Nếu như trước đây, phải đến tháng 7, tháng 8 bọ xít hút máu người mới xuất hiện, thì năm nay, ngay từ đầu tháng 5, rất nhiều địa phương đã ghi nhận sự xuất hiện của chúng. Theo PGS.TS. Trương Xuân Lam (Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) cho biết, ở Hà Nội đã từng có gia đình phát hiện gần 8.000 con bọ xít hút máu người trong nhà.
Vào ngày 26/6 vừa qua, Tại TP.HCM cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của bọ xít hút máu người tại Q.3. Địa điểm phát hiện bọ xít là tại nhà ông Trần Văn Yến, ở đường Nguyễn Thiện Thuật, P.2, Q.3.
Ông Yến cho biết, sau một thời gian ông vắng nhà vì phải đi điều trị bệnh ở bệnh viện, tối 25-6 ông đang nằm ngủ thì phát hiện một con bọ xít bò lên tay ông.
Sau khi phát hiện đây là loài bọ xít hút máu người mà báo chí từng thông tin, ông liền gọi người nhà lục lọi các ngóc ngách trong nhà và bắt được tổng cộng 11 con bọ xít cùng loại. Theo quan sát của chúng tôi, loài bọ xít này có kích thước to nhỏ khác nhau, màu đen và cứng.
Những con bọ xít hút máu người dược phát hiện tại nhà ông Yến. |
Đại diện Trạm y tế P.2, Q.3 cho biết đây là lần đầu tiên bọ xít hút máu xuất hiện trên địa bàn phường. Môi trường ẩm thấp chính là điều kiện tốt cho loài bọ xít này phát triển. Sau khi hướng dẫn gia đình ông Yến vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa, đại diện trạm y tế phường đã tiếp nhận số bọ xít hút máu này để tiêu hủy.
Theo bà Phan Nhật Lệ, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.3, cho biết bọ xít hút máu người ở VN chưa có chủng gây bệnh. Khi bọ xít đốt chỉ gây ngứa, đốt nhiều có thể gây dị ứng, nổi mẩn, đau nhức... tùy cơ địa mỗi người.
Chưa có thuốc đặc trị
"Bọ xít hút máu người thường tấn công lúc nửa đêm (1-3h sáng) và chỉ hút máu đang chảy trong huyết quản của người. Khi đốt, chúng tiết ra một loại chất gây tê, nên chúng ta thường không cảm nhận được gì. Thời gian hút máu kéo dài 14-15 phút.
Điều đáng nói là hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị loại côn trùng này" - ông Lam nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, bọ xít hút máu người là trung gian truyền bệnh Chagas và bệnh ngủ do kí sinh trùng T. brucei gây ra. Đây là hai căn bệnh nguy hiểm, có khả năng tử vong cao.
Bệnh nhân mắc bệnh Chagas có thời gian ủ bệnh lâu. Các triệu chứng có thể gặp phải như: loạn nhịp tim, viêm cơ tim và nghẽn tắc mạch máu. Một số bệnh nhân có nghẽn tắc mạch não, viêm não, màng não lan tỏa có hoại tử và xuất huyết. Bệnh nhân đau ngực, khó nuốt và nôn, thực quản thường bị giãn to, đau. Bệnh nhân thường khó thở khi hít vào, nhất là trong khi ngủ. Nhiều trường hợp bị viêm phổi, gầy yếu suy nhược, sút cân, có thể tử vong.
Bệnh nhân mắc bệnh ngủ thường gầy yếu, suy kiệt, phù, hay mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn tâm thần, hay ngủ gật ban ngày. Thời gian ngủ tăng dần khiến bệnh nhân thiếu sức sống, nói ngắc ngứ... Cuối cùng, bệnh nhân hôn mê và tử vong.
"Tuy nhiên, bọ xít hút máu người chỉ gây bệnh khi hút máu ở người có mang mầm bệnh. Ở Việt Nam hiện tại không có mầm bệnh. Giả sử nếu có thì cũng cực kỳ ít, vì thế, bọ xít bị nhiễm bệnh rất nhỏ. Nguy cơ lây bệnh sang người cũng không đáng kể" - PGS.TS Trương Xuân Lam cho biết.