Lại phát hiện cá thể bọ xít hút máu người tại Hà Nội

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong mấy ngày gần đây, một số người dân Hà Nội đứng ngồi không yên khi thấy loài vật nguy hiểm này xuất hiện trở lại.

Theo phản ánh của một số hộ dân sống ở phường Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), thời gian gần đây, khu vực này xuất hiện những cá thể bọ xít có hình dạng rất giống với bọ xít hút máu người.

Anh Hùng ở ngõ 354, đường Trường Chinh (phường Khương Thượng) kể, hai ngày liên tiếp 27, 28/5 vừa qua, anh phát hiện trong nhà có hai cá thể bọ xít, mỗi con dài khoảng gần 2cm.

Tìm hiểu trên mạng, anh Hùng thấy hai cá thể bọ xít này có hình dạng rất giống với loài bọ xít hút máu người từng xuất hiện ở Hà Nội trước đây. Không chỉ nhà anh Hùng, một số hộ dân gần đó cũng phát hiện loài bọ xít trên ở nhà.

Trước đó, sáng ngày 23/4, anh Trần Văn Vĩnh ở 19 Hàng Thiếc (Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) thức dậy vào phòng tắm ở tầng 3 để rửa mặt thì thấy một con bọ xít ngay trên chậu rửa mặt giống hệt những con bọ xít hút máu người được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.

bọ xít hút máu người xuất hiện trở lại

Con bọ xít hút máu người xuất hiện tại nhà riêng của anh Trần Văn Vĩnh . Ảnh Trần Văn Vĩnh

Anh Vĩnh cho biết, anh là cư dân sinh ra và lớn lên ở đây và chưa bao giờ nhìn thấy con bọ xít hút máu này, đây là lần đầu tiên thấy xuất hiện trong nhà. Sau khi chụp ảnh để làm tư liệu, anh Vĩnh đã bắt con bọ xít cho vào túi ni lông, dự định sẽ gửi mẫu tới Viện Ký sinh trùng để các nhà khoa học có thêm bằng chứng.

Sáng 20/4, anh Trần Văn Thái (trú tại số 7, Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phản ánh việc gia đình anh này vừa bắt được một cá thể bọ xít tại cửa chính trong nhà.

Thông tin về bọ xít hút máu người đã từng gây nên sự hoang mang cực độ cho nhiều người dân cả nước. Đó Năm 2012, khi bọ xít hút máu người rầm rộ xuất hiện tại nhiều địa phương.

PGS. TS Nguyễn Văn Châu (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng TƯ) cho biết: “Loài bọ xít hút máu người có thể bay vào nhà hay phát hiện thấy trong nhà từ tầng 1 đến tầng 4 (độ cao mỗi tầng từ 2,8 – 3,5m), nhưng chủ yếu từ tầng 1 đến tầng 2. Bọ xít hút máu thường làm tổ ở khe tường, sàn gỗ, gác xép và các đống củi gỗ để lâu ngày. Bọ xít hút máu người không phải mới xuất hiện ở Việt Nam mà trước năm 1979 côn trùng này đã có mặt, sau đó ít đi, mấy năm gần đây xuất hiện trở lại. Chúng xuất hiện nhiều khi thời tiết có mưa liên tục”.

Cũng theo PGS.TS Châu, bọ xít hút máu người không có khả năng truyền bệnh và dẫn tới tử vong như dư luận hoang mang. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, người dân cũng nên dọn dẹp vệ sinh giường, tủ, vệ sinh nơi ở, khu vực quanh nhà để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu người phát tán. Nếu vô tình bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng, chống viêm nhiễm tại chỗ.”

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, thời điểm mùa hè, bọ xít hút máu người bắt đầu sinh sản nhiều. Loài này đang có xu hướng sống gần con người, thời gian hút máu chủ yếu từ 0h-3h.

Ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu thì nên thường xuyên ngủ màn, giắt màn cẩn thẩn để bọ xít không thể chui vào màn đốt người. Khi phát hiện bọ xít nên tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm và diệt bọ xít. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, khi phát hiện bọ xít, côn trùng cần phun diệt bằng các sản phẩm hóa chất diệt côn trùng đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành.

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn