Bí ẩn ngôi làng người lùn: Lời nguyền rùa đen hay sự thật về căn bệnh di truyền?

08:22, Thứ bảy 15/06/2024

( PHUNUTODAY ) - Nằm tại tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Nam Trung Quốc, làng Yangsi đã làm các nhà khoa học phải đau đầu trong nhiều thập kỷ, bởi 40% dân số của ngôi làng này mắc chứng lùn. Điều gì gây ra hiện tượng này?

Căn bệnh bí ẩn bao vây dân làng

Ngôi làng nhỏ bé Yangsi, nằm cách biệt ở phía tây nam xa xôi của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, được bao quanh bởi dãy núi trùng điệp và những cánh đồng lúa bát ngát. Cuộc sống bình yên và hạnh phúc của cư dân nơi đây đã bị đảo lộn vào một đêm hè năm 1951 bởi một căn bệnh bí ẩn. Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em từ 5 đến 7 tuổi, khiến các em ngừng phát triển và duy trì chiều cao suốt phần đời còn lại. Ngoài việc không cao lên, một số trẻ em còn phải đối mặt với nhiều dạng khuyết tật khác nhau.

Một cuộc thống kê vào năm 1985 đã phát hiện ra 119 trường hợp ngừng phát triển chiều cao trong làng. Căn bệnh bí ẩn này tiếp tục ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Đến năm 2014, trong số 80 cư dân của làng, có 36 người mắc chứng lùn. Trong số đó, người cao nhất chỉ đạt chiều cao 117 cm, còn người thấp nhất chỉ cao 64 cm.

Nhiều giả thuyết khác nhau đã được đề xuất để lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Ngôi làng nhỏ bé Yangsi, nằm cách biệt ở phía tây nam xa xôi của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

Ngôi làng nhỏ bé Yangsi, nằm cách biệt ở phía tây nam xa xôi của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

Theo lời kể của già làng Luo Luodhan, vào những năm 1930, người dân trong làng thường xuyên cảm thấy đau nhức ở các khớp như hông, đầu gối và mắt cá chân. Sau khi những cơn đau này xuất hiện liên tục, họ ngừng phát triển chiều cao. Tình trạng bệnh lý kỳ lạ này kéo dài đến khoảng năm 1954 rồi mới dần giảm bớt. Tuy nhiên, vào những năm 1960 và 1970, thanh thiếu niên trong làng lại bắt đầu trải qua các cơn đau khớp tương tự.

Người dân trong làng cũng nhận thức rằng đây là một căn bệnh di truyền, nhưng do trình độ y tế thời bấy giờ còn hạn chế, nguyên nhân chính xác của căn bệnh kỳ lạ này vẫn chưa được xác định.

Nhiều chuyên gia cho rằng căn bệnh này chính là "bệnh lùn". Trên thế giới đã phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh này, tuy nhiên, không nơi nào có mật độ tập trung cao như tại làng Yangsi.

Nhiều chuyên gia cho rằng căn bệnh này chính là

Nhiều chuyên gia cho rằng căn bệnh này chính là "bệnh lùn"

Vào tháng 1 năm 2008, Cục Y tế huyện Tư Trung đã ủy quyền cho Bệnh viện Nhân dân huyện thực hiện kiểm tra X-quang đối với những người mắc bệnh lùn ở làng Yangsi. Kết quả phim chụp X-quang cho thấy rõ ràng các khớp trong cơ thể không chỉ bị dị tật, mà khe hở giữa khớp háng và chỏm xương đùi hoàn toàn không tồn tại, chúng được dính chặt với xương chậu. Những biến đổi này trong cấu trúc cơ thể đã hạn chế sự phát triển, biểu hiện chính là sự ngừng tăng chiều cao.

Các chuyên gia đã quyết tâm đến làng Yangsi để nghiên cứu nguyên nhân. Sau khi tổng hợp các tài liệu lịch sử và tiến hành các chuyến khảo sát thực địa, họ đưa ra giả thuyết rằng nguyên nhân khiến dân làng ở đây trở nên thấp bé có thể liên quan đến chế độ ăn uống từ những năm 1930.

Theo các ghi chép, vào những năm 1930, tỉnh Tứ Xuyên có lượng mưa tăng cao, điều kiện sống kém, và các loại cây trồng như lúa mì, khoai lang, ngô mà dân làng Yangsi thu hoạch rất dễ bị nấm mốc, đặc biệt là loại nấm Fusarium. Thời điểm đó, ý thức về vệ sinh còn hạn chế và điều kiện kinh tế chưa phát triển, khiến dân làng thường xuyên phải tiêu thụ một số thực phẩm bị mốc.

