy đỉnh nhọn của núi.

Thế nhưng, nếu đứng ở nơi thấp hơn thì chỉ có thể nhìn thấy ngọn núi chứ không thể nhìn thấy bãi đất phẳng này. Nơi đây cây cối xanh tốt, phong cảnh hữu tình, là một nơi nghỉ mát lý tưởng. Vào năm 1928, Tưởng Giới Thạch còn cho xây dựng một căn biệt thự nhỏ tại đây để cùng Tống Mỹ Linh về đây nghỉ mát.

Lạc Đỉnh
Lạc Đỉnh
Theo như ghi chép của “Tưởng Giới Thạch gia thế” thì từ năm 8 tuổi, Tưởng Giới Thạch lên núi Tuyết Đậu đã thích đỉnh Diệu Cao này rồi. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, tại Diệu Cao Đài có ngôi mộ của một vị cao tăng. Vì vậy, căn biệt thự của Tưởng Giới Thạch buộc phải xây dựng ở bên cạnh ngôi mộ này. Đây là vị trí huyệt mộ đầu tiên tại quê nhà mà Tưởng Giới Thạch lựa chọn.

3. Vị trí huyệt mộ thứ 2 mà Tưởng Giới Thạch lựa chọn liên quan đến vị trí ngôi mộ của mẹ ruột Tưởng Giới Thạch – Vương Thái Ngọc. Mẹ đẻ của Tưởng Giới Thạch vốn chỉ là vợ ba của cha Tưởng, Tưởng Triệu Thông. Khi Tưởng Triệu Thông qua đời vào năm 1895, mộ của ông ta chừa lại 3 vị trí để dành cho 3 người vợ của mình. Tuy nhiên, khi Vương Thái Ngọc bệnh nặng, bà gọi Tưởng Giới Thạch đến bên nói rằng mình không muốn chôn cạnh Tưởng Triệu Thông. Tưởng Giới Thạch là đứa con rất thương mẹ, vì vậy, ngay lập tức đã cho gọi thầy phong thủy về Khê Khẩu tìm vị trí đặt một cho mẹ mình.

Sau khi đã cân đi nhắc lại, cuối cùng thầy phong thủy cũng chọn cho Tưởng Giới Thạch một vị trí trên núi Bạch Nham, cách nhà họ Tưởng khoảng 3 dặm làm nơi đặt mộ cho Vương Thái Ngọc. Việc chọn phong thủy cho ngôi mộ của mẹ khiến Tưởng phải lui thời gian mai táng mẹ lại suốt nhiều tháng liền. Địa hình trên núi Bạch Nham giống như hình dáng Phật Di Lặc. Vị trí mộ của bà Vương Thái Ngọc được đào ngay tại phần rốn của “Phật”. Theo giải thích của thầy phong thủy, vị trí chôn cất đó giúp con cháu dòng họ Tưởng thịnh vượng về sau.

Điều đáng nói chính là, sau khi đã hoàn tất chôn cất mẹ mình, vào tháng 5/1923, Tưởng Giới Thạch đã cho xây dựng một ngôi am nhỏ gọi là Từ Am. Đây là nơi đặt bài vị tổ tiên của dòng họ Tưởng, cũng là một nhà kỷ niệm cho Vương Thái Ngọc. Theo những gì nhiều người kể lại thì Tưởng Giới Thạch nói rằng, nếu như sau này không đặt mộ được tại Kim Tử Sơn ở Nam Kinh sẽ chôn ở bên cạnh Từ Am để có thể ngày đêm hầu hạ mẹ già. Từ Am là vị trí đặt mộ bí mật thứ hai mà Tưởng Giới Thạch đã dày công suy tính và lựa chọn.

Ngoài Diệu Cao Đài và Từ Am, tại Khê Khẩu, Tưởng Giới Thạch còn để ý tới một địa điểm khác gọi là gò Hưởng Linh nằm ở phía Bắc của thành Phụng Hóa. Gò Hưởng Linh địa thế cao ráo, cảnh sắc thanh tịnh, trong lành, lại thêm địa thế phong thủy rất tốt, vì vậy Tưởng Giới Thạch từng cho xây dựng hẳn một con đường thông từ Khê Khẩu lên ngọn đồi này. Đây cũng là một vị trí đặt mộ mà Tưởng Giới Thạch đã lựa chọn ngay tại quê nhà dựa vào tính toán của các nhà phong thủy.

Như vậy, nếu tính vị trí tại Chính Khí Đình nằm trên đỉnh Kim Tử Sơn, gần lăng mộ của Tôn Trung Sơn, thì Tưởng Giới Thạch đã nhắm trước cho mình tới 3 vị trí huyệt mộ khác tại quê nhà. Điều này khiến nhiều người băn khoăn, vậy trong một tình huống giả định nếu như một ngày nào đó mộ của Tưởng Giới Thạch được đưa về đại lục, Tưởng Giới Thạch rốt cuộc sẽ chọn nơi nào làm vị trí đặt mộ của mình? Câu trả lời e sẽ là cực kỳ nan giải.

Hải Phong
[links()]


Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc