Bộ trưởng Giáo dục đi đầu chống trào lưu "hoang mang style"?

06:48, Thứ năm 23/05/2013

( PHUNUTODAY ) - (Đời sống) – Bộ trưởng Giáo dục nói rằng công bố tiêu cực sẽ làm sĩ tử hoang mang, nên báo chí đừng vội đưa, với các ngành khác có lẽ báo chí cũng nên quán triệt tinh thần đó, vì có thể làm cả xã hội này hoang mang.

Đời sống) – Bộ trưởng Giáo dục nói rằng công bố tiêu cực sẽ làm sĩ tử hoang mang, nên báo chí biết cũng đừng vội đưa, với các ngành khác có lẽ báo chí cũng nên quán triệt tinh thần đó, vì có thể làm cả xã hội này hoang mang.
[links()]
Mới đây Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận ký văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành trên cả nước trong các kỳ thi tốt nghiệp, đại học tới đây phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến thi cử, như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có).

Quy định trên vừa được ban hành thì người ta mới giật mình, sao giờ ai cũng có quyền/tìm cách ra lệnh kiểm soát báo chí như vậy. Với quy định trên của Bộ trưởng Luận, báo chí dường như đã bị “chặt” mất chân trong cuộc chiến chống tiêu cực thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục. Và quan trọng hơn, việc thông tin kịp thời, nhanh nhạy của báo chí cũng không còn, khi phải đợi cơ quan chức năng kiểm chứng, xử lý, báo chí trở thành cái “loa” của cơ quan ngành giáo dục, chỉ đua tin những cái gì mà ngành này muốn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (ảnh nhỏ) lo ngại báo chí đưa tin tiêu cực sẽ làm sĩ tử hoang mang.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (ảnh nhỏ) lo ngại báo chí đưa tin tiêu cực sẽ làm sĩ tử hoang mang.

Giải thích cho quy định kiểm soát thông tin báo chí kể trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói bên hành lang Quốc hội sáng 21/5 rằng: “Tôi cho rằng khi báo chí đưa tin cần thận trọng, nhiều khi nghe thông tin một cái là đưa, nhất là lúc các em học sinh đang làm bài mà tiếp nhận được thông tin ấy là sốc, không làm được bài”.

Rồi ông nói, chúng ta nên chống tiêu cực trong giáo dục một cách có trách nhiệm, chất lượng để đảm bảo môi trường thi cử cho các em học sinh được yên tĩnh và chúng ta không bị những thông tin của những người hoặc vô tình hoặc cố ý làm mất ổn định môi trường sư phạm.

Báo chí là phương tiện đưa tin nhanh, nhạy và chính xác tới toàn xã hội, và thông tin chỉ có giá trị khi nó được đưa lên kịp thời, ấy vậy mà Bộ trưởng lại nói rằng: “Không có gì vội trong vấn đề xử lý sai phạm, xử lý thông tin về sai phạm. Nếu đã có chứng cứ thì một hai ngày sau xử lý chứ có mất gì đâu. Còn nếu sau một ngày mà không thể xác minh được nữa thì đó là chúng ta phải rút kinh nghiệm về mặt nghiệp vụ”, và Bộ trưởng nhắc lại “đưa ngay lên để người ta sốc thì không có lợi”.

Nếu quy định trên được thực hiện, thì không biết rồi đây việc chống tiêu cực trong giáo dục sẽ ra sao, khi quy định vậy, nhưng Bộ trưởng Luận cũng phải thừa nhận một thực tế rằng “phần lớn những vụ tiêu cực chúng tôi xử lý vừa rồi là do báo chí đưa tin. Nhiều nhà báo cung cấp cho chúng tôi cả băng ghi âm, bài viết và nhiều tư liệu và báo chí cũng công nhận Bộ đã xử lý rất nghiêm túc những sai phạm”.

“Những phát hiện do ngành giáo dục tự chủ động phát hiện sai phạm còn ít. Gần đây, Bộ đã bắt đầu rút kinh nghiệm và kiểm tra xử lý một số trường sai phạm”, Bộ trưởng Luận nói.

