Tại Nhật Bản, những người đàn ông đi làm nuôi gia đình thường có vị thế khá lớn. Tuy nhiên, nền kinh tế tăng trưởng chậm trong khi các doanh nghiệp không chịu tăng lương đang khiến những ông chồng ngày càng lép vế trước các chị em phụ nữ trong vai trò trụ cột gia đình.
Khảo sát gần đây của Viện Hakuhodo Institute of Life and Living (HILL) và Shinsei Bank cho thấy lần đầu tiên những người con trong gia đình Nhật Bản tôn trọng mẹ của mình hơn bố (68,1% so với 62%), trong khi Nhật Bản vốn là một nước trọng nam giới.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là những người vợ, vốn kiểm soát chi tiêu trong gia đình đã cắt giảm tiền tiêu vặt của các ông chồng khi thu nhập của họ không tăng đáng kể.
Ngược lại, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động khiến mức lương của họ tăng lên 15% trong cùng thời kỳ. Sự gia tăng này đã khiến quyền lực của các bà mẹ bỉm sữa ngày một lên cao ở Nhật.
Viện Hakuhodo nhận xét, “Chúng tôi ngờ rằng mối quan hệ giữa các ông bố, bà mẹ đang thay đổi vì số lượng các cặp vợ chồng cùng có thu nhập tăng lên. Ngày càng có nhiều bà mẹ đi làm. Họ không chỉ thành đạt bên ngoài mà còn chăm lo chuyện nội trợ trong gia đình”.
Với hiện tượng người phụ nữ vừa đi làm vừa chăm lo cho gia đình, trong khi các công chồng bị sụt giảm hoặc đi ngang về thu nhập, xã hội Nhật Bản đang có những thay đổi đáng kể so với truyền thống văn hóa trọng nam giới của nước này. Ngày nay, việc đàn ông Nhật chăm lo chuyện gia đình cho phụ nữ đang ngày càng trở nên bình thường.
Tuy nhiên, bình đẳng nữ quyền tại Nhật Bản vẫn còn một chặng đường rất dài để đi khi đàn ông vẫn là lao động chính trong xã hội. Dù các bậc cha mẹ được phép nghỉ sinh dài như nhau tại Nhật để chăm con nhưng chỉ có 3% số nhân viên nam nghỉ phép hết như vậy trong năm 2016. Trong khi đó, có đến 57% nhân viên nam nghỉ phép dưới 5 ngày vào năm 2015 khi vợ sinh con. Con số này thấp hơn rất nhiều với mức 82% nghỉ thai sản của phụ nữ.