Từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 55.000 ca mắc Covid-19, trong đó TP HCM gần 33.000 ca. Sự nguy hiểm của biến thể Delta cùng với số lượng ca nhiễm không ngừng gia tăng đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị. Nhiều gia đình vì lo lắng nên cũng đã tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo ô xy, tích trữ các bình khí ô xy để "phòng" cho những tình huống xấu sẽ xảy ra.
Chỉ cần vào Google gõ từ khóa "thiết bị ô xy", có khoảng 18,5 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,45 giây. Thiết bị tạo ô xy, bình ô xy, máy thở... không chỉ tràn ngập tại các cửa hàng trên phố chuyên bán vật tư y tế Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) mà còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... với đủ các kích cỡ, xuất xứ và giá tiền khác nhau. Người dân không phải đến tận nơi mà chỉ cần ngồi nhà và sau vài cú click chuột là các thiết bị tạo ô xy, bình ô xy... sẽ được vận chuyển đến tận nhà.
Các loại bình thở ô xy mini 5 lít, 8 lít sử dụng tại nhà hoặc có thể mang đi có giá từ 700.000 đồng đến hơn 1,3 triệu đồng; máy đo độ bão hòa ô xy trong máu có giá từ 200.000 đến 400.000 đồng; máy tạo ô xy có giá từ 7 triệu đồng đến 35 triệu đồng...
Trước thực trạng, người dân tự mua máy tạo ô xy, máy thở, bình ô xy... để tự dùng tại nhà, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đối với các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đều cần đến thở máy.
Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này, khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% thở máy xâm nhập.
Ông Khoa cũng khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ máy thở, bình khí oxy vì lãng phí do không thể tự sử dụng, có thể gây khan hiếm nguồn cung trên thị trường.
"Bộ Y tế và TP HCM cam kết không thiếu máy thở, khí oxy cho bệnh nhân, do đó người dân hoàn toàn có thể an tâm", ông Khoa nói với báo chí, hôm 18/7.
"Bộ Y tế và thành phố Hồ Chí Minh cam kết không thiếu máy thở cho người bệnh, do đó người dân hoàn toàn có thể yên tâm. Người dân không nên mua, tích trữ máy thở vì vừa gây lãng phí do không thể tự dùng được, mà còn tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường", ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cũng đưa ra cảnh báo, việc người dân tự ý mua các thiết bị tạo ô xy để sử dụng tại nhà là không cần thiết. Khi mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với ô xy y tế.
Ngày 19/7, Bộ Y tế có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp ô xy y tế, sẵn sàng ứng phó trước mức độ lan truyền, tăng số bệnh nhân nặng ở các tỉnh, thành phố. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu ô xy y tế trong cấp cứu, điều trị.
Còn về vấn đề nguồn cung khí ô xy, Bộ Y tế đã khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất ô xy tại nước ta, kết quả cho thấy, khả năng cung ứng ô xy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện.
Bộ Y tế đã thiết lập kho dã chiến thiết bị, vật tư y tế tại TP HCM, chuyển thêm 2.000 máy thở vào kho này để phục vụ điều trị ở thành phố và các tỉnh phía Nam. Như vậy, nguồn cung cấp khí ô xy cho cả nước đều không thiếu.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch hôm qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho "kịch bản xấu và xấu hơn"; đồng thời cam kết không để thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.