Dường như, chúng ta đã quen với câu nói sau khi sai phạm bị phanh phui là “chúng tôi đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Giả sử, khi báo chí phát hiện tiêu cực trong các kỳ thi tới đây, chuyển thông tin đó tới cơ quan chức năng, cơ quan này chưa đồng ý cho đăng bảo để kiểm chứng, đợi 2, 3 ngày các cơ quan nói là chúng tôi đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Lúc đó báo chí sẽ làm gì, đăng mẩu tin bằng hộp diêm với trả lời cơ quan chức năng đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm thì còn ai đọc báo nữa, tính thời sự của báo chí cũng bị triệt tiêu.

Suy rộng ra, nếu tất cả các ngành cùng làm như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì sẽ thế nào đây? Báo chí nếu phát hiện tiêu cực ở bất kể ngành nghề, lĩnh vực nào cũng không được đưa tin ngay vì như thế sẽ làm cả xã hội hoang mang, mất niềm tin vào bộ máy công quyền. Nên báo chí phải báo cáo cơ quan quản lý, rồi khi các cơ quan trả lời báo chí mới được đưa tin, nếu các cơ quan đó có nói nguồn tin không chính xác, thực tế không có thì báo chí cũng dừng đưa tin hay sao?

Hay như với thực phẩm bẩn, độc, nếu báo chí có phát hiện người sản xuất làm bẩn cũng không được đưa tin ngay, vì nó làm cả xã hội hoang mang, lo lắng, không ai còn dám ăn uống gì nữa, rồi mọi người đâm ra chết đói thì báo chí lỗi lớn lắm. Nên cần phải thông báo với cơ quan chức năng, rồi họ bảo làm gì thì báo chí mới được làm.

Rồi thì điện, xăng dầu, bauxite, bất động sản, tập đoàn nhà nước, chống buôn lậu, tiêu cực đất đai, y tế, tiêu cực bệnh viện, làm quyền… cứ âm thầm làm, không cần tới báo chí làm gì nữa, khi nào làm xong, có kết quả thì viết cái thông cáo gửi cơ quan báo chí đăng mẩu tin to cỡ bao thuốc lá, thế là xong.

Nhưng kể ra, cái yêu cầu của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng có cái lý của ông, khi thời gian qua có mấy cái quyển sách dạy trẻ con tập đọc, tập viết in mỗi cờ Trung Quốc, sách tham khảo quên in quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà báo chí cứ làm loạn cả lên. Đáng lẽ, những trường hợp đó báo chí chỉ cần gửi thông tin tới Bộ rồi Bộ này ra chỉ đạo thu hồi, tiêu hủy, in bộ khác thay thế thì có làm sao đâu, đăng nào thì những bộ sách đó đâu phải trách nhiệm của mình Bộ GD&ĐT, liên ngành cơ mà. Làm người dân hiểu nhầm cứ đem Bộ GD&ĐT ra mà chì chiết, lãnh đạo cũng rầu lòng lắm chứ.

Rồi thì học sinh lớp 12 trường nọ xé đề cương môn Lịch Sử công khai vứt xuống sân trường rồi hò reo, còn hàng ngàn học sinh khác thì dùng đề cương Sử nhóm lò, bán đồng nát… Cái này đâu phải lỗi của ngành giáo dục, lãnh đạo ngày cũng lao tâm khổ tứ đó chứ, nhưng mà học sinh chúng nó hiếu động, nghịch ngợm xé đề cương là ý của chúng, các cụ ta bảo rồi mà “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, không nghịch theo kiểu “độc” thế sao gọi là học trò.

Còn học sinh ta cũng am hiểu, đam mê sử lắm chứ, nếu quý vị không tin cứ gặp bất kể em học sinh nào hỏi xem vua Càn Long, Khang Hy là ai, thì cam đoan 9/10 em trả lời vanh vách; còn về văn học, thử hỏi các em có biết tác giả Kim Dung không, thì kết quả có chắc chắn cũng nhiều không kém; còn âm nhạc ư, hãy hỏi Super Junior, Bi – Rain… học sinh không ai không biết; truyền hình ư, gì chứ diễn viên Maria Ozawa đóng phim gì thì học sinh cũng chả lạ… Như vậy thì sao có thể nói là nền giáo dục của chúng ta có vấn đề được, đâu phải học lệch, học tủ, học sinh chúng ta hiểu biết toàn diện vậy cơ mà, chúng ta phải đáng tự hào về điều đó mới phải chứ? Người viết nói vậy có phải không quý vị!

  • Phạm Thanh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc