Biến động Ukraine: Ưu thế nghiêng về Putin nhờ đề xuất của Crimea

12:56, Thứ sáu 07/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việc Nghị viện Crimea bỏ phiếu nhất trí trở thành một phần thuộc Liên bang Nga, khiến giới quan sát cho rằng Nga đã chiếm ưu thế hơn trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, điều này dường như đã khiến Mỹ có những hành động cứng rắn hơn.

Chính quyền Crimea nhất trí sáp nhập vào Nga

Hãng thông tấn RIA đưa tin, ngày 6/3, Nghị viện Crimea đã bỏ phiếu nhất trí trở thành một phần thuộc Liên bang Nga. Nguồn tin trên trích dẫn văn bản quyết định của Nghị viện Crimea cho biết cơ quan này đã nhất trí "sáp nhập vào Liên bang Nga với các quyền của một chủ thể trực thuộc Liên bang Nga". 

Chính quyền thân Nga ở Crimea đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét đề nghị cho phép vùng lãnh thổ tự trị này gia nhập Liên bang Nga và đề nghị này sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 16/3 tới.

Mô tả ảnh.
An ninh tại Crimea hiện do các quân nhân không đeo phù hiệu đảm nhiệm.

Cùng ngày, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Putin đã được báo cáo về đề nghị trên của Nghị viện Crimea.

Theo Reuters, Chính phủ Ukraine đã chính thức chỉ trích rằng điện Kremlin đứng đằng sau những diễn biến mới nhất tại Crimea, bao gồm việc kêu gọi trưng cầu ý dân về việc chấp thuận cho Crimea trở lại với Nga.

“Đây không phải là một cuộc trưng cầu ý dân, đây là một trò hề, một sự lừa dối và một tội ác chống lại Ukraine do quân đội Nga dàn dựng”, Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksander Turchinov phát biểu tại thủ đô Kiev.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một đòn đáp trả thích đáng với các nhà ngoại giao phương Tây về tuyên bố của họ rằng Nga sẽ phải chấp nhận việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich bị phế truất ngày 22/2 vì đây là ý nguyện của nhân dân Ukraine.

Bởi lẽ, bây giờ thì chính họ sẽ phải chấp nhận ý nguyện của người dân Crimea (về việc sáp nhập Cộng hòa tự trị này với Nga).

Trong một diễn biến khác, hãng tin RIA Novosti (Nga) ngày 6/3 cho biết Quân khu Miền Tây của Nga đã bắt đầu cuộc tập trận phòng không bắn đạn thật quy mô lớn tại khu vực Kapustin Yar.

Kapustin Yar, nằm cách biên giới Nga - Ukraine 450 km về phía đông. Cuộc tập trận phòng không tại đây có sự tham gia của khoảng 3.500 lính Nga và 1.000 khí tài quân sự trong vòng khoảng 1 tháng, theo RIA Novosti.

RIA Novosti cho hay đây là cuộc tập trận bắn đạn thật, bao gồm nhiều hệ thống tên lửa phòng không như S-300, Buk-M1.

“Đây là lần đầu tiên các đơn vị phòng không từ Quân khu Miền Tây và các lực lượng phòng vệ bờ biển thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga phối hợp tập trận, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay”, người phát ngôn của  Quân khu Miền Tây Oleg Kochetkov nói.

Mỹ, EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga

Trước những động thái bất ngờ trên, Washington đã phản ứng với Nga bằng việc tuyên bố cấm thị thực của các quan chức Nga và Ukraine mà Mỹ cho rằng chịu trách nhiệm về việc không tôn trọng Hiến pháp dân chủ tại Ukraine, đồng thời cảnh báo những động thái chia rẽ Crimea khỏi Ukraine là vi phạm luật quốc tế.

Trong cuộc điện đàm ngày 6/3, Tổng thống Barack Obama đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các biện pháp trừng phạt mà ông Obama gọi là nhằm phản ứng lại việc Nga “xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine”, theo AFP.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Lệnh cấm visa nhắm vào những người Nga và Ukraine mà Mỹ cho là có hành động đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.

AFP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết những cá nhân nào bị tước visa ở Mỹ hoặc không được cấp visa vào Mỹ sẽ được thông báo cụ thể, nhưng phía Mỹ từ chối tiết lộ danh tính những người này.

Tuy nhiên, một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Putin không nằm trong danh sách trên.

Mặc dù vậy, theo nhận định của AFP, lệnh cấm visa của Mỹ sẽ áp vào những quan chức chính quyền ông Putin.

Lệnh cấm visa chỉ là bước đầu tiên trong hàng loạt các biện pháp trừng phạt Nga mà Mỹ dự định áp dụng. Tổng thống Obama đã ký các văn bản mở đường cho nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những cá nhân hoặc tổ chức ở Nga có liên quan đến tình hình khủng hoảng Ukraine, theo AFP.

Cũng trong ngày 6/3, Liên minh châu Âu (EU) đã đóng băng tài sản của Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych (đang ở Nga), cựu Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov và 16 quan chức cấp cao khác vì tình nghi biển thủ của công và vi phạm nhân quyền.

Các nhà lãnh đạo EU trong cuộc họp khẩn cấp tại Brussels, Bỉ, ngày 6/3 đã cảnh báo 3 bước trừng phạt với Nga, trong đó có cấm thị thực, phong tỏa tài chính và các hạn chế kinh tế, nếu Nga không tham gia đối thoại trực tiếp với chính quyền Ukraine để giải quyết bất ổn leo thang hiện nay.

Hành động đầu tiên của EU là việc ngừng các cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến tổ chức tại thành phố Sochi của Nga vào tháng 6 tới và ngừng đàm phán quy chế miễn thị thực với Nga.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy cảnh báo “quan hệ Nga-EU sẽ bị tổn hại nặng nề” nếu căng thẳng Ukraine không được giải tỏa.

Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, việc phong tỏa tài sản và cấm đi lại nhằm vào Nga sẽ nhanh chóng được áp đặt nếu đối thoại tại Ukraine không được triển khai.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông
TIN MỚI CẬP NHẬT