Loại nấm Fusarium khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ sản sinh ra độc tố tích tụ, ức chế sự phát triển của mô sụn, làm xương và khớp ngừng phát triển, và các bộ phận khác phát triển chậm. Cuối cùng, điều này dẫn đến bệnh thiếu máu cục bộ khớp háng. Do đó, trong các ảnh chụp X-quang của dân làng Yangsi, có thể thấy rõ đỉnh đầu xương đùi biến mất và khe hở giữa các khớp cũng biến mất.

Một giả thuyết khác được đưa ra là, trong khoảng thời gian từ những năm 1920 đến 1970, ngôi làng chỉ có hơn 100 hộ gia đình, và hơn một nửa trong số đó có con nhỏ bất ngờ mắc bệnh khi ở độ tuổi từ 3 đến 8. Những đứa trẻ này bị đau đầu gối, yếu tay chân, và mất khả năng vận động. Cha mẹ chúng lo lắng đưa con đến y sĩ nhưng không thể tìm ra nguyên nhân. Vài năm sau khi xuất hiện những triệu chứng này, các em không còn phát triển chiều cao nữa.

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, căn bệnh quái ác đã tàn phá ngôi làng, biến những người trưởng thành thành những người mang vóc dáng trẻ con. Tìm việc làm đã khó, tìm bạn đời lại càng khó hơn, buộc họ phải sống trong cô đơn vô tận.

Bầu không khí lo lắng và sợ hãi bao trùm cả làng, dẫn đến việc một số người quyết định rời xa nơi chôn rau cắt rốn đầy ám ảnh này. Sự khủng hoảng này cũng làm cho những người muốn đến thăm phải chùn bước, khiến những tin đồn về ngôi làng lan rộng.

Dân làng đã nhiều lần đến các bệnh viện để kiểm tra, nhưng không phát hiện ra vấn đề gì qua mỗi lần khám. Nhiều nhà khoa học đã đến ngôi làng nhỏ bé này để nghiên cứu hiện tượng kỳ lạ. Một cuộc khảo sát toàn diện đã được thực hiện để phân tích đất, nguồn nước, thực phẩm, và chất lượng không khí trong làng.

Nhiều nhà khoa học đã đến ngôi làng nhỏ bé này để nghiên cứu hiện tượng kỳ lạ

Nhiều nhà khoa học đã đến ngôi làng nhỏ bé này để nghiên cứu hiện tượng kỳ lạ

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, từ mẫu nước lấy từ giếng cổ của làng từ những năm 1920, các nguyên tố thiết yếu như Canxi và Phốt pho thiếu hụt nghiêm trọng. Đây là những chất không thể thiếu đối với sự phát triển chiều cao của con người. Họ cho rằng nguồn nước của làng có vấn đề nghiêm trọng. Qua điều tra, cũng được biết rằng ngôi làng này thường xuyên cảm nhận những cơn địa chấn, mà họ cho là động đất. Nỗi sợ hãi kéo dài, và vài năm sau, dân làng mắc phải căn bệnh kỳ lạ này.

Một giả thuyết khác từ các nhà khoa học cho rằng vào năm 1997, nồng độ thủy ngân cao trong đất tại làng Yangsi có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh. Tuy nhiên, họ không thể tự chứng minh nhận định này, do đó nguyên nhân thực sự của căn bệnh vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay.

Truyền thuyết về lời nguyền rùa đen

Chính quyền Trung Quốc không phủ nhận sự tồn tại của ngôi làng này, nhưng hiện tại vẫn chưa cho phép người nước ngoài đến thăm. Điều này càng làm cho câu chuyện về một ngôi làng toàn người lùn trở nên huyền bí và đầy ly kỳ.

Một số người cho rằng ngôi làng gặp phải vận xui do phong thủy xấu hoặc do không chôn cất tổ tiên một cách đàng hoàng. Tuy nhiên, câu chuyện thu hút sự chú ý nhất là về "lời nguyền rùa đen".

Theo truyền thuyết dân gian, một người đàn ông tên Wang đã phát hiện một con rùa đen có bàn chân kỳ lạ. Dân làng tranh luận xem nên thả con rùa hay ăn nó.

Cuối cùng, dân làng quyết định nướng con rùa đen để ăn. Khi căn bệnh xuất hiện, người dân đồn đại rằng rùa đen đã nổi giận và giáng lời nguyền lên trẻ em cùng các thế hệ sau này.

Một số cư dân đã rời bỏ làng vì lo sợ căn bệnh. Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện trong những năm gần đây. Các báo cáo cho biết những thế hệ sau này dường như không còn bị ảnh hưởng bởi căn bệnh bí ẩn này.